“Thùng rỗng kêu to”: Sự thật khiến nhiều người ngã ngửa về các hệ thống vũ khí gây hãi hùng của Trung Quốc
Lễ duyệt binh diễn ra, thông điệp đáng sợ được truyền đi, và tin tức về vũ khí siêu vượt âm, cũng như các loại khí tài mới của TQ đã trở thành tiêu đề nóng hổi trên các trang báo.
Màn “nhá hàng” đầy toan tính của Trung Quốc
Ngày 1/10, Trung Quốc đã tổ chức lễ duyệt binh hoành tráng mừng ngày Quốc khánh với đủ các loại tên lửa, xe tăng và nhiều hệ thống khí tài mới. Để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã “nhá hàng” với màn “vô tình để lộ” một vài thứ trước buổi trình diễn lớn.
Các buổi “tập dượt” với những hệ thống bí ẩn được giấu phía dưới lớp vải canvas càng khiến giới quan sát phương Tây nóng lòng mong chờ khoảnh khắc chúng lộ diện. Và quả thật cách này đã có hiệu quả.
Thông điệp đáng sợ đã được truyền đi, và tin tức về phương tiện bay siêu vượt âm, cũng như các loại khí tài mới của Trung Quốc đã trở thành tiêu đề nóng hổi trên các trang báo.
Khiến phương Tây phải ngỡ ngàng trước công nghệ quân sự mới của Trung Quốc đích xác là những gì Bắc Kinh mong muốn.
Trung Quốc kỳ vọng rằng phản xạ sợ hãi của phương Tây sẽ khiến khối này đưa ra những chính sách sai lầm trên toàn cầu.
Theo nhà phân tích Craig Hooper trên tờ Forbes, chúng ta phải thừa nhận rằng quân đội Trung Quốc đã trở nên mạnh và sẽ còn mạnh hơn nữa nhưng những biểu hiện cường điệu của Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc hiện nay đang khiến đội quân của Bắc Kinh trông mạnh hơn thực chất.
Trung Quốc đã gặt hái được nhiều lợi ích địa chính trị khi khiến các bên duy trì quan điểm đó.
Thách thức đối với phương Tây là không xem nhẹ những màn biểu dương sức mạnh quân sự như thế này của Trung Quốc, nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo và khôn ngoan.
Hãy mở chiếc thùng rỗng một cách thận trọng
Lễ duyệt binh mừng Quốc khánh của Trung Quốc tràn ngập các loại xe tăng, hệ thống tên lửa, khí tài tác chiến điện tử mới và nhiều công cụ răn đe khác.
Hết lần này qua lần khác, những màn “khoe cơ bắp” như thế này đều nhằm truyền đi một thông điệp rằng, quân đội Trung Quốc – với năng lực nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao – là một lực lượng chuyên nghiệp mà rất ít đối thủ có thể sánh bằng.
Tuy nhiên, các nhà quan sát phương Tây không cần phải giúp Trung Quốc “đánh bóng tên tuổi”. Thiếu thông tin chi tiết về những loại vũ khí mới của Trung Quốc, các nhà quan sát chỉ có thể đưa ra cái nhìn của họ thông qua “những tiết lộ” đã được Bắc Kinh kiểm soát. Ấy vậy mà, họ lại mặc định đó là những hệ thống hiệu quả trên chiến trường.
Những nhận định sai lầm trên đã tạo dựng cho ngành công nghiệp-quốc phòng Trung Quốc thứ năng lực mà họ còn xa mới đạt được.
Chẳng hạn như lĩnh vực đóng tàu. Trung Quốc có thể làm khá tốt trong lĩnh vực đóng tàu hải quân nhưng ngoài năng lực đóng tàu vẫn còn non nớt [chưa thể vượt qua các “ông lớn” như Hàn quốc] thì các tàu hải quân Trung Quốc vẫn gặp phải một số vấn đề về sơ suất thiết kế, tương tự như đối với các tàu hải quân Mỹ.
Thế nhưng, câu chuyện được kể ra lại có nội dung hoàn toàn khác. Đối với các nhà quan sát, chỉ một thay đổi về thiết kế trên tàu khu trục của Trung Quốc cũng có thể được diễn giải như một bước phát triển đáng sợ, trong khi đó, thay đổi tương tự trên tàu chiến Mỹ lại bị đem ra chỉ trích và phê phán như sơ suất thiết kế.
Những biểu hiện mới trong năng lực công nghiệp còn non nót [mặc dù đang khởi sắc] của Trung Quốc cũng không hẳn quá đáng sợ như vẫn được tuyên truyền.
Nghe thật hãi hùng khi vào giữa tháng 5 năm nay, một nhà quan sát cho biết Trung Quốc đã hạ thủy 60 tàu hộ tống Type 056 và 20 tàu khu trục Type 052D trong vòng 7 năm. Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng người Mỹ đã cho thấy năng lực đó từ lâu.
Trong giai đoạn 1975-1980, Mỹ đã đưa vào biên chế 30 tàu khu trục lớp Spruance. Đến nay, Washington vẫn duy trì được năng lực đó. Nhà máy đóng tàu từng chịu trách nhiệm thi công các tàu lớp Spruance vẫn đang hoạt động và tiếp tục chế tạo tàu tuần tra bờ biển, tàu khu trục và các tàu tấn công đổ bộ cho Hải quân Mỹ.
Thế còn 60 tàu hộ tống Type 056 với lượng giãn nước 1.500 tấn của Trung Quốc thì sao? Chúng thực chất là loại tàu yếu ớt mà Hải quân Mỹ đã quyết định không đóng nữa, dù nếu muốn họ vẫn thừa sức.
Hiện nay, lực lượng tuần duyên Mỹ đang đóng gần 60 tàu phản ứng nhanh với lượng giãn nước 350 tấn và trong khoảng 7 năm trở lại đây, họ đã đưa vào biên chế 35 tàu trong số này. Nếu muốn, Mỹ hoàn toàn có thể mở rộng thiết kế và tính năng hoạt động của chúng lên ngang ngửa với Type 056.
Trung Quốc đưa vào biên chế chiếc tàu dock đổ bộ Type 071 Yuzhao đầu tiên (trong tổng cộng 7 chiếc) năm 2007, những chiếc còn lại đã hoặc dự kiến sẽ được đưa vào biên chế trong năm tới.
Những chiếc tàu LPD mới của Trung Quốc được khen ngợi như thành công lớn, cho phép Bắc Kinh thực hiện các hoạt động đổ bộ viễn dương.
Thế nhưng, cũng trong cùng giai đoạn này, Mỹ đã âm thầm biên chế 10 chiếc tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio (LPD 17) với khả năng lớn hơn nhiều so với Type 071. Và mặc dù LPD-17 cũng gặp nhiều vấn đề vào lúc khởi đầu nhưng thành công của dự án sau này đã không được đánh giá đúng mực.
Hiện tại, Trung Quốc đang được đánh giá cao sau khi hạ thủy chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng Type 075 đầu tiên.
Nó được chế tạo rất nhanh chóng, những báo cáo gây hoang mang gần đây cho biết con tàu đã đi từ giai đoạn đặt ky cho tới hạ thủy chỉ trong vòng 6 tháng, bất chấp việc các báo cáo từ Trung Quốc trước đây đưa tin công tác đóng tàu Type 075 bắt đầu từ đầu năm 2017 – tức là ngang với nhịp độ 3 năm 1 tàu khi Mỹ đặt ky và hạ thủy các tàu boong phẳng với kích cỡ tương tự.
Tuy nhiên, chưa xét tới hiệu suất của xưởng đóng tàu, thì những con tàu cỡ lớn này có quy trình chế tạo tương đối đơn giản – ngay cả Pháp cũng có thể đặt ky và hạ thủy tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral trong hơn 1 năm.
Mặc dù tàu loại này đã có trong trang bị của nhiều nước trên thế giới và Trung Quốc đang nói về kế hoạch đóng tàu chở trực thăng boong phẳng của mình suốt từ nhiều năm nay, thì dự án của họ đã bị lùi hết lần này qua lần khác.
Phải chăng nên diễn giải điều này là một sự trì hoãn? Hay bằng chứng của một vấn đề thiết kế? Chuyện tương tự ở Mỹ sẽ bị chỉ trích không tiếc lời.
Mẫu tàu ngầm tự động (UUV) HSU-001 của Trung Quốc được tiết lộ trong cuộc duyệt binh hôm 1/10 cũng sẽ được hưởng lợi từ cuộc thảo luận về năng lực của Mỹ.
“Ông lớn quốc phòng” Boeing đã vận hành các nguyên mẫu UUV cỡ lớn trong nhiều năm nay, chẳng hạn như mẫu UUV Echo Voyager với tầm hoạt động 6.500 hải lý và khả năng dự trữ hành trình trong nhiều tháng.
6 vũ khí kỳ lạ Trung Quốc tiết lộ trong lễ duyệt binh: Thứ chưa nước nào có, thứ như đồ tiêu khiển Miếng ăn đến miệng còn rơi: 3 mẫu tiêm kích Nga-Trung khiến Iran khao khát nhưng “lực bất tòng tâm” Mỹ phóng tên lửa có thể tiêu diệt bất cứ tàu chiến nào của Trung Quốc trên Biển Đông
Khoản tự đầu tư đã giúp Boeing gặt hái được thành quả, và Hải quân Mỹ đã đặt hàng 4 chiếc UUV cỡ lớn này hồi đầu năm nay và dự kiến sẽ đặt mua thêm nhiều loại phương tiện không người lái dưới nước khác.
Những nhà quan sát thường xuyên gây hoang mang cho dư luận nhanh nhảu biện minh rằng họ chỉ đang tìm cách giúp nâng cao nhận thức về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra trong tương lai.
Đó là một mục tiêu cao cả. Tuy nhiên, khi không được đặt trong một bối cảnh rõ ràng và thiếu các thông tin quan trọng thì sự cường điều nhằm thúc đẩy khao khát khám phá bí ẩn của dự luận sẽ gây ra tác dụng ngược.
Sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta lưu tâm những lời cảnh báo từ bản báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về những bước phát triển an ninh và quân sự của Trung Quốc, trong đó đề cập chi tiết tới các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng và kích động chiến tranh dư luận.
Trung Quốc muốn công chúng Mỹ lo sợ quân đội của họ. Điều mà Bắc Kinh không mong muốn nhất là các nhà quan sát quốc tế sẽ gạt sang một bên nỗi lo ngại của họ và bắt đầu nhận rằng, đội quân hùng hậu và tổ hợp công nghiệp của Trung Quốc, cũng như tham vọng “Made in China” của Bắc Kinh chỉ là vỏ bọc không hoàn hảo cho bộ máy quan liêu và độc đoán đang uy hiếp chính người dân của họ.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Craig Hooper
Vy Lam/Soha News