+
Aa
-
like
comment

“Thuốc” trị bệnh trì trệ quan liêu?

sông trà - 01/06/2020 17:45

Cái hay của “toa thuốc 15 ngày” là nó như một “cơ chế tự động”, sau khoảng thời gian quy định, nếu hồ sơ còn trong ngăn kéo thì nếu có việc gì xảy ra, mọi cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có công văn chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, quận huyện làm “nức lòng” dư luận đó là: “Quá 15 ngày đơn vị được xin ý kiến không trả lời thì coi như đồng ý với ý kiến của đơn vị xin ý kiến và phải chịu trách nhiệm với các nội dung liên quan trong phạm vi chức năng tham mưu và quản lý nhà nước của đơn vị”.

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong bốc “toa thuốc 15 ngày” cho cán bộ công chức địa phương mình đang nhận được ủng hộ của dư luận

Căn bệnh trì trệ quan liêu có mặt mọi ngõ ngách của nền hành chính công

Theo đó, đối với cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì phải chủ động trong giải quyết các nhiệm vụ được phân công, chủ động lấy ý kiến của đơn vị liên quan (phải gửi kèm đầy đủ hồ sơ) và đảm bảo hồ sơ trình UBND TP có chính kiến của đơn vị chủ trì…

Có nhiều câu chuyện thực tế ở địa phương với tư cách là “đầu tàu” kinh tế của đất nước đã nói lên vấn đề sách nhiễu, trì trệ… mà ngay chính vị Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM gọi đây là “nỗi khổ khó nói” của quận huyện, sở ngành bởi lâu nay dù tâm tư, bức xúc nhưng không ai dám nói vì sợ đụng chạm.

Đó là chuyện sau khi HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2024, chi cục thuế các quận, huyện bị “vướng” một số hồ sơ không giải quyết được vì chưa có hướng dẫn tính giá đất tại các vị trí hẻm…

Điển hình trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kể lại câu chuyện hồ sơ của một doanh nghiệp bị “ngâm” suốt một năm rưỡi vì phải chuyển lòng vòng qua nhiều sở ban ngành, phòng ban khác nhau trước khi trình lên cho ông ký. Ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận: “Tôi không dám ký vì thấy xấu hổ quá”..v..v.

Hàng xóm của TP.HCM có tên Đồng Nai cũng chẳng kém cạnh. Đó là trường hợp đôi vợ chồng già ròng rã suốt 25 năm đi tìm công lý cho mảnh đất mình đang ở. Năm 1995 cơ quan cấp huyện đã ban hành quyết định thu hồi 1.317m mét vuông đất của họ để giao cho một trường tiểu học.

Thế nhưng mãi đến năm 2020, tức là 25 năm sau, qua bao nhiêu nhiệm kỳ lãnh đạo, biết bao nhiêu diễn đàn tiếp xúc, Chủ tịch đương kim tỉnh Đồng Nai là ông Cao Tiến Dũng (mới nhậm chức Chủ tịch tháng 8/2019) đã rà soát lại hồ sơ và chỉ đạo sửa quyết định trên; cấp sổ đỏ và bồi thường, hỗ trợ cho gia đình này!

Hoặc, đầu cầu Thủ đô cũng vậy, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4/2020 vào ngày 6/5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê bình: “Tôi nắm được thông tin có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất (từ năm 2018 của Sở Tài nguyên chuyển cho Sở Tài chính), nhưng các đồng chí không nhập vào hệ thống hồ sơ. Mà xem xong lại đá qua đá lại, có hồ sơ đá đến 6 vòng từ năm 2018 đến nay. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này!”.

Gần đây, theo Dantri.vn, ngày 12/5/2020, báo chí xứ sở hoa anh đào đưa tin Công ty Tenma Nhật Bản đã khai báo với các nhà chức trách Nhật về việc công ty con là Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam. Số tiền này được cho là “sáng kiến… đánh đổi” việc công ty này phải nộp khoản thuế giá trị gia tăng cho Nhà nước Việt Nam khoảng 400 tỷ đồng…v..v.

Đây chỉ là một trong vài ví dụ về tình trạng rườm rà rắc rối, chậm chạp trong giải quyết thủ tục hành chính. Rõ ràng, đối với xã hội Việt Nam, trì trệ đã là một vấn nạn và nhận diện căn bệnh này không khó, nhưng làm sao để trị nó một cách hiệu quả? Đặc biệt khi thiết lập “trạng thái bình thường mới” sau dịch COVID-19 càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

 “Toa thuốc 15 ngày” trị bệnh trì trệ, quan liêu?

Có thể, dù cho số tiền “tham nhũng vặt” trong mỗi vụ việc không nhiều, (đúng là không nhiều thật), nhưng từ thực tại trên cho thấy căn bệnh trì trệ, quan liêu, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức vẫn còn.

Ở đó, có những cá nhân có quyền lực ở các địa phương, các ngành trong thực thi công vụ, luôn thụ động ngồi chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, chờ đến tháng lĩnh lương… Kèm theo đó là tư tưởng “Vỗ béo làm thịt”, “Chim chưa đậu đã nhậu mất chim”…v..v.

Điểm chung ở đây là, chúng ta thấy rõ thái độ nhũng nhiễu có chủ đích, cố tình gây khó khăn của một bộ phận cán bộ công chức, để người dân và doanh nghiệp phải “biết điều” cúng tế, tự cho mình cái quyền bắt dân “cống nạp”.

Vì thế, ít nhiều nó vô tình đập vào trong suy nghĩ dư luận rằng, dù chúng ta nỗ lực cải cách hành chính bằng cơ chế một cửa, nhưng “một cửa” đó vẫn phải cần “nhiều chìa khóa” để mở.

Chính sự trì trệ của nền hành chính cộng với tư tưởng “cai trị dân” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Cũng chính thực tại trên cũng đủ căn cứ để trả lời cho câu hỏi: Vì sao việc cải cách thủ tục hành chính gặp quá nhiều khó khăn trở ngại trong thực tiễn ngay cả khi quyết tâm của Chính phủ, Nhà nước đã là rất cao! Nỗ lực cũng rồi, quyết tâm cũng rồi, nghiêm khắc, mặn ngọt đủ điều, nhưng tại sao vẫn chưa thông thoáng?

Trong bối cảnh, Việt Nam đã kiềm chế được COVID-19 lây lan trong cộng đồng, kiểm soát tốt dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Song song, cả nước đã chuyển sang một trạng thái mới, một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đó, cần phải trị bệnh trì trệ quan liêu, có giải pháp phòng chống và có phác đồ điều trị những quan chức, công chức nhiễm “virus” trì trệ hiệu quả như phòng chống dịch COVID-19.

Điều này cũng có nghĩa, “toa thuốc 15 ngày” – tức là “15 ngày không trả lời coi như đồng ý” mà vị Chủ tịch TP.HCM bốc cho cán bộ công chức của mình được xem là giải pháp mạnh nhằm nâng cao trách nhiệm với công việc ở TP vốn ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp. Đồng thời nhằm trị căn bệnh ì ạch, đùn đẩy qua lại, sợ trách nhiệm ở một số cơ quan quản lý đang gây ách tắc trong cuộc sống.

Dẫu vậy, dưới góc nhìn của công luận, người dân mong mỏi Chính phủ, chính quyền địa phương cần chỉ đạo làm ngay, làm quyết liệt, làm thật thậm chí đuổi thẳng tay những cán bộ, công chức hạch sách, hoạnh họe, nhũng nhiễu dân. Bởi vì, có nỗ lực cải cách đến mấy mà cán bộ hách dịch, không tốt, tiêu cực thì cũng không thay đổi được chất lượng dịch vụ công.

Đã đến lúc cần một “tối hậu thư” như TP.HCM và chúng ta cùng hy vọng việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp được nhanh hơn, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu.

Cái hay của “toa thuốc 15 ngày” là nó như một “cơ chế tự động”, sau khoảng thời gian quy định, nếu hồ sơ còn trong ngăn kéo thì nếu có việc gì xảy ra, mọi cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm.

Có điều, hãy thử đặt vấn đề ngược lại rằng: Luật Cán bộ, công chức đã quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ công vụ. Tại sao nó không thể phát huy tác dụng mà phải cần đến một “cơ chế tự động” để thúc đẩy lương tri con người?

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều