Thương chiến chưa đạt đến đỉnh điểm, Mỹ – Trung đã phải trả giá đắt
Dù cuộc chiến thương mại vẫn còn khó đoán định và căng thẳng có thể chưa đạt tới đỉnh điểm thì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã và đang phải đối mặt với những “nỗi đau lớn”.
David A. Andelman, Giám đốc điều hành của Dự án RedLines đã đưa ra một số nhận định về thương chiến Mỹ – Trung trên trang CNN.
Ai tuyệt vọng hơn khi thương chiến kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?
Giám đốc David A. Andelman cho rằng, rõ ràng, mỗi bên đang phải trả giá đắt cho cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua. Dường như cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế vẫn còn khó đoán định, Mỹ – Trung sẽ trở lại bàn đàm phán vào tháng 10 tới và những căng thẳng chưa đạt đến đỉnh điểm nhưng nền kinh tế của cả hai quốc gia và uy tín của cả hai nhà lãnh đạo bị tổn hại bởi cuộc chiến này.
Tại Mỹ, vào tháng 8, thị trường trái phiếu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Động thái này đã gửi “những cơn gió ớn lạnh” tới thị trường chứng khoán – điều mà Tổng thống Trump từ lâu luôn tự hào là thành công lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang giảm xuống mức 2%, thấp hơn mức 3% đầu năm 2019 và chỉ bằng gần một nửa so với mức tăng trưởng 4.2% mà Tổng thống Trump đã đạt được trong năm ngoái.
Không chỉ thế, để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kinh tế thực sự, các công ty Mỹ bắt đầu “thắt lưng buộc bụng”. Thị trường Mỹ phải đối mặt với những thay đổi để đối phó với thuế quan của thương chiến như: biên lợi nhuận bị cắt giảm, tăng lương chậm trễ và giá tiêu dùng tăng.
Đặc biệt, thị trường lao động Mỹ đã bị ảnh hưởng khá mạnh. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7% là mức thấp nhất trong 50 năm qua. Chuyên gia tư vấn việc làm tại Challenger Grey & Christmas có trụ sở tại Chicago (Mỹ) đưa tin, tính đến năm 2019, các công ty Mỹ đã tuyên bố sa thải 36% công nhân so với cùng kỳ năm ngoái.
Song, theo ông David A. Andelman, đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Nỗi đau” đặc biệt đang hướng tới nông dân Mỹ – những người từng là nền tảng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của ông Trump. Chỉ riêng nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm từ 25 triệu tấn trong tháng 10 năm 2017 xuống còn 8,7 triệu tấn trong cùng kỳ năm sau đó.
Vòng thuế quan mới nhất vào ngày 1/9 vừa qua tiếp tục có khả năng gây “sát thương lớn” đối với nông dân Mỹ. Liên đoàn các nhà sản xuất sữa quốc gia Mỹ báo cáo rằng, các chuyến hàng đến Trung Quốc đã giảm 40% trong quý I/2019.
Bên cạnh đó, Công ty nghiên cứu Trade Partnership Worldwide LLC (Mỹ) đã dự đoán, sẽ có tới 2,2 triệu việc làm của Mỹ bị ảnh hưởng do thuế quan của nước này đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và sự “trả đũa” thương mại của Bắc Kinh với Washington. Đồng thời, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thuế quan sẽ dẫn đến giá tiêu dùng ở Mỹ cao hơn và thu nhập của người tiêu dùng giảm 7,8 tỷ USD/năm.
Tất nhiên, không chỉ Mỹ, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng. Tại Trung Quốc, Nhân dân tệ đã chạm mức thấp nhất trong 11 năm và tăng trưởng kinh tế nói chung đã giảm xuống mức thấp nhất trong 27 năm qua. GDP trong nước tăng trưởng ở mức 6,2%, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1992.
Ngay cả trước khi Tổng thống Trump “ra lệnh” cho các công ty Mỹ chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và trước khi thuế quan bắt đầu tăng lên, có tới 50 công ty, bao gồm một số nhà sản xuất Trung Quốc trong nước đã bắt đầu rời khỏi quốc gia này. Một số công ty lớn như Nintendo, Google và Apple đang chuyển hướng kinh doanh đến một số quốc gia khác.
Tất cả những điều này có thể dẫn đến sản lượng kinh tế Trung Quốc bị thu hẹp. Tuy nhiên, vì Trung Quốc đã chuyển một số mặt hàng xuất khẩu sang các khách hàng khác ngoài Mỹ nên họ vẫn duy trì được sản lượng xuất khẩu. Trong tháng 7, xuất khẩu đã tăng 3,3% so với một năm trước đó.
Ông David A. Andelman cho rằng, thương mại quốc tế cũng giống như ngoại giao, không bao giờ được “chơi một trò chơi có đáp số bằng không”. Tổng thống Trump – người luôn tự hào là nhà ngoại giao tài ba, nên nhận ra rằng, một thỏa thuận chung là điều duy nhất khiến cả hai quốc gia cảm thấy họ là những người chiến thắng trong thương chiến. Khi thuế quan thấp, thương mại quốc tế tự do và mở rộng giao thương thì tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sẽ phát triển, đổi mới và thịnh vượng hơn.
Hồng Anh (Theo CNN)