Thực hư Iran bắn hạ máy bay chở quan chức CIA cấp cao từng lên kế hoạch ám sát Tướng Soleimani
Cho tới nay, tung tích của quan chức này vẫn là một bí ẩn do phía CIA từ chối tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan tới vụ việc.
Cách đây vài ngày, tờ EurAsian Times đăng bài viết lật lại vụ việc máy bay Mỹ gặp nạn hồi tháng 1 năm nay và những nghi vấn xung quanh nó.
Cụ thể, vào ngày 27/1/2020, một chiếc máy bay của Mỹ – nghi chở theo một quan chức cấp cao trực thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) – được cho là đã gặp nạn tại Afghanistan. Tuy nhiên, tung tích của quan chức này vẫn là một bí ẩn do phía CIA từ chối tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan tới vụ việc.
Michael D’Andrea, người đứng đầu Trung tâm Sứ mệnh Iran của CIA, dường như đã có mặt trên chiếc phi cơ E-11A khi nó được cho là bị Taliban bắn hạ.
D’Andrea là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch truy lùng Osama bin Laden, cũng như chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái khiến hàng nghìn tay súng Hồi giáo và hàng trăm dân thường thiệt mạng.
Ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu Trung tâm Sứ mệnh Iran của CIA vào năm 2017. Quyết định này được coi là dấu hiệu lớn đầu tiên cho thấy chính sách “không khoan nhượng” của chính quyền Tổng thống Trump đối với Iran.
Theo các báo cáo truyền thông, không bao lâu sau vụ tai nạn của chiếc E-11A, các tài khoản mạng xã hội của Taliban đã bắt đầu đăng tải hình ảnh [chưa được xác minh] cho thấy một chiếc máy bay mang ký hiệu của Không quân Mỹ đang bốc cháy.
Một số báo cáo suy đoán rằng, thi thể của ông D’Andrea, cùng với các tài liệu tuyệt mật của CIA, đã bị phiến quân đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn ở quận Deh Yak, tỉnh Ghazni – khu vực có sự hiện diện mạnh mẽ của Taliban.
Người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid tuyên bố: “Chiếc máy bay, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ tình báo, đã bị bắn hạ tại khu vực Sado Khel, quận Deh Yak, tỉnh Ghazni”.
Tuy nhiên, những thông tin trên sớm bị phát ngôn viên của Lực lượng Mỹ tại Afghanistan phủ nhận.
“Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đó là do hỏa lực của kẻ địch gây ra” – Đại tá Sonny Leggett cho hay – “Những tuyên bố của Taliban là sai sự thật”.
Trong khi các báo cáo truyền thông cho rằng quan chức cấp cao của CIA thực sự có mặt trên chiếc phi cơ gặp nạn thì Lầu Năm Góc đã bác bỏ điều đó và cho biết chỉ có 2 sĩ quan Không quân Mỹ trên máy bay.
Thế nhưng, không có tuyên bố chính thức nào đề cập rằng trên máy bay chỉ có 2 hành khách. Và đến nay, phía CIA vẫn từ chối bình luận về việc ông D’Andrea có mặt trên máy bay cùng với bất cứ quan chức CIA nào khác hay không.
Sau khi vụ việc xảy ra, do thời tiết xấu và hỏa lực chống phá của Taliban, lực lượng Mỹ và Afghanistan hơn 1 ngày sau mới tới được hiện trường.
Thêm một ngày sau đó, Lầu Năm Góc công bố danh tính của 2 sĩ quan Không quân Mỹ có mặt trên chiếc máy bay, gồm Trung tá Paul K. Voss và Đại úy Ryan S. Phaneuf.
Theo cây viết Kimberly Dozier trên tờ Time, hai đồng nghiệp của ông D’Andrea đã rất bức xúc trước thái độ “ngậm chặt miệng” của CIA về vụ tai nạn.
“Sự im lặng của CIA đã khiến một số đồng nghiệp của ông D’Andrea rất bức xúc. Nếu một sĩ quan cấp cao như D’Andrea thiệt mạng thì ông ấy nên được chôn cất một cách tôn trọng tại Nghĩa trang Arlington trong vòng 24 giờ sau khi qua đời bởi ông ấy là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo”.
Từ công nghệ ăn cắp, vũ khí Trung Quốc đáng sợ bất ngờ: Nga gặp tin dữ, NATO nhận “cảnh báo đỏ”
Cho tới nay, CIA vẫn quyết định không xác nhận cũng không phủ nhận việc nhân lực của họ có mặt trên chiếc máy bay gặp nạn. Điều này có lẽ sẽ không thay đổi trong tương lai gần.
Song, theo một báo cáo được công bố trên trang tin IFP, vụ tai nạn này có liên quan tới việc Mỹ ám sát Tướng Iran Qassem Soleimani. Viên chỉ huy hàng đầu của Iran đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở bên ngoài sân bay Baghdad hôm 3/1/2020.
Theo báo cáo trên, ông D’Andrea là người phụ trách kế hoạch ám sát Tướng Soleimani.
Đáng lưu ý là, Tướng Hossein Salami, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) từng tuyên bố: “Sẽ không chỉ huy nào của quân đội Mỹ được an toàn tại bất cứ nơi đâu trên thế giới nếu chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục đe dọa các chỉ huy của Iran”.
Do đó, cho đến nay, vẫn có những nghi vấn đặt ra rằng phải chăng vụ việc chính là đòn trả đũa của Tehran nhằm vào Mỹ?
Ngọc Minh/TQ