Thực trạng học lý luận chính trị và âm mưu xuyên tạc của Việt Tân
“Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên” là một trong những nội dung quan trọng đã được Đảng tiếp tục xác định trong văn kiện Đại hội XIII. Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, nhận thức rõ, đầy đủ những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại và có quyết tâm mạnh mẽ khắc phục những tồn tại đó. Những biểu hiện ngại học, lười học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải khắc phục trong thời gian dài theo lộ trình khoa học, không phải một sớm một chiều mà thành công được. Cần phải có nhận thức đầy đủ về nguyên nhân và các giải pháp khắc phục hiện tượng này.
Trong bài viết “Cán bộ Đảng Cộng Sản lười học, ngại học lý luận chính trị” mà Việt Tân đăng tải ngày 19/11 chứa nhiều nội dung xuyên tạc, thổi phồng khuyết điểm của một bộ phận cán bộ đảng viên nhằm thực hiện âm mưu bôi nhọ Đảng ta, góp phần thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” của chúng.
Mở đầu bài viết, chúng đã trích lời của đối tượng Vũ Minh Trí, một đối tượng đã từng công tác trong Quân đội nhưng do bất mãn với chế độ nên đã quay lại phản bội Quân đội, chống phá Đảng ta. Y đã từng có những bài viết bôi nhọ, vu khống Tổng cục II và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Y cho rằng “lý luận ấy, chương trình nội dung học tập đấy không có một chút gì hấp dẫn đem lại cho người ta những hiểu biết mới mẻ. Cho nên bản thân họ là cán bộ đảng viên các cấp của đảng cộng sản mà họ không đi học vì họ thấy không bổ ích, không cần thiết cho họ”. Rõ ràng đây là lập luận cá nhân của riêng y, hoàn toàn phiến diện và vô lý.
Thứ nhất, chỉ một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học, ngại học lý luận chính trị. Thứ hai, mọi cán bộ, đảng viên đều nhận thức rõ việc học tập chính trị là cần thiết, bổ ích và không thể tách rời quá trình quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên. Nguyên nhân chủ yếu và căn cơ của thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên ngại học lý luận đó là việc xác định động cơ, mục tiêu học tập còn chưa đúng đắn và hình thức, phương pháp bồi dưỡng, giáo dục còn chưa cuốn hút, hấp dẫn. Hoàn toàn không phải do “nội dung học tập lý luận chính trị là không bổ ích, không cần thiết” như đối tượng Vũ Minh Trí đã phiến diện khẳng định.
Trong bài viết của mình, Việt Tân còn dẫn lời của đối tượng Nguyễn Ngọc Già (tên thật là Nguyễn Đình Ngọc) cho rằng “Đảng sẽ không khắc phục được tình trạng trên, sẽ trở nên bế tắc”. Bản chất lưu manh, chuyên xuyên tạc, chống phá của y được thể hiện rõ qua những luận điệu mà y nêu ra như “chính trị là phương tiện để họ tuyên truyền và nhồi sọ một chiều, nên nó phản khoa học chứ không phải chính trị học”; rồi còn “đảng viên lười học lý luận chính trị là một kết quả tất yếu. Tôi cho rằng trong đầu các đảng viên buộc phải đi học không đọng lại gì sau khi học”. Nguyễn Đình Ngọc đã cố tình phớt lờ đi vai trò của người đảng viên, họ không chỉ được học tập lý luận chính trị mà còn là bộ phận quan trọng đóng góp xây dựng, phản ánh lý luận chính trị, không hề “nhồi sọ một chiều” như y trơ trẽn, trâng tráo viết.
Chúng ta đã xác định rõ một số giải pháp quan trọng nhằm “khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên” bao gồm:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của học tập lý luận chính trị, đồng thời xây dựng mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn cho cán bộ, đảng viên;
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Coi trọng nâng cao số lượng, bảo đảm chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy lý luận chính trị;
Thứ ba, bảo đảm tốt cơ sở vật chất cho quá trình dạy và học tập lý luận chính trị;
Thứ tư, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị bảo đảm chặt chẽ, chính xác, phản ánh đúng chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên;
Học tập lý luận chính trị là thiết thân, cần thiết. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tích cực, tự giác học tập, đấu tranh với các quan điểm cho rằng học tập lý luận chính trị là bắt buộc, cưỡng ép.
Bài viết của Việt Tân đã bộc lộ rõ bản chất thâm độc, xấu xa, suy diễn thái quá thực trạng. Người đọc cần phải cảnh giác trước âm mưu của chúng, tích cực đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng thù địch.
Hoàng Chung