+
Aa
-
like
comment

Bùi Tiến Dũng cũng chỉ là nạn nhân của văn hóa chỉ trích

Đặng Trường - 02/12/2019 19:33

Cách đây không lâu người ta gọi Bùi Tiến Dũng bằng cụm từ rất thân thương “thủ môn quốc dân”, là “người nhện” của bóng đá Việt Nam. Vậy mà sau trận đấu vòng loại SEA Games 30 với U22 Indonesia, người ta quay lưng chửi cậu ấy không ra gì.

tiendungd
Phút 30, từ một pha tạt cánh khá đơn giản của U22 Indonesia, Tiến Dũng đã có một pha chọn điểm rơi chưa tốt, đẩy trượt tâm bóng.

Đầu tiên, phải thừa nhận trong trận chạm chám với Indonesia tối hôm qua, Bùi Tiến Dũng đã thi đấu không thật sự tốt với những pha bắt bóng lập bập, tâm lý không vững rồi pha bắt hút bóng để U22 Indonesa dẫn trước. Tuy nhiên, không vì thế mà gạt đi những đóng góp của Bùi Tiến Dũng từ trước đến nay được. Có lẽ nhiều người đã quên cậu thủ môn ôm gọn hai quả penalty trước Hàn Quốc, Iraq và xuất sắc hơn nữa khi đẩy hai quả penalty trong trận đấu bán kết kinh điển giữa Việt Nam – Qatar để rồi đưa đội tuyển U23 chúng ta vào chung kết và sau đó trở thành đội bóng mạnh thứ hai Châu Á. Một kì tích chưa từng có đã làm hàng triệu người dân Việt Nam đứng ngồi không yên, sung sướng, vỡ òa trong hạnh phúc, đổ ra đường reo hò ăn mừng chiến thắng. Vậy sao hôm nay, một số người lại hủy hoại một tài năng chỉ vì một sai lầm. Trong khi trước đó được khoác áo đội tuyển cậu ấy đã từng là đứa trẻ chăn trâu, phụ hồ rồi lên rừng chặt củi về bán kiếm tiền giúp bố mẹ nuôi em. Tại sao không nhìn vào nghị lực của cậu ấy để khích lệ?

tiendungchauad
Tiến Dũng chơi cực hay trong trận thắng Bahrain.

Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, ngoài phong độ, khả năng, tinh thần đồng đội thì kết quả trận đấu còn phụ thuộc vào yếu tố may rủi. Đặt vào tâm lý của người đang thi đấu, chẳng ai mà không muốn mang về chiến thắng cho đội tuyển mình, chẳng ai muốn bắt bóng trượt hay dứt điểm ra ngoài khung thành thủ môn đội bạn để mang danh “tội đồ” cả. Nhưng như đã nói ở trên, có lẽ còn thiếu một chút may mắn. Vậy mà chỉ trong gang tấc cái tên như Bùi Tiến Dũng, Tiến Minh hay Hà Đức Chinh bỗng hóa người dưng với cổ động viên của mình. Thậm chí, ngay cả bình luận viên trận đấu hôm qua cũng có những câu nhận xét khơi gợi người xem muốn chỉ trích Bùi Tiến Dũng nhiều hơn: “Sai lầm của Bùi Tiến Dũng. Vẫn là tình huống bóng bổng, thay vì cậu ấy đẩy bóng ra thì lại tự tin bắt ôm trọn,…”.

Theo dõi các trang mạng thấy người người lao vào chửi bới, xóc xỉa, ném đá Bùi Tiến Dũng mà ngao ngán. Nhớ lại trước đây, Hà Đức Chinh cũng đã từng hứng chịu “cơn mưa gạch đá” từ dư luận sau nhiều lần dứt điểm không thành. Tiền đạo trẻ tuổi này đã khóc vì quá áp lực. Nói thẳng, nếu Hà Đức Chinh là “chân gỗ” như một số người nói thì cậu ấy đã không lập được cú hattrick trong trận đối đầu Brunei vừa qua. Phải chăng việc bêu riếu tên cầu thủ bỏ lỡ cơ hội ghi bàn hay bắt bóng thất bại đã trở thành thói quen của một số cổ động viên xấu tính? Phải chăng bản tính thắng thua của họ đang áp đặt lên chính các cầu thủ của chúng ta? Xin lỗi, đừng bao giờ mang tâm lý yêu cầu đội tuyển này, đội tuyển kia, cầu thủ A, B, C nào đó phải giành chiến thắng để rồi khi họ thất bại lại chỉ trích.

Biết rằng ai cũng mong muốn đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng để cùng tận hưởng niềm vui nhưng hơn ai hết, các cầu thủ mới là người khát khao chiến thắng nhất, đó không chỉ là bóng đá, là thể thao mà còn là hình ảnh của một đất nước, là niềm kiêu hãnh, niềm tự hào của một dân tộc.

Bàn thắng dẫn trước của U22 Indonesia đúng là đáng tiếc thế nhưng điều quan trọng là đội tuyển của chúng ta đã dành chiến thắng chung cuộc, đồng đội của thủ môn Bùi Tiến Dũng đã ghi hai bàn thắng để chúng ta dành trọn ba điểm. Câu nói “lấy công bù cho thủ ” trong trường hợp này là rất đúng. Với lại những ai theo dõi bóng đá cũng đều biết, cả năm qua thủ môn Bùi Tiến Dũng rất ít khi được ra sân vì chấn thương cổ tay, người Việt có câu ” văn ôn võ luyện” dù có giỏi đến mấy nhưng quá lâu không được thi đấu cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ, tâm lý và bản lĩnh của cầu thủ.

thanhchungd
Cú đánh đầu ngược ghi bàn thắng của Thành Chung.

Vì vậy, chúng ta nên dừng việc vùi dập những tài năng như Tiến Dũng, Hà Đức Chinh hay các cầu thủ khác để họ có cơ hội sửa sai và ngày càng hoàn thiện những kỹ năng của mình để chúng ta lại được chứng kiến những trận đấu hấp dẫn, ấn tượng. Hơn ai họ rất cần những lời động viên từ người hâm mộ. Việc đánh giá phân tích sai lầm của cầu thủ để họ nhận ra và sửa sai nó khác xa hoàn toàn so với việc chúng ta chửi bới, dùng những lời lẽ thiếu văn hóa dành cho họ. Đừng tự đưa họ lên mây rồi vùi họ xuống bùn đen. Tình cảm ,thái độ của người hâm mộ có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai và sự nghiệp của mỗi cầu thủ.

Nhớ lại đương kim vô địch Đức, đội bóng mạnh nhất thế giới năm 2014 từng bị Hàn Quốc giã cho hai bàn không thể gỡ và bị loại sớm tại World Cup 2018. Hay thủ môn Loris của đội tuyển Pháp – một trong mười thủ môn xuất sắc nhất thế giới cũng có lúc đá bóng vào chân tiền đạo Croatia tự đốt lưới nhà; thủ môn De Gea của Manchester United cũng nhiều lúc mắc sai lầm, thậm chí siêu sao Messi còn sút quả 11m lên trời. Bóng đá là như vậy có cả nụ cười, nước mắt, không ai đoán trước được kết quả mặc dù chúng ta có thể đánh giá được thực lực của các đội bóng.

Hãy luôn yêu mến và tin tưởng vào thế hệ vàng của đội tuyển bóng đá Việt Nam; hãy ủng hộ họ thoát khỏi cái ao làng và vươn mình ra thế giới hơn nữa. Nền bóng đá văn minh tiến bộ cần những cầu thủ tài năng những cũng rất cần những cổ động viên nhiệt tình, ứng xử văn minh.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều