Thuốc molnupiravir bán trên mạng từ đâu ra?
Thời gian qua, thay đổi trong cách chống dịch, F0 đã được điều trị tại nhà và được chính quyền cấp thuốc. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bức xúc phản ánh, dân gọi cháy máy cũng không có thuốc Molnupiravir. Tuy vậy lại xuất hiện tình trạng rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Theo chủ trương của Sở Y tế TP.HCM, hiện nay có 3 túi thuốc điều trị Covid-19 cho F0 gồm: túi A, túi B và túi C. Túi A gồm thuốc hạ sốt, vitamin (B hoặc tổng hợp) dùng trong 7 ngày; túi B gồm thuốc kháng viêm và kháng đông, dùng trong 3 ngày. Túi C là thuốc kháng virus Molnupiravir dùng tối đa 5 ngày.
Khi địa phương có F0, nhân viên y tế sẽ phát túi thuốc A và B. Trường hợp người nhiễm dịch có những biểu hiện khó thở, SpO2 dưới 95% có thể uống một liều đầu tiên và báo ngay cho nhân viên y tế. Riêng túi C là thuốc Molnupiravir không phát hết cho tất cả F0. Đây là thuốc nhân viên y tế giữ, khi tiếp cận F0 sẽ khám và tìm hiểu tình hình sức khoẻ mới có phương án sử dụng. Nếu đúng chỉ định và là F0 có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì được sử dụng thuốc Molnupiravir. F0 có triệu chứng nặng cũng không được dùng thuốc này.
Từ những quy định như vậy, có lẽ đã có kẽ hở để những nhân viên y tế lợi dụng để chiếm dụng thuốc Molnupiravir mang đi rao bán trên mạng với giá trên trời. Người phát hiện F0 bây giờ báo với phường năm lần bảy lượt mới có người bắt máy. Rồi chỉ ghi nhận chứ chẳng cấp túi thuốc nào. Thế mới có thuốc đem ra bán chợ đen.
Cụ thể, qua theo dõi, kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện một số thông tin quảng cáo, kinh doanh thuốc kháng virus Molnupiravir trên mạng xã hội (Facebook, Zalo). Sở Y tế đã phối hợp với Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) và Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) – Công an TP.HCM, bám sát các nguồn tin, theo dõi đối tượng để làm rõ vụ việc.
Đến nay, Sở Y tế và PA03 đã xác định một số đối tượng và đơn vị liên quan đến hành vi kinh doanh thuốc Molnupiravir trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể quận 10, quận Bình Tân, quận Tân Phú được cho là các địa phương có dấu hiệu liên quan. Mặt khác, Sở Y tế đã phối hợp PA03 kiểm tra đột xuất một số đơn vị như: Công ty TNHH Dược Sài Gòn (Sapharco), Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, Trung tâm Y tế quận 7. Điều đó chứng tỏ có thể đã có những sai phạm từ chính trong nội bộ ngành.
Trong khi đó, Bộ Y tế mới cấp phát thêm cho TP.HCM 25.000 liều molnupiravir và 2.300 liều favipiravir (thuốc kháng virus cùng nhóm với molnupiravir). Ngoài ra, ngành y tế vừa điều chuyển hơn 12.000 liều molnupiravir từ các bệnh viện, cơ sở y tế đã được cấp phát nhưng chưa sử dụng sang cho các trạm y tế thiếu hụt thuốc. Mặc dù không phải là quá nhiều, nhưng không đến nỗi những bệnh nhân lớn tuổi ở thành phố cũng không được sử dụng thuốc. Để rồi người dân phải cắn răng mua thuốc với giá trên trời.
Chưa hết, theo Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thì, “Molnupiravir và favipiravir đều là thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Do đó, mọi hành động lưu hành, mua – bán thuốc kháng virus trên nền tảng mạng, trên thị trường, đều là bất hợp pháp”. Dù là quy định vậy, nhưng xin hỏi để tình trạng thuốc Molnupiravir tràn lan trên mạng thì cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm?
Sở Y tế đã vào cuộc, chứng tỏ nỗi niềm của người dân đã được lắng nghe. Thế nhưng, mau lên đi, vội vàng lên đi chứ tính mạng người dân không chờ đợi được. Và người dân vẫn đau đáu với câu hỏi: Thuốc molnupiravir bán trên mạng từ đâu ra?
Hạnh Nhân