+
Aa
-
like
comment

Thuế quan – ‘thanh gươm bén’ của ông Trump

07/08/2019 13:55

Tổng thống Trump cho thấy ông có thể giải quyết gần như mọi thứ bằng thuế quan. Từ chuyện dân vượt biên lậu với Mexico đến đe nẹt đồng minh và ngăn chặn tham vọng bá chủ công nghệ của Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã chiếm gần như toàn bộ mặt báo thế giới ngày 2-8 bằng tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10% với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh, dường như trong sự bất ngờ và choáng váng, chưa đưa ra phản ứng ngay được.

Trước đó, chỉ bằng một tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 25% với tất cả hàng hóa Mexico nhập vào Mỹ, ông Trump đã buộc được người láng giềng phía nam ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết chuyện dân vượt biên trái phép.

Thuế quan - thanh gươm bén của ông Trump - Ảnh 1.
Chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” được ông Trump thúc đẩy từ những ngày đầu nhiệm kỳ – Ảnh: REUTERS

Trong vòng 3 ngày, một thỏa thuận được chốt ở Washington, Mexico cam kết làm nhiều hơn nữa để ngăn dòng người tị nạn Mỹ Latin tràn vào Mỹ, mở đường cho việc trục xuất những người này trở về nơi xuất phát.

Tình yêu xuyên thế kỷ

Không có gì nghi ngờ khi nói thuế quan đã trở thành công cụ đơn phương mạnh nhất được ông Trump sử dụng để thúc đẩy các chương trình nghị sự kinh tế.

Hơn 2 năm sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã khơi mào cuộc chiến thuế quan với tất cả, từ Hàn Quốc và Nhật Bản – hai quốc gia đồng minh hiệp ước, đến NATO, Liên minh châu Âu (EU) và gần đây nhất, dữ dội nhất là Trung Quốc.

Ông Trump gạt ngoài tai những tiếng la ó, chỉ trích và phản đối của các nghị sĩ, những thỉnh cầu của các doanh nghiệp Mỹ và khăng khăng một điều thuế không làm nước Mỹ yếu đi, chỉ làm nước Mỹ mạnh hơn, rằng tiền đang chảy từ túi các nước bị áp thuế về Mỹ chứ không phải người tiêu dùng trong nước.

Thuế quan (tariff) – từ một danh từ trong tiếng Anh đã trở thành động từ của ông Trump, định hình gần như toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.

“Thuế quan là một phần của ông ấy” – giáo sư Sử học Jennifer M. Mille nhận định.

Ông là người từng công bố công trình nghiên cứu về việc sự trỗi dậy của Nhật trong những năm 1980 đã ảnh hưởng như thế nào đến thế giới quan của ông Trump.

“Thuế quan của tôi đâu? Đem thuế quan của tôi tới đây!”, ông Trump từng nói đầy bực dọc trong một cuộc họp nội các những ngày đầu làm tổng thống khi các cố vấn của ông không nhắc gì đến các biện pháp thuế quan.

Thuế quan - thanh gươm bén của ông Trump - Ảnh 2.
Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa tăng thuế nhập khẩu lên các nước và nhiều trong số đó đã trở thành sự thật – Ảnh: AFP

Ông Trump đã trở thành một nhà phê bình chính trị Nhật Bản khi nền kinh tế và ảnh hưởng quốc tế của nó bùng nổ vào những năm 1980 – thời kỳ lo lắng cao độ về sự lên ngôi của nền kinh tế Nhật Bản.

Doanh nhân Trump cạnh tranh với các nhà phát triển bất động sản Nhật trong các dự án ở thành phố New York để rồi sau đó khoe khoang đã bán nhà chung cư và văn phòng giá trên trời cho khách hàng Nhật.

Tháng 10-1987, một vài ngày sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ, ông Trump tuyên bố Nhật cùng với Saudi Arabia và Kuwait là những đồng minh đang lừa gạt nước Mỹ.

“Thay vì tăng thuế với người Mỹ để giảm thâm hụt liên bang, chúng ta nên bắt những quốc gia đang xé toạc nước Mỹ phải chịu trách nhiệm cho khoản thâm hụt 200 tỉ USD”.

Sau bài diễn văn Rotary Club ở Portsmouth, đó là lần đầu tiên ông Trump nghe được những lời khích lệ rằng ông nên ra tranh cử tổng thống.

Mike Dunbar, người đã từng sắp xếp bài phát biểu ở Portsmouth cho ông Trump, nói rằng Tổng thống Trump của ngày hôm nay vẫn là doanh nhân Trump của hơn 30 năm về trước.

Trung Quốc: Cuộc chơi dài hơi

Thuế quan - thanh gươm bén của ông Trump - Ảnh 3.
Tổng thống Trump gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11-2017 – Ảnh: AFP

Giới quan sát nhận định trong khi “cuộc xung đột thương mại” giữa Mỹ và Nhật Bản trong thập niên 1980 kết thúc dễ dàng vì sự phụ thuộc an ninh của Tokyo, cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không kết thúc chóng vánh.

Bắc Kinh cho thấy họ là đối thủ xứng tầm của Washington cả về kinh tế lẫn quân sự, trong khi cách đây 30 năm, đối thủ về quân sự của Mỹ là Liên Xô, còn về kinh tế là Nhật.

Giọt nước tràn ly, như cách nói của một số nhà quan sát, dẫn đến cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, là việc Bắc Kinh công bố chiến lược “Made in China 2025” hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số 1 về công nghệ.

Ông Trump, người đã từng tuyên bố sẽ gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Bắc Kinh ngay từ những ngày còn đi tranh cử (và ông cũng vừa cho làm vào ngày 5-8), rõ ràng không hoan nghênh chiến lược đó.

Ở một chừng mực nào đó, theo nhận xét của báo New York Times, nỗi ám ảnh về việc phải thắng khiến ông Trump cảm thấy khó chịu nếu bị Trung Quốc vượt mặt.

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đến giờ đã không còn gói gọn trong lĩnh vực thương mại nữa.

Ông Trump hiểu rõ sức mạnh kinh tế của Mỹ, và tất nhiên là cả thực tế Trung Quốc đang xuất siêu sang Mỹ. Với tính khí của mình, thương chiến sẽ khó kết thúc nếu ông Trump không cảm thấy thỏa mãn với những gì đạt được.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều