Thực hiện nghĩa vụ quân sự – Hãy như Sơn!
Từ nhiều năm trở lại đây, cứ đến mùa tuyển quân thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội và công cụ tìm kiếm lại xuất hiện những từ khóa như “mẹo khám trượt nghĩa vụ quân sự”, “những cách trốn nghĩa vụ quân sự”… Cho thấy một tâm lý e sợ đang bao trùm nhiều thế hệ thanh niên. Thực tế ấy đã và đang diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả thanh niên đều như vậy. Chí ít, với trường hợp của Phạm Thái Sơn (24 tuổi)…
Chàng trai đến từ Hải Phòng ấy là một trường hợp khá đặc biệt trong số hơn 2500 tân binh lên đường nhập ngũ vừa qua tại địa phương. Bởi khác với số đông, Sơn có cho mình một sự nghiệp tương đối ổn định, một con đường học tập đang rộng mở và một gia đình giàu truyền thống vì nước vì dân.
Phạm Thái Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, là con trai của Anh hùng lao động Phạm Văn Trung. Bên cạnh đó, Sơn còn đang là Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Bình An chuyên lĩnh vực công nghiệp đóng tàu – một doanh nghiệp có khối tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trước khi lên đường nhập ngũ, Sơn cũng vừa mới hoàn thành xong chương trình thạc sĩ ngành tài chính, vẫn đang làm luận văn và chờ lịch bảo vệ. Có thể thấy, với lý lịch như Sơn, anh hoàn toàn có thể tìm cách để dời lại nghĩa vụ quân sự. Nhưng, Sơn đã chọn gác lại mọi thứ để tòng quân.
Phát biểu tại địa phương trước khi lên đường nhập ngũ, Sơn cho biết: “Lên đường nhập ngũ là vinh dự và cũng là trách nhiệm của mỗi thanh niên”. Những lời này của Sơn có một ý nghĩa lớn hơn những gì mà Sơn có thể nghĩ. Bởi lẽ, như đã nêu, thực trạng người trẻ có xu hướng ngại thực hiện nghĩa vụ quân sự khá phổ biến. Những người tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự như Sơn có thể không hiếm, nhưng những người có đầy đủ công danh, sự nghiệp mà vẫn sẵn sàng đi nghĩa vụ quân sự như Sơn thì không được mấy người. Điều đó càng cho thấy ý nghĩa của hành động này là rất lớn. Đặc biệt là khi, trong những ngày gần đây, người ta tranh luận sôi nổi về việc nên hay không nên bắt buộc đi nghĩa vụ quân sự.
Đều là công dân Việt Nam, đều sống và làm việc theo pháp luật và hiến pháp Việt Nam, do đó, trách nhiệm với quốc gia – dân tộc là như nhau. Và hành động của Phạm Thái Sơn là một câu trả lời không thể hoàn hảo hơn cho những tranh cãi và nỗi sợ vô căn cứ thời gian qua, là lời hiệu triệu tuyệt vời cho mọi thanh niên Việt Nam.
Khánh Đăng