Thương chiến: Món nợ trăm năm từ thời “Thế kỷ ô nhục” của TQ có thể trở thành vũ khí mới của TT Trump?
Trước tình hình thương chiến leo thang, nhiều người dân Mỹ tin rằng họ đang sở hữu một thứ “vũ khí” rất hữu ích đối với Tổng thống Trump trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Vũ khí mới của ông Trump trong cuộc thương chiến với Trung Quốc
Bước đi tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc thương chiến ngày càng khốc liệt với Trung Quốc có thể sẽ là điều được ghi lại trong sách sử – theo đúng nghĩa đen, Bloomberg bình luận.
Cụ thể, theo Bloomberg, chính quyền ông Trump đang nghiên cứu một hướng đi mới trong cuộc thương chiến mà hầu như không ai nghĩ tới – đó là sử dụng những trái phiếu được Trung Quốc bán ra và tuyên bố vỡ nợ từ thế kỷ trước, rất lâu trước ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.
Loại trái phiếu vỡ nợ nói trên hiện được coi là một loại “đồ cổ sưu tầm”, và có thể được tìm thấy trên EBay hay trong những tầng hầm và căn gác của hàng ngàn người dân Mỹ. Chúng thường được rao bán với giá sưu tầm khoảng vài trăm USD mỗi tờ.
Sau khi được thành lập, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa từng thừa nhận món nợ này từ thời Trung Hoa Dân Quốc, mặc dù điều đó không thể ngăn chặn được những nỗ lực thu thập tiền thanh toán trái phiếu của các quốc gia từng đầu tư vào chúng.
Hiện tại, khi ông Trump đối đầu với Trung Quốc trong cuộc thương chiến, những người Mỹ sở hữu loại trái phiếu cổ xưa này hy vọng Tổng thống của họ sẽ dùng đến chúng trong cuộc chiến, dù đã có một số quan chức chính phủ Mỹ cáo buộc những tay lừa đảo đang bán ra các trái phiếu giả.
“Đối với Tổng thống Trump, thì đây là một trò chơi hoàn toàn mới lạ”, Jonna Bianco, một chủ trang trại gia súc ở bang Tennessee và hiện nay là người đứng đầu của nhóm đại diện cho những người sở hữu trái phiếu cổ của Trung Quốc. Từng gặp gỡ Tổng thống Trump, người này đã khen ngợi và bày tỏ lòng tin đối với nhà lãnh đạo của mình: “Ông ấy là người luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu. Cầu Chúa phù hộ cho ông ấy”.
Trái phiếu Đường sắt Hukuang là một ví dụ thú vị. Nó được bán ra vào năm 1911 để giúp Trung Quốc thu được nguồn tài trợ cho việc xây dựng tuyến đường sắt kéo dài từ Hán Khẩu tới Tứ Xuyên.
Nước Mỹ từng gọi dòng tiền chảy vào Trung Quốc đầu thế kỷ 20 là chính sách “ngoại giao đồng đô-la” – một cách xây dựng quan hệ ngoại giao (và thị trường khổng lồ chưa được khai thác) với nước này thông qua hành động giúp đỡ Trung quốc công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, người Trung Quốc lại đặt tên cho giai đoạn này là “bách niên quốc sỉ” – hay “thế kỷ ô nhục” – cụm từ được sử dụng để nói về việc quốc gia này buộc phải đồng ý với sự kiểm soát không công bằng của nước ngoài.
Còn đối với ông Trump trong bối cảnh thương chiến leo thang hiện nay, thì những tờ trái phiếu cổ xưa ấy lại mang một ý nghĩa khác: chúng có thể trở thành đòn bẩy cho Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Đó cũng chính là điều bà Bianco – người sáng lập Quỹ Trái phiếu Mỹ (ABF) – đang hy vọng.
Người phụ nữ này cho biết bà đã dành nhiều năm để nghiên cứu về nhưng nghĩa vụ pháp lý của Trung Quốc, và tìm kiếm những người có tên tuổi cho “dự án” của mình. Đội ngũ của bà gồm ông Bill Bennett – người từng giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan; Brian Kennedy, thành viên cao cấp tại Viện Claremont; và Michael Socarras, người được Tổng thống Bush đề cử làm luật sư trưởng cho lực lượng Không quân Mỹ.
Theo tính toán của bà Bianco, Trung Quốc nợ hơn 1 ngàn tỉ USD cho khoản trái phiếu đã tuyên bố “vỡ nợ”. Nếu điều chỉnh theo giá lạm phát, tiền lãi suất và những thiệt hại khác, thì Trung Quốc đã nợ một khoản tiền gần tương đương với số trái phiếu của Trung Quốc do Bộ Tài chính Mỹ sở hữu hiện nay.
“Có điều gì sai đâu, khi ta trả lại cho Trung Quốc đúng những mảnh giấy của họ”, bà Bianco nói.
Bà Jonna Bianco từng gặp gỡ ông Trump tại sân golf của ông ấy, một cuộc gặp gỡ mà theo bà là “tuyệt vời”. Sau lần đó, bà này còn gặp gỡ Bộ trưởng tài chính Mỹ Mnuchin và Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross.
Những nguồn tin thân cận với Bộ Tài chính Mỹ cho biết vấn đề về trái phiếu Trung Quốc đã được nghiên cứu kĩ lưỡng’ tuy nhiên ABF cho rằng việc sử dụng các trái phiếu này để trao đổi với Trung Quốc có vẻ không đúng trên phương diện pháp lý. Trong khi đó, các phát ngôn viên của hai bộ Tài chính-Thương mại Mỹ đã từ chối nêu quan điểm.
Còn theo những nguồn tin thân cận với các quan chức Trung Quốc, thì cho biết các quan chức này đã nói rằng họ không nghĩ khoản nợ này sẽ được khôi phục.
Mỹ có thể đòi Trung Quốc trả món nợ cổ xưa này hay không?
Vấn đề hiện nay, đó là thời gian trôi qua đã quá lâu để quy kết trách nhiệm cho chính phủ kế thừa của Trung Quốc, đặc biệt là sau không ít biến động dân sự.
Một trong những trường hợp được nhiều người biết đến nhất là việc Liên Xô thoái thác trách nhiệm đối với các trái phiếu được bán ra dưới thời Nga Hoàng, khiến hàng ngàn nhà đầu tư thiệt hại. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng dưới góc độ nguyên tắc pháp lý, một số chính phủ kế thừa thường lựa chọn chịu trách nhiệm đối với các trái phiếu từ thời trước, một phần vì họ không muốn mất đi nhà đầu tư của mình.
“Tôi tin là tất cả những quan chức của Bộ Tài chính Mỹ đều nghĩ rằng điều này là vô lý”, Mitu Gulati, một chuyên gia về các khoản nợ được tái cơ cấu vào thời chính quyền mới, bình luận. Ông Gulati còn là một giáo sư luật tại Đại học Duke.
“Ở mức độ pháp lý, đây là những khoản nợ hoàn toàn hợp lệ. Tuy nhiên bạn phải nhờ một luật sư thực sự thông minh để kích hoạt chúng”, ông Gulati nói.
Các luật sư thông minh đã thử làm điều đó. Vụ việc gần nhất khiến Trung Quốc phải “nhả tiền” là một vụ kiện tập thể vào năm 1979, khi những người sở hữu trái phiếu đã buộc Trung Quốc phải ra tòa.
Gene Theroux, trước đây là cố vấn cao cấp tại Baker & McKenzie LLP, từng là luật sư đại diện cho chính phủ Trung Quốc tại tòa án.
Hiện đã nghỉ hưu, Theroux nhớ rất rõ vụ kiện nói trên. “Những yêu cầu của chúng tôi với tư cách là luật sư đôi khi không bình thường”, ông nói, trong đó bao gồm việc Trung Quốc chối bỏ mọi trích dẫn có cụm từ “Trung Hoa Dân quốc” trong tiêu đề, vì nó thiếu đi cái gọi là chính sách “Một Trung Quốc” của họ.
Vụ kiện trên đã bị bác bỏ trên cơ sở Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài năm 1976. Đạo luật này cho phép các tòa án của Mỹ xét xử các vụ kiện chống lại các chính phủ nước ngoài về tuyên bố thương mại, nhưng lại không thể áp dụng hồi tố cho loại trái phiếu phát hành vào đầu thế kỷ.
Đối với khoản nợ thế kỷ của Trung Quốc, chuyên gia Gulati cho rằng Mỹ vẫn có thể kiện Trung Quốc với lập luận rằng Bắc Kinh thực hiện thanh toán bằng trái phiếu hiện đại vi phạm các điều khoản thanh toán tương xứng.
Được biết, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Mỹ cũng đang nghiên cứu về khoản nợ cổ xưa của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Nhà Trắng vẫn chưa có thông tin chính thức về điều này, và cuộc chiến thương mại giữa hai nước vẫn đang hết sức gay cấn.
Hồng Anh/Soha News