+
Aa
-
like
comment

Thương chiến khốc liệt ‘trói chân’ kinh tế Trung Quốc, để lộ điểm yếu

16/08/2019 08:00

Huawei gần đây cho biết sẽ không tuyển những ai có hồ sơ dính dáng đến Mỹ, ví dụ mới của sự tách biệt đang lớn dần sẽ gây hại cho kinh tế Trung Quốc, theo Financial Times. 

Ngoài cuộc chạy đua khốc liệt về sản phẩm, các gã khổng lồ công nghệ của thế giới còn phải đua nhau săn đón nhân lực trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, Huawei gần đây tuyên bố sẽ không cạnh tranh tuyển dụng với Qualcomm hay Apple nữa.

“Nếu (các ứng viên) có dính tới Mỹ, họ chính là cánh tay nối dài của Mỹ nhắm đến công ty chúng tôi”, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nói đầu năm nay. “Nếu hồ sơ của họ có Mỹ, chúng tôi sẽ không tuyển họ”.

Nói cách khác, một trong những công ty thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vừa tuyên bố sẽ tách biệt khỏi nguồn nhân lực công nghệ hùng hậu nhất nhì thế giới (Mỹ).

Đây là một mặt của cuộc chiến rộng hơn về thương mại và công nghệ đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày càng chịu thiệt hại trong cuộc chiến này là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Bắc Kinh.

Khó khăn ẩn giấu của kinh tế Trung Quốc

Quyết định liệt Trung Quốc vào diện “thao túng tiền tệ” – trả đũa việc Bắc Kinh cho phép đồng tệ biến động theo thị trường và rớt giá từ ngày 5/8, lên trên mức 7 tệ đổi 1 USD – đã được giới phân tích coi là chỉ dấu cho thấy hai bên đã chuẩn bị “so găng” lâu dài.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters.

Các nhà kinh tế lo ngại nếu Trung Quốc tiếp tục tách biệt các mối liên kết với quốc tế, chính năng suất của lực lượng lao động nước này sẽ bị ảnh hưởng, do không thể tiếp cận nguồn nhân tài và công nghệ của nước ngoài.

“Một Trung Quốc không còn kết nối với thế giới… không tốt cho sự tăng trưởng về năng suất”, Scott Kennedy, nhà nghiên cứu ở Washington của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói với Financial Times. “Tôi lo ngại về kinh tế Trung Quốc trong một thế giới bị chia tách”.

Chiến tranh thương mại đang diễn ra vào thời điểm khó khăn của kinh tế Trung Quốc. Những kỳ tích do lực lượng lao động trẻ và năng động mang lại đã bắt đầu lu mờ dần khi dân số già đi.

Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc bao gồm đầu tư và năng suất lao động.

Đầu tư trong hai thập kỷ qua đã mang lại mức tăng trưởng hai con số, nhưng cũng tạo ra khối nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ công bằng 300% tổng sản phẩm quốc nội. Khối nợ này kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, vốn đã xuống thấp nhất trong 30 năm vào quý II năm nay.

Như vậy, còn lại năng suất lao động cần phải tăng lên để làm động lực cho kinh tế – chẳng hạn như tăng năng suất nhờ đổi mới sáng tạo.

Chỉ số năng suất của Trung Quốc giảm 0,6% vào năm 2017, theo ước tính của đơn vị quản lý quỹ của ngân hàng BNP Paribas.

Thuong chien khoc liet ‘troi chan’ kinh te TQ, de lo diem yeu hinh anh 2
Những kỳ tích do lực lượng lao động trẻ và năng động mang lại cho kinh tế Trung Quốc có thể mờ dần nếu thương chiến tiếp tục. 

Hạn chế chuyển giao sẽ giảm năng suất

Hầu hết kinh tế gia đồng ý rằng cải cách kinh tế và chính trị mà Trung Quốc thực hiện cuối những năm 1970 đã nâng cao năng suất của lực lượng lao động và hiệu quả sử dụng vốn. Các công ty nước ngoài vào Trung Quốc mang theo công nghệ, nhân lực và thúc đẩy cạnh tranh – những yếu tố buộc doanh nghiệp bản địa phải cải tiến và làm tốt hơn.

Wang Tao, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc của ngân hàng UBS ở Hong Kong, nói “nguồn gốc cho việc nâng cao năng suất Trung Quốc” là “sự đón nhận cải cách và mở cửa, và cải tiến công nghệ… kèm theo đầu tư”.

UBS dự báo việc hạn chế chuyển giao công nghệ sẽ làm giảm “năng suất các nhân tố tổng hợp” (total factor productivity – chỉ số nói lên tổng sản phẩm làm ra chia cho tổng đầu vào) của Trung Quốc, đủ để “gọt” mất 0,5% tăng trưởng GDP hàng năm, trong vòng 10 năm tới.

Năng suất của Trung Quốc không chỉ bị đe dọa bởi hạn chế tiếp cận công nghệ, mà còn từ việc hạn chế trao đổi giữa sinh viên, giáo sư, kỹ sư, công ty Trung Quốc với phương Tây. Quyết định không tuyển nhân lực Mỹ của Huawei là ví dụ mới nhất.

Nhà tuyển dụng ở Bắc kinh cho một đại học lớn của Mỹ nói lượng visa đi Mỹ cấp cho sinh viên Trung Quốc đã giảm hẳn trong năm qua.

“Nếu chặn dòng trao đổi giữa hai nước, sẽ có ít sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở Mỹ và ít công ty đa quốc gia ở Trung Quốc hơn”, ông Kennedy nói.

Lo ngại Trung Quốc ngưng cải tổ thị trường

Một số chuyên gia lo ngại thương chiến sẽ khiến Trung Quốc dừng việc cải tổ thị trường. Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước, vốn bị cho là lực cản đối với nền kinh tế, sẽ thắng thế.

Các doanh nghiệp nhà nước nổi tiếng dùng vốn và lao động kém hiệu quả, thường chỉ mở cửa để giữ lấy công ăn việc làm. Các công ty này cũng được nhận trợ cấp lớn của nhà nước – các khoản vốn có thể được đầu tư hiệu quả hơn theo các cách khác.

Julian Evans-Pritchard, kinh tế gia về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, nói với Financial Times: “Có khả năng thương chiến sẽ buộc Trung Quốc tăng cường theo đuổi chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo và đẩy các công ty công nghệ nước ngoài ra. Điều này sẽ dẫn đến năng suất lao động giảm”.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia đều cho rằng cắt đứt sợi dây liên hệ với thế giới sẽ làm hại kinh tế Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã giảm một số tác động của thương chiến bằng cách phân phối vốn một cách hiệu quả hơn, theo đánh giá của ngân hàng BNP Paribas.

Zhang Ziaobo, giáo sư tại khoa phát triển kinh tế thuộc ĐH Bắc Kinh, cho biết việc lo ngại Mỹ có thể khiến Trung Quốc xích lại gần hơn các nền kinh tế mới nổi, tạo các ý tưởng đổi mới sáng tạo mới.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường phát triển công nghệ riêng, ông nói thêm. “Về lâu dài, thương chiến có thể khiến chính phủ Trung Quốc cải tổ sâu rộng để kích cầu trong nước và khuyến khích đổi mới sáng tạo”.

Tùng Lâm (Theo Financial Times)

Bài mới
Đọc nhiều