+
Aa
-
like
comment

Thúc đẩy ngoại giao vaccine và phục hồi sau đại dịch

09/09/2021 07:41

Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, sáng 8-9 theo giờ địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thủ đô Brussels, bắt đầu thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP) và Vương quốc Bỉ từ ngày 8 đến 9-9 theo lời mời của Chủ tịch EP David Sassoli.

Chuyến thăm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng

Ra sân bay Melsbroek đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, về phía Bỉ có Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Bỉ – Việt, Chủ tịch Liên minh Bỉ – Việt Andries Gryffoy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Bỉ kiêm Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Bỉ tại Liên minh Nghị viện thế giới Samuel Cogolati; Lãnh sự danh dự Việt Nam tại tỉnh Antwerp (Bỉ), Nam tước Joseph De Grand Ry; Phó Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Lê Vĩnh Thắng cùng đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Bỉ.

Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay quân sự Melsbroek, Thủ đô Brusels.

Chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), quan hệ hữu nghị và truyền thống Việt Nam – Bỉ. Các bên sẽ cùng trao đổi sâu rộng về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, lao động… và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu, cũng như các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU.

Chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam – EU và Việt Nam – Bỉ; thúc đẩy ngoại giao vaccine và hợp tác quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19, thể hiện nỗ lực của Việt Nam cùng các nước và cộng đồng doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, tìm giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch…

Làm sâu sắc các mối quan hệ ngoại giao truyền thống

Ngày 28-11-1990, Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên vừa tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao vào tháng 11-2020. Nhìn lại chặng đường 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – EU, có thể thấy những bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc của quan hệ này, từ mang tính hợp tác theo một số lĩnh vực, ngày nay đã tiến tới mối quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và An ninh chính thức ký Hiệp định hợp tác khung mới tại Brussels (Bỉ) năm 2012, thay thế Hiệp định khung về Hợp tác ký năm 1995.

Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Bỉ đã có lịch sử gần 50 năm. Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22-3-1973. Kể từ đó mối quan hệ đã phát triển nhanh chóng và ấn tượng. Bỉ là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên có chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam. Từ năm 1977 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%). Thương mại song phương Việt Nam – Bỉ đã đạt những bước phát triển nhất định với kim ngạch thương mại 2 chiều tăng đều trong giai đoạn 2013-2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Bỉ năm 2019 đạt khoảng 3,1 tỷ USD.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 10 đến 11-9 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác sâu rộng Việt Nam – Phần Lan trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế – thương mại – đầu tư là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước liên tục tăng: Năm 2020 đạt 337,4 triệu USD; đến hết tháng 7-2021 đạt 348,8 triệu USD. Phần Lan hiện có 29 dự án đầu tư có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 23,632 triệu USD, đứng thứ 70/140 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Quốc Huy 

Bài mới
Đọc nhiều