+
Aa
-
like
comment

Thúc đẩy kinh tế vùng núi phía Bắc: Cần ưu tiên một số dự án trọng điểm giao thông

17/10/2019 18:08

Kết cấu hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã cải thiện vượt bậc sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình gợi mở một số phương hướng cho phát triển giao thông vùng núi phía Bắc. Ảnh: VGP/Phan Trang,

Vùng trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, chiếm 28,8% diện tích cả nước với dân số 11.667.200 người (12,86% cả nước) đã được Đảng và Nhà nước nhận định là vùng có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh của cả nước. Mặc dù là khu vực có tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và ngành nông nghiệp; có tiềm năng lớn về du lịch,… nhưng đặc thù nhiều đồi núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh nên việc phát triển giao thông vận tải trong khu vực gặp nhiều khó khăn.

Cơ bản hoàn thành mục tiêu

Thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị, báo cáo của Bộ GTVT cho biết, hiện nay, khu vực này đã hoàn thành tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới; tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình, cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Hiện tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã hoàn thành và đang chuẩn bị triển khai tuyến cao tốc TP.Lạng Sơn – cửa khẩu Hữu Nghị (dự kiến hoàn thành 2021).

Như vậy, 4 tuyến đường cao tốc đề ra trong Nghị quyết số 37 đã cơ bản được đầu tư hoàn thành.

Về hệ thống quốc lộ, trong vùng có 6.971km quốc lộ cơ bản đã được nâng cấp, hỗ trợ liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành trong vùng, giảm chênh lệch giữa các địa phương, hình thành các hành lang phát triển kinh tế trong vùng.

Về đường sắt, hiện có 5 tuyến đường sắt quốc gia, tổng chiều dài 669km, trong đó có 2 tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Đồng Đăng và Hà Nội – Lào Cai. Tuy nhiên, việc huy động được nguồn vốn xây mới tuyến đường sắt khổ 1.435 mm Hà Nội – Đồng Đăng và nối ray ga Lào Cai – Hà Khẩu Bắc chưa thực hiện được.

Về đường thủy nội địa, do đặc điểm địa hình nên giao thông thủy nội địa vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ đóng vai trò hạn chế.

Như vậy, có thể thấy, các tuyến đường sắt, đường thủy nội địa trong vùng được nâng cấp nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra về cả quy mô và chất lượng dịch vụ.

Về hàng không, trước đây có 2 sân bay nhưng sân bay Nà Sản (Sơn La) xuống cấp đã dừng hoạt động, chỉ còn CHK Điện Biên Phủ hoạt động với năng lực hạn chế, tần suất bay chưa nhiều. Hiện, Bộ GTVT đang nghiên cứu đầu tư các CHK Điện Biên, Lào Cai (Sa Pa) nhưng chưa thực hiện đầu tư do nguồn lực khó khăn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhận định, mặc dù hệ thống giao thông vận tải đã được đầu tư đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của vùng, tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra cần duy trì nhịp độ phát triển kinh tế – xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước, phát huy toàn bộ các tiềm năng của vùng thì kết cấu hạ tầng giao thông còn cần tiếp tục đầu tư một số tuyến đường kết nối các tỉnh với các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, đường đến cửa khẩu, đường tuần tra biên giới.

Vận tải đường bộ chiếm ưu thế đang gây áp lực với vấn đề đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của vùng.

Nguyên nhân chính của những tồn tại này được Bộ GTVT nhận định là do thiếu vốn và đặc điểm địa hình khó khăn.

“Nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, nguồn vốn ngân sách hàng năm chỉ đủ cân đối bố trí cho các dự án ODA. Mặt khác, việc kêu gọi đầu tư theo các phương thức xã hội hoá khó khăn do địa bàn trải rộng, dân cư thưa thớt, kinh tế vùng chưa phát triển, hiệu quả tài chính các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của vùng thấp.

Do điều kiện địa hình khu vực nút cao, bị chia cắt nhiều, điều kiện thủy văn phức tạp nên suất đầu tư xây dựng các công trình giao thông lớn, quá trình khai thác thường bị xuống cấp nhanh; điều kiện khai thác chịu ảnh hưởng của sạt lở mùa mưa bão và sương mù vào mùa đông”, Bộ GTVT cho biết.

Bộ truỏng Bộ GTVT đề nghị các địa phương cần cụ thể hoá các đề xuất để chọn ra những dự án ưu tiên trong vùng. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Xác định rõ ưu tiên của vùng

Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37, Bộ GTVT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, quy hoạch vùng  nhằm đảm bảo tính đồng bộ, bền vững và tranh thủ lợi thế các công trình giao thông lớn đã được Chính phủ đầu tư.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các địa phương trong khu vực cần “cụ thể hoá” những đề xuất về đầu tư cao tốc, quốc lộ hay tỉnh lộ, giao thông nông thôn để phục vụ đời sống người dân từng vùng.

“Giao thông nông thôn gắn liền với người dân, phục vụ cho xóa đói giảm nghèo quy mô nên ra sao? Nguồn vốn, hình thức đầu tư cho đầu tư hạ tầng giao thông nên thế nào theo đặc thù từng tỉnh, vùng như thế nào thì các địa phương phải đề xuất cụ thể. Bên cạnh việc khai thác tối đa lợi thế hạ tầng đã được đầu tư trong thời gian qua, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương lựa chọn công trình ưu tiên đầu tư, các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu cho vùng”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề nguồn vốn, Bộ GTVT cho biết, Bộ đang thực hiện các giải pháp thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước, đồng thời tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc hướng vào thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố.

Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương chủ động dành một số vị trí đất có khả năng thương mại, phát triển khu công nghiệp, khu du lịch hoặc nghiên cứu tạo quỹ đất hai bên tuyến đường sau khi đầu tư để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ tăng nguồn vốn ngân sách bố trí hàng năm cho Bộ GTVT để đầu tư các công trình giao thông đối ngoại quan trọng của vùng do Trung ương quản lý, các dự án ODA đang triển khai. Đồng thời, cân đối hỗ trợ cho các địa phương trong vùng thực hiện một số dự án cấp bách mang tính động lực vùng vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng gợi mở một số phương hướng giải quyết vấn đề giao thông của vùng.

Theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị cần có quy hoạch theo trục dọc để kết nối vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với vùng đồng bằng sông Hồng; nghiên cứu quy hoạch theo trục ngang để kết nối các tỉnh trong vùng với nhau đồng thời kết nối vùng ra hướng biển với các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ. Là vùng biên giới, nằm trên cửa ngõ ra biển và kết nối các nước ASEAN với các tỉnh phía nam Trung Quốc, cần nghiên cứu để khai thác được các tiềm năng từ thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kết nối trục Đông – Tây với Lào để tạo hành lang giao thông từ nước bạn ra hướng biển.

Với những đặc thù của vùng, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị thời gian tới, Bộ GTVT cần xác định ưu tiên phát triển các loại hình giao thông vận tải theo thứ tự là: đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Nghiên cứu giải pháp nâng cấp sân bay Điện Biên nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng.

“Khu vực miền núi phía Bắc là cái nôi của dân tộc, cái nôi của cách mạng, là vùng phên dậu của đất nước, là nơi đảm bảo hệ sinh thái của toàn bộ miền Bắc. Vì thế, cần xác định rõ việc đầu tư cho giao thông và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, đồng chí Nguyễn Văn Bình chỉ đạo.

Phan Trang/CP

Bài mới
Đọc nhiều