+
Aa
-
like
comment

Thuế tăng, tài xế xe công nghệ lo không đủ sống

26/11/2020 19:23

Grab cho rằng việc tăng thuế GTGT với xe công nghệ lên 10% trên doanh thu khiến thu nhập của tài xế giảm 8%, buộc doanh nghiệp phải tính đến chuyện tăng giá cước.

Vợ vừa nghỉ sinh con thứ hai, anh Nghĩa (35 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) trở thành lao động duy nhất trong gia đình. Nếu sắp tới thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/tháng từ việc chạy xe bị ảnh hưởng, anh tính đến chuyện vay tiền người thân để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Mẹ tôi cũng đang phải nằm viện vì đau lưng, mấy anh em trong nhà thay nhau ra trông. Bao nhiêu việc cần đến tiền ập đến cùng một lúc, trong khi bình thường hai vợ chồng đi làm đã chẳng dành ra được là bao”, anh Nghĩa nói.

Hiện tại, anh Nghĩa và các tài xế xe công nghệ khác phải nộp 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân (nếu thu nhập trên 100 triệu đồng/năm). Tuy nhiên, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 5/12 tới, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.

tai xe xe cong nghe phai dong thue the nao anh 1
Nếu giữ nguyên giá cước, thu nhập của tài xế Grab sẽ giảm 8% khi thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10%. Ảnh: Torque.

“Cuốc xe 100.000 đồng, tài xế chỉ nhận về 70.800 đồng”

Trước quy định mới về thuế tại Nghị định 126, trao đổi với PV, đại diện Grab cho rằng đơn vị này và các tài xế xe công nghệ sẽ phải chịu thêm những gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ. Với tài xế, mức thuế tăng cao (so với hiện tại và so với tài xế không sử dụng ứng dụng kết nối) dẫn đến sự sụt giảm về doanh thu.

Theo cách tính của Grab với cơ chế hiện hành, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng.

“Tác động này đặc biệt nghiêm trọng đối với các tài xế xe 2 bánh, vốn là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong thời gian qua”, đại diện Grab nói.

Nếu để đảm bảo mức thu nhập hiện tại cho tài xế, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước thêm 8%.

“Nếu cước vận tải tăng thêm 8%, nhu cầu gọi xe sẽ giảm 45%. Dưới chính sách quản lý thuế hiện tại, doanh thu sau thuế của chúng tôi sẽ giảm từ 1.467 tỷ đồng/năm xuống 872 tỷ đồng/năm, tương đương giảm 41%”, Grab cho biết.

Đơn vị này cũng cho rằng việc yêu cầu tổ chức phải chịu trách nhiệm khấu trừ chi phí GTGT đầu vào của cá nhân hợp tác sẽ làm tăng chi phí cho nhân sự. Để rà soát được hóa đơn đầu vào của hơn 200.000 tài xế, Grab dự tính phải tuyển thêm 18 nhân viên để thực hiện công việc này.

Không tăng nghĩa vụ thuế với tài xế

Tại hội nghị đối thoại về chính sách thuế và hải quan diễn ra ngày 24/11 ở Hà Nội, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại của Grab, đề nghị đại diện Tổng cục Thuế làm rõ mức thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên 10% hay giữ nguyên là 3%, và tài xế vẫn sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 1,5% theo quy định tại Thông tư 92/2018 hay theo mức thuế trong văn bản nào khác.

Trả lời, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định mức thuế TNCN đối với các tài xế vẫn giữ nguyên ở mức 1,5% đối với ai đạt mức thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên.

Về nghĩa vụ thuế GTGT, các công ty xe công nghệ sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện việc kê khai thuế GTGT trên tổng doanh thu thu được theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức, chứ không áp nghĩa vụ này lên đối tượng tài xế, vì các cá nhân phải hợp tác với tổ chức chứ không được tự kinh doanh. Việc này hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành trong Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng.

Giải thích rõ hơn, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, cho rằng quy định mới của nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế xe công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, chứ không gánh cả thuế GTGT mức 3% như lâu nay.

tai xe xe cong nghe phai dong thue the nao anh 2
Theo đại diện Tổng cục Thuế, các doanh nghiệp vận tải công nghệ sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện kê khai thuế GTGT trên tổng doanh thu thu được, chứ không phải tài xế. Ảnh: Chí Hùng.

Trước đó, tại văn bản gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Grab đặt câu hỏi liệu tài xế hợp tác với Grab có được phép khấu trừ thuế GTGT cho các chi phí đầu vào như chi phí mua phương tiện được sử dụng để kinh doanh vận tải, mua xăng, sửa chữa bảo trì không.

Doanh nghiệp này ký hợp đồng hợp tác kinh doanh trực tiếp với các tài xế (là cá nhân kinh doanh). Hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu rõ doanh thu cung cấp dịch vụ do hành khách chi trả sẽ được chia sẻ cho các bên theo tỷ lệ được thỏa thuận, và mỗi bên có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

Grab cũng đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn việc thu hộ và nộp hộ thuế GTGT và TNCN của cá nhân kinh doanh hợp tác với Grab đạt mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên trong trường hợp trước ngày 5/12 và từ ngày 5/12 đến 31/12.

Ngoài ra, đơn vị này cho rằng Nghị định 126 có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của hàng trăm nghìn tài xế xe công nghệ. Tuy nhiên, thời gian có hiệu lực thi hành quá ngắn, khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc giải thích với đối tác về sự thay đổi chính sách.

Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể, Grab đề nghị được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế theo hướng dẫn trong Thông tư 92 và Công văn 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017 về Chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab Taxi.

Trong khi đó, Be Group nói với PV đơn vị này đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải (giống như taxi) ngay từ ngày thành lập nên đã đóng thuế GTGT 10% rồi. Be Group cho biết sẽ tiếp tục chờ đợi thông tư hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế, để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ các tài xế tuân thủ các quy định pháp luật.

Văn Hưng/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều