+
Aa
-
like
comment

Thực hư chuyện cựu Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai “hạ cánh an toàn”

Bích Vân - 12/02/2022 11:26

Vì đâu mà hàng loạt nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận bị bắt giam? Dự án nào khiến cựu Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai “ngã ngựa” và vướng vòng lao lý?

Chân dung ông Nguyễn Ngọc Hai

Cơ quan điều tra cho rằng, ông Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch Bình Thuận cùng 4 thuộc cấp đều đã giao đất cho doanh nghiệp giá rẻ, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Thông tin ông Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và nhiều thuộc cấp bị bắt, bị khám xét nhà riêng, nơi ở, tràn ngập trên khắp các mặt báo.

Ngày 11/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao đã tiến hành khám xét nhà riêng của các ông Nguyễn Ngọc Hai (60 tuổi, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lương Văn Hải (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Hồ Lâm (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Thuận); Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Thuận) và Ngô Hiếu Toàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận).

Trước đó, cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can trên để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Các bị can được xác định có sai phạm trong việc UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát khu đất hơn 92.000 m2 (lô 18, 19, 20) nằm hai bên đường 706B (hiện là đường Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thông), phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, để thực hiện Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.

Theo đó, vào tháng 10/2013, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt đấu giá lô đất số 18, 19, 20 với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2).

Phương thức đấu giá là chung một gói đấu giá, theo hiện trạng đất thô và bên trúng đấu giá trả toàn bộ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh và bên trong dự án.

Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản đã thông báo công khai 6 đợt nhưng không có khách đăng ký tham gia.

Đầu năm 2017, Công ty Tân Việt Phát xin phép được giao khu đất này không qua đấu giá và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận.

Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Thuận khi đó là ông Hồ Lâm và ông Lê Nguyễn Thanh Danh, cùng với Phó giám đốc Sở Tài chính Ngô Hiếu Toàn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị phê duyệt chủ trương và làm các thủ tục giao đất cho Tân Việt Phát.

Ông Nguyễn Ngọc Hai và cấp phó Lương Văn Hải sau đó đã phê duyệt chủ trương và thực hiện các thủ tục liên quan.

Điều đáng nói, việc cho thuê đất là dùng giá khởi điểm năm 2013, thay vì giá năm 2017. Trong đó, lô số 18 cho thuê dưới hình thức trả tiền một lần, dùng vào mục đích thương mại dịch vụ; lô 19 và 20 có thu tiền sử dụng đất, dùng vào mục đích đất ở kết hợp thương mại dịch vụ.

Đấu giá 6 lần nhưng không ai trúng

Vụ việc sau đó được tố cáo với cơ quan có thẩm quyền. Cuối năm 2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo lý giải nguyên nhân không tiếp tục đấu giá đối khu đất này.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đức Hòa, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định:
“Căn cứ Khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh, do 3 lô đất trên đã đưa ra đấu giá 6 lần nhưng không có người tham gia nên UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với 3 lô đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát là đúng theo quy định pháp luật”.

Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư khu đất trên đã phân lô, bán nền với giá cao cho khách hàng. Việc UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ đầu tư thuê đất với giá năm 2013 được cho là đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền khoảng 70 tỷ đồng.

Theo một cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, tháng 4/2013, UBND tỉnh ban hành quyết định hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2013 trên địa bàn tỉnh thì đất tại Phan Thiết đã có giá 1,5 triệu/m2.

Đến tháng 7/2016, Bình Thuận tiếp tục cập nhật điều chỉnh giá đất thì đất ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết đã có giá 1,6 triệu đồng/m2. Do đó, sai phạm trong việc áp giá đất trên đã gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng ngân sách.

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo liên quan đến sai phạm trong việc giao khu đất này và 8 dự án khác, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đến cuối tháng 8/2021, Sở Tư pháp Bình Thuận đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng dừng công chứng giao dịch tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 và hai dự án khác để phục vụ quá trình điều tra.

Sau khi nhận đơn tố cáo liên quan khu đất trên cùng 8 dự án khác, Bộ Công an đã tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Cuối tháng 8/2021, Sở Tư pháp Bình Thuận yêu cầu các tổ chức công chứng dừng công chứng giao dịch tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 và 2 dự án khác để phục vụ điều tra.

Một góc dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Thanh tra Chính phủ từng kết luận giao “đất đúng quy định”

Liên quan vụ việc trên, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã ký kết luận về việc UBND tỉnh Bình Thuận giao hàng loạt lô không qua đấu giá, gồm: Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, Hamubay Phan Thiết, Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, Trường Mầm non Lê Quý Đôn.

Thanh tra Chính phủ nhận định, khu vực đất thực hiện dự án Tân Việt Phát 2 trước đây là đất nghĩa trang tập trung, sau khi di dời thì còn nhiều hố sâu, tường và bia mộ để lại làm mất mỹ quan và mang yếu tố tâm linh nên không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, dù đã công khai thông báo nhiều lần.

Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đủ điều kiện xem xét cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Ngọc Hai giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011-2016 và nhiệm kỳ 2016-2021. Ông được HĐND tỉnh Bình Thuận miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 1/2021. Tháng 8/2021, ông nghỉ hưu trước tuổi.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều