+
Aa
-
like
comment

Thực tại trần trụi sau trận mưa làm lộ ra tử thi bên sông Hằng

19/06/2021 06:45

Những cơn mưa đang khiến mực nước ở sông Hằng dâng cao, làm hàng loạt thi thể dạt vào bờ, đồng thời cuốn cát làm lộ hàng nghìn tử thi được chôn ven sông.

song Hang khong noi doi anh 3
Người thân đem thi thể của bệnh nhân chết vì Covid-19 đến bờ sông Hằng ở Shringaverpur ở ngoại ô Prayagraj, Ấn Độ, ngày 21/5.

Sông Hằng là dòng sông linh thiêng nhất đối với người Ấn Độ, và hầu hết người theo đạo Hindu đều tin rằng nước sông sẽ giúp thanh lọc tâm hồn của con người. Khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến Ấn Độ, con sông cũng đã phơi bày nhiều thiếu sót và báo cáo sai lệch.

Bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ, gần đây đã điều chỉnh báo cáo về số người chết vì Covid-19 trong tháng 4 và tháng 5 từ 5.424 lên 9.375 người. Các cơ quan tư nhân được giao nhiệm vụ xét nghiệm Covid-19 tại lễ hội Kumbh Mela – lễ hội Hindu giáo ở miền Bắc Ấn Độ thu hút hàng triệu người hành hương vào tháng 4 – đã làm sai khoảng 100.000 kết quả.

Thế nhưng, sông Hằng linh thiêng đã có câu trả lời.

Cơn mưa khơi mào sự thật

Ngày 12/5, dân làng ở Buxar, một huyện ở Bihar, đã bắt gặp những thi thể trương phình và biến dạng, trôi nổi trên đoạn sông Hằng chảy ngang qua đây. Họ đã vớt được khoảng 100 thi thể trên đoạn sông tại huyện Buxar và huyện Ghazipur ở thượng nguồn.

Một cảnh sát cấp cao của địa phương cho biết các thi thể đã trôi dạt từ Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ.

Khoảng 30 phóng viên của báo Dainik Bhaskar đã đi dọc bờ sông Hằng ở các thành phố và quận lớn ở Uttar Pradesh để khảo sát.

Chỉ riêng ngày 12 và 13/5, họ đã đếm được khoảng 2.000 thi thể trôi nổi trên khoảng 1.127 km sông. Vào một số ngày, có đến 65 đến 70 thi thể dạt vào bờ.

Theo dữ liệu chính thức, bang Uttar Pradesh chỉ báo cáo 7.826 người chết vì Covid-19 từ ngày 1/4 đến ngày 13/5.

Shringverpur, một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Uttar Pradesh, được coi là thánh địa của Hindu giáo. Phóng viên của báo Dainik Bhaskar cho biết họ nhìn thấy hàng trăm thi thể quấn trong vải liệm nhô lên khỏi mặt đất, nằm cách nhau chỉ khoảng 1 m.

song Hang khong noi doi anh 2
Các thành viên của Lực lượng Ứng phó Thảm họa Nhà nước (SDRF) tuần tra ở đoạn sông Hằng ở Phaphamau, ngoại ô Prayagraj, Ấn Độ, ngày 21/5.

Dân làng nghèo khó, không đủ tiền để mua gỗ hỏa táng đã đưa người thân đã khuất đến bờ sông gần địa điểm linh thiêng để chôn cất.

Sau khi thực địa thêm, các phóng viên ước tính từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5, có khoảng 4.000 thi thể được chôn trong các hố nông trên đoạn bờ sông dài khoảng 1,5 km.

Thực chất, có thể sẽ không ai biết được về thảm kịch này nếu không có “sự trợ giúp” của thời tiết. Các trận mưa vào đầu tháng 5 đã làm mực nước sông Hằng dâng cao, làm thi thể dạt vào bờ. Nước sông cũng cuốn cát từ trên bờ xuống, làm lộ tử thi được chôn ở đó.

Cái chết của người nghèo bị bỏ qua

Các trận mưa cũng gây trở ngại cho hoạt động tăng cường chăm sóc y tế hoặc đảm bảo nguồn cung vaccine ở nông thôn.

Vào tháng 4, toàn bang Uttar Pradesh trong tình trạng thiếu oxy, máy thở và giường chăm sóc đặc biệt. Hình ảnh về tình trạng quá tải của các khu hỏa táng và nghĩa trang được lan truyền. Phản ứng của Thủ hiến Yogi Adityanath khi đó là phủ nhận và đe dọa. Ông Adityanath đã chỉ đạo các quan chức tại bang xử lý theo luật chống khủng bố và tịch thu tài sản của những người mà ông cáo buộc là tung tin đồn sai.

song Hang khong noi doi anh 1
Thi thể được bọc trong vải liệm lộ ra dọc bờ sông Hằng ở Shringverpur, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, sau khi mưa cuốn trôi lớp cát trên cùng vào cuối tháng 5.

Chính quyền bang Uttar Pradesh chỉ ghi nhận những ca tử vong vì Covid-19 trong bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều người dân ở nông thôn, nơi mà dịch vụ chăm sóc sức khỏe khó tiếp cận, đã tử vong tại nhà thì không được xem xét và ghi nhận là chết vì Covid-19.

Giữa tháng 5, bác sĩ duy nhất ở Reotipur, một thị trấn có khoảng 70.000 người ở Ghazipur, nói với báo Dainik Bhaskar rằng khoảng 850 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Một số cư dân ở đây cho biết khoảng 200 người đã chết vào tháng 4.

“Chúng tôi là người nghèo. Chúng tôi còn không xoay xở để kiếm đủ ăn. Chúng tôi không có tiền để chữa bệnh”, Mahendranath Upadhyay, người đã mất 3 thành viên trong gia đình vì Covid-19, nói với Dainik Bhaskar.

Tình trạng nghèo đói ở nông thôn đã làm trầm trọng thêm tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai. Tuy nhiên, chính sự chủ quan của giới chức trách đã gây nên đợt bùng phát mới nhất. Các nhà chức trách đã cho phép tổ chức cuộc hành hương Kumbh Mela – một trong những cuộc tụ họp tôn giáo lớn nhất thế giới, cũng như mở các cuộc vận động chính trị ở một số bang, bao gồm Uttar Pradesh.

Hiện tại, với chỉ 3,5% người Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ, nước này có đủ lý để lo sợ về làn sóng Covid-19 thứ 3.

Hồng Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều