+
Aa
-
like
comment

Thực hư việc CSGT ngừng kiểm tra nồng độ cồn vì dịch Corona?

06/02/2020 08:32

Giới tài xế, mạng xã hội truyền tai nhau thổi vào máy đo nồng độ cồn có thể lây bệnh do vi rút Corona gây ra, nếu CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn hãy từ chối. CSGT TP.HCM đã lên tiếng trước các thông tin này. 

Nhiều người vẫn đưa sát miệng vào phễu khi kiểm tra nồng độ cồn theo hình thức định tính /// Ảnh: Vũ Phượng
Nhiều người vẫn đưa sát miệng vào phễu khi kiểm tra nồng độ cồn theo hình thức định tính

Các thông tin liên quan đến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do vi rút Corona (nCoV) gây ra khiến cư dân mạng bàn tán nhiều ngày qua. Trên các diễn đàn, nhóm Facebook về giao thông, nhiều người khuyên nhau khi CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn hãy từ chối để bảo vệ chính mình.

Giới tài xế còn truyền tai nhau, một số tỉnh, CSGT đã ngưng kiểm tra nồng độ cồn để phòng, chống dịch bệnh. Tài khoản Lê Trường Tuân đặt câu hỏi: “CSGT lúc nào cũng kêu mỗi người một ống, nhưng chắc gì ống đó là ống mới. Lỡ lây bệnh rồi ai chịu?”.

Facebooker Trung Huỳnh hoài nghi: “Mỗi ngày có bao nhiêu người tham gia giao thông thì làm sao CSGT thay ống cho đủ nhỉ. Biết đâu CSGT dùng lại ống cũ hoặc ống mới nhưng nước miếng người trước còn dính ở trong máy thì sao?”.

Bên cạnh đó, một số ít ý kiến cũng cho rằng, nếu không lái xe khi đã sử dụng rượu bia thì không cần lo lắng đến việc bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn. “Mười anh ngồi nhậu xoay tua có 1 ly rượu, dính đầy nước bọt thì kêu tình cảm”, tài khoản tên Văn Lê phản bác chuyện lo lắng thái quá của nhiều người.

“Máy đo nồng độ cồn luôn sạch sẽ!”

Trao đổi với Thanh Niên, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, những tin CSGT ngưng đo nồng độ cồn vì sợ lây nhiễm dịch bệnh chỉ là thất thiệt. Xuyên suốt từ trước tết đến nay, CSGT vẫn thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn.

Máy đo nồng độ cồn theo hình thức định lượng
Máy đo nồng độ cồn theo hình thức định lượng

Hiện nay có 2 hình thức kiểm tra nồng độ cồn gồm định tính và định lượng. Hình thức kiểm tra nồng độ cồn định tính thường được áp dụng tại những tuyến đường rộng, đủ diện tích để lập chốt kiểm tra hàng loạt. Với hình thức này, các tài xế khi qua chốt sẽ được CSGT đưa máy đo nồng độ cồn định tính gắn kèm phễu ở trên, đặt cách miệng tài xế từ 5 – 10 cm và yêu cầu đếm 1, 2, 3.

Nếu phát hiện có nồng độ cồn, máy sẽ báo “có cồn”, CSGT yêu cầu tài xế tấp xe vào lề kiểm tra định lượng cho ra mức vi phạm cụ thể. Hình thức này được đánh giá là kiểm tra nhanh, hiệu quả vì mỗi xe chỉ mất chừng 5 giây là qua chốt, không gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, phễu không được thay cho từng người thổi nên CSGT đã ngưng kiểm tra nồng độ cồn theo hình thức này.

Kiểm tra theo hình thức định lượng là người chạy xe được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn có gắn ống thổi bằng nhựa, mỗi người dùng một ống. Sau khi thổi, máy sẽ báo mức nồng độ cồn trong hơi thở. CSGT sẽ căn cứ vào đây để lập biên bản vi phạm hành chính.

“Để phòng ngừa dịch, CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ đeo khẩu trang y tế. Mỗi người vi phạm vẫn dùng một ống thổi riêng, ngay sau khi thổi xong, CSGT sẽ dùng cồn sát khuẩn để vệ sinh máy rồi mới lắp ống mới cho người tiếp theo. Ống cũ được bỏ vào bao rác thải y tế và xử lý đúng quy định. Mỗi ngày, phòng đều trang bị cho tất cả các đội, trạm những dụng cụ y tế để đảm bảo phòng, chống vi rút Corona khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn”, đại diện PC08 thông tin.

Vũ Phượng/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều