Thực hư chuyện Đại sứ Việt Nam “tặng sâm-panh” chỉ trước một ngày nghị viện EU bỏ phiếu về hiệp định EVFTA
Mới đây, dư luận xôn xao bàn tán chuyện nghị sĩ Ellie Chowns lên Twitter đã tố đại sứ Việt Nam “tặng quà sâm-panh” chỉ một ngày trước khi nghị viện EU thảo luận và bỏ phiếu về khuyến nghị. Hôm nay, Cánh Cò xin hạ hồi phân giải.
Cụ thể, trên mạng xã hội Twitter của bà Ellie Chowns – một vị dân biểu của Nghị Viện Âu Châu có một Tweet ngắn, đại ý thay vì “hối lộ” rượu sâm-panh cho các nghị sĩ ở đây thì nên thả tù nhân chính trị: “Ngày mai, Uỷ ban Thương mại Châu Âu bỏ phiếu về hiệp định EVFTA. Hôm nay tôi nhận được thứ này trong văn phòng của tôi: món quà sâm-panh từ đại sứ quán Việt Nam. Hoàn toàn không phù hợp & trắng trợn. Tôi sẽ trả lại cho họ, giải thích rằng việc thả tù nhân chính trị sẽ ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn…”. Nhưng theo thông tin được biết thì chai sâm-panh trị giá 39 euro kèm tấm bưu thiếp của Đại sứ Việt Nam gửi tặng bà nghị Ellie Chowns từ ngày 19/12/2019 để chúc mừng năm mới chứ theo lịch của phương Tây chứ không phải gửi đi ngày 20/01/2020 như bà ấy nói.
Chẳng rõ vì lý do gì mà bà Ellie Chowns đánh lận con đen, rồi vu khống là Việt Nam “hối lộ” bà ấy để mua phiếu. Trong khi câu chuyện tặng quà, biếu rượu hay lì xì mỗi dịp Tết đến Xuân về là chuyện bình thường và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Mỗi năm, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng luôn gửi tặng quà cho các Đại sứ quán nước ngoài đặt tại nước ta. Còn ở Châu Âu, trong các mối quan hệ bạn bè, người thân,… người ta vẫn biếu tặng nhau những hộp sô-cô-la, chai rượu sâm-panh, thiệp chúc mừng nhân dịp Giáng sinh, Năm mới và Lễ Phục sinh để bày tỏ sự yêu quý, biết ơn. Vậy thì chuyện Đại sứ Việt Nam tặng sâm-panh cho nghị sỹ Ellie Chowns dịp Năm mới ngoài nghi thức ngoại giao thì nó còn là một biểu hiện của việc nhập gia tùy tục mà thôi. Bà Ellie Chowns cho rằng điều đó là “hối lộ” thì có 2 trường hợp lý giải: Một là bà ấy chẳng hiểu gì về ngoại giao; Hai là bà tự hạ thấp giá trị của mình chỉ bằng chai rượu sâm-panh 39 euro.
EVFTA phải đến từ hai phía theo hướng hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cả Việt Nam và EU đều có lợi khi ký kết Hiệp định này. Điều đó có nghĩa là, muốn hợp tác bền vững, lâu dài, có hiệu quả thì cả hai bên đều phải nỗ lực, chân thành chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thực tế ngày 21/01/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) với tỉ lệ 29/6/5 (29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng) mà không cần phải “hối lộ” bất kỳ ai. Với số phiếu ủng hộ áp đảo nói trên cũng rõ thấy thiện chí cũng như mong muốn mở rộng thương mại của Ủy ban thương mại quốc tế EU với Việt Nam. Thái độ “thù địch” của nghị sỹ Ellie Chowns cũng không thể ngăn được quyết tâm Eu và Việt Nam tìm đến với nhau. Hơn nữa, hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là thỏa thuận thứ hai của EU với một nước trong Đông Nam Á, sau Singapore. Điều đó cũng đủ chứng minh niềm tin của Ủy ban thương mại quốc tế EU vào Việt Nam.
Việc nghị sỹ Ellie Chowns đề cập đến “tù nhân chính trị” thì xin thưa, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị” mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật của Việt Nam, bị điều tra, truy tố, xét xử theo quy định trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Phải chăng bà nghe quá nhiều luận điệu sai trái lệch lạc từ những thành phần phản động, chống đối chính quyền Việt Nam hay bị thế lực nào đó đứng sau giật dây nên mới có hành động vu khống như vậy. Dù vì lý do gì thì cũng rất thất vọng đối với nghị sĩ Ellie Chowns, một vị dân biểu của Nghị viện châu Âu nhưng nhận thức mơ hồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan đại diện Việt Nam ở Châu Âu nói riêng và toàn bộ dân tộc Việt Nam nói chung. Nếu trong nghị viện Châu Âu vẫn còn những nghị sỹ như vậy thì tương lai sẽ còn nhiều quốc gia khác trở thành nạn nhân bị vu oan tội “Hối lộ”.
Đặng Trường