+
Aa
-
like
comment

Thuế và câu chuyện của những kẻ ích kỷ, có tư tưởng “hẹp hòi”

Komi - 08/12/2020 18:06

Từ ngày 05/12/2020, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực nhưng vẫn tiếp tục vấp phải rất nhiều ý kiến, băn khoăn từ các chuyên gia, doanh nghiệp và cả người lao động. Chưa bàn đến các yếu tố pháp lý, Nghị định 126 cũng đang trở thành “tiêu điểm” để một số người ra sức chỉ trích, cáo buộc nhà nước lạm thu, đẩy hết khó khăn lên số người lao động nghèo trong xã hội.

Trên mạng xã hội Facebook, tác giả “Đào Tuấn” với giới thiệu làm ở “Báo Lao động” đã có bài viết phân tích về việc tài xế xe Grab “đình công” tại Hà Nội ngày 07/12/2020. Theo đó, tác giả khẳng định nguyên nhân dẫn đến việc “tài xế Grab đình công” chính là vì cách tính thuế 10% trên doanh thu đối với các chuyến xe công nghệ quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Chưa hết, tác giả này còn khẳng định nguyên nhân của việc Nhà nước thay đổi quy định về thuế là vì “thu không đủ chi” cho bộ máy nên tiếp tục phải “móc túi” từ “người dân”. Bài viết đến nay vẫn đang nhận được hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ.

Thực tế, bài viết của Đào Tuấn dù sử dụng các quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, nhưng không có phân tích nào về mặt pháp lý mà chủ yếu tập trung đánh giá những tác động xã hội, xoay quanh vấn đề thu, chi ngân sách cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đến các thành phần trong xã hội. Mặc dù vậy, cách nhìn nhận của tác giả đưa ra có phần khá ích kỷ và “hẹp hòi” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thứ nhất, cũng là vấn đề trọng tâm, Đào Tuấn đã ngụy biện lấy cái cá biệt để chỉ cái tổng thế. Khi nói về mục đích thu thuế của Nhà nước, tác giả này đã dẫn chứng câu trả lời của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Đặng Ngọc Minh trả lời tại buổi đối thoại về chính sách thuế và hải quan tổ chức ngày 27/11: “Nguyên nhân có điều chỉnh này là do đặc thù ngân sách Việt Nam rất khó khăn, thu để phục vụ chi cho các cấp chính quyền, cho hoạt động quản lý nhà nước và các tỉnh có số thu ngân sách chưa có khả năng điều tiết”. Câu trả lời của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Đặng Ngọc Minh không sai, nhưng nó chỉ đúng trong khía cạnh của cuộc họp báo ngày 27/1, là trả lời liên quan trực tiếp đến Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Vì thế, việc đem câu nói này ra để hướng lái suy nghĩ rằng Nhà nước tăng thu ngân sách chỉ vì muốn đáp ứng nhu cầu chi tiêu của bộ máy chính quyền các cấp là rất phiến diện.

Thực chất, thuế là nguồn tài chính quan trọng để thực hiện các mục tiêu, chính sách, và các định hướng của Nhà nước, bao gồm rất nhiều hoạt động như: duy trì tổ chức bộ máy (trả lương cho cán bộ, công chức, chi hoạt động thường xuyên…), đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (xây dựng đường xá, trường học, bệnh viện, cứu trợ (thiên tai, lũ lụt…),….

Mới đây thôi, khi các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề bởi bão, lũ thì cũng chính Nhà nước đã chi ngân sách rất lớn để hỗ trợ các địa phương xây dựng lại hệ thống cơ sở vật chất, hỗ trợ lương thực, tiền, vật dụng cho người dân… Tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cũng chính nhờ có ngân sách nhà nước mà hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện… mới dần dần được xây dựng, phát triển. Như vậy, chi cho hoạt động của bộ máy nhà nước chỉ là một khoản nhỏ trong rất nhiều khoản chi khác từ thuế.

Thứ hai, Đào Tuấn đang khá “hẹp hòi” khi dùng tư duy ngụy biện “lối nói lập lờ” và tác động vào cảm xúc. Tác giả này khá khôn khéo khi đánh mạnh vào cảm xúc của những người lao động nghèo, luôn “ám ảnh” về thuế mà cụ thể ở đây là những người đang làm nghề “tài xế công nghệ” và người thường xuyên sử dụng xe công nghệ. Việc rất đông thành phần thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi thuế là đúng, nhưng bản chất đến cùng của thuế hoàn toàn không phải là “móc túi” người lao động nghèo chi cho bộ máy.

Thuế là khoản thu bắt buộc mang tính cưỡng chế bằng sức mạnh của nhà nước mà các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Ở đây, thay đổi các tính thuế đối với các chuyến xe công nghệ sẽ có thể làm tăng chí phí phát sinh của người sử dụng dịch vụ. Nhưng, thuế 10% vốn dĩ cũng chỉ là mức thuế giá trị gia tăng trong tiêu dùng và hầu như bất kể dịch vụ nào khác (ăn, uống, xem phim…) chúng ta đã từng phải chịu. Không sử dụng xe công nghệ, người ta còn hàng loạt các lựa chọn dịch vụ khác như xe công cộng, xe cá nhân… Như thế, việc chịu thuế chỉ diễn ra khi có điều kiện là người sử dụng chọn sử dụng dịch vụ chứ không phải khoản thu bắt buộc lên tất cả mọi người. Nói đơn giản, ai có khả năng tài chính tiêu dùng cao thì chịu thuế cao là chuyện hết sức bình thường.

Mặt khác, các khoản thu thuế không mang tính đối giá và sẽ hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế. Vì sao nói thuế sẽ hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế?

Bài viết về thuế của Đào Tuấn với nhiều lỗi ngụy biện

Chi cho hoạt động bộ máy nhà nước là để tăng cường quản lý nhà nước, ổn định xã hội, tạo ra môi trường sinh sống, làm việc an toàn, bền vững cho cộng đồng dân cư. Chi cho hệ thống cơ sở vật chất, đường xá, trường học, bệnh viện chính là cơ hội để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng các nhu cầu về học tập, chăm sóc sức khỏe. Chi cho cứu trợ để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, tạo công bằng cho xã hội…

Dễ hiểu hơn, trong cả đợt dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam là một trong số những quốc gia hiếm hoi chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho công dân của mình, những người nghèo, lao động thất nghiệp, doanh nghiệp… được cấp gói hỗ trợ.

Vậy, tiền thuế, đến cuối cùng vẫn trở thành lợi ích chung cho cả cộng đồng xã hội chứ không hề mất đi cho một nhóm lợi ích nhỏ lẻ.

Tất nhiên, thu thuế thế nào, thu của ai, thu theo giai đoạn, thời điểm nào để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội sẽ luôn là vấn đề cần tính toán, cân nhắc hợp lý, hợp tình. Mọi công dân có quyền và nghĩa vụ nộp thuế, cũng có quyền tham gia góp ý, xây dựng, phản biện các chính sách thuế. Nhưng, hãy góp ý, xây dựng, phản biện đúng vấn đề, đúng bản chất khách quan!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều