Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ
Sáng nay (22/11), Hội thảo thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổ chức diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: GTVT, KH&ĐT, đại diện Bộ TN&MT, VPCP, NHNN, lãnh đạo TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các hiệp hội, các chuyên gia, doanh nghiệp.
Kết thúc Hội thảo, đại diện Ban Tổ chức đã trao tận tay lãnh đạo Bộ GTVT tập tài liệu tổng hợp, chọn lọc từ hàng trăm đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, bạn đọc trên diễn đàn “Kết nối hạ tầng Đông Nam Bộ” do báo Tuổi Trẻ tổ chức từ tháng 7/2020, cùng công trinh nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM về vấn đề kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, các ý kiến đóng góp trong chương trình Hội thảo hôm nay sẽ được Ban Tổ chức gửi đến các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy các dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Điều phối chương trình: Rất nhiều dự án đã được duyệt quy hoạch từ các giai đoạn trước đây nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được như dự án Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; hoặc dự án đường vành đai 3 (qua Bình Dương, Đổng Nai, TP.HCM) đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, có tổng chiều dài 98,5km với yêu cầu triển khai xây dựng trước năm 2020, thế nhưng chỉ trừ một đoạn 16km được Bình Dương xây dựng xong năm 2011, đến nay vẫn tạm ngưng.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, ngoài việc thiếu vốn như đã từng đề cập còn có nguyên nhân từ đâu? Với tình hình hiện nay theo ông đến khi nào mới có hoàn thành được các dự án này?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT: Chậm thì ai cũng nhìn thấy rồi, phải nói là rất chậm, Vành đai 3 theo phê duyệt của Thủ tướng, chúng ta cơ bản phải hoàn thành trong năm 2020. Hiện nay, Bình Dương mới làm được một đoạn Mỹ Phước-Tân Vạn, Bộ GTVT mới làm được đoạn Tân Vạn đi Nhơn Trạch…
Có lẽ việc chậm tiến độ Vành đai 3 là một quá trình. Khi Thủ tướng duyệt quy hoạch Vành đai 3, trách nhiệm thuộc các địa phương với kỳ vọng khai thác quỹ đất đầu tư.
Đến đầu 2020, Bộ GTVT đã rất “sốt ruột” báo cáo Thủ tướng, cho Bộ GTVT lập thành dự án quốc gia để trình Quốc hội thông qua.
Tôi hy vọng, với ý kiến chuyên gia, học giả và các địa phương tại hội thảo, sau khi lập nghiên cứu dự án tiền khả thi, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua đầu tư cho dự án vành đai 3, tạo động lực cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ phát triển.
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics, đại diện hãng Hàng không Vietjet: Hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông tắc nghẽn không những ở mặt đất mà cả trên trời. Việc giải quyết vấn đề này còn rất hạn chế. Trong các hạ tầng sân bay, sân bay Tân Sơn Nhất là trọng điểm nhưng đã quá tải cả về hành khách và vận tải hàng hoá. Hạ tầng vận chuyển hàng hoá cũng rất thiếu. Dự kiến sân bay Long Thành được xây dựng nhưng nếu chúng ra có 1,2 triệu tấn hàng hoá lưu thông thì trong tương lai cũng sẽ quá tải, sân bay Nội Bài hiện tay có 900.000 tấn mà có 3 đường ray hàng hoá.
Chuyên gia Trần Hoàng Ngân nói là thiếu tiền nhưng quan điểm của ngành hàng không thì không thiếu tiền. Đất cũng vậy. Nhưng tiền không chi được, không tiêu được, vướng cơ chế nhiều. Sân bay xuống cấp nhưng để cải tạo sân bay, chi ngân sách rất khó khăn. Chúng tôi thiếu cơ chế chứ không phải thiếu tiền.
Thứ hai là không phải không có đất. Xung quanh sân bay hiện nay rất nhiều đất quốc phòng. Nếu muốn đầu tư thì bao giờ cũng có một câu trong hợp đồng “đây là đất quốc phòng, Nhà nước có thể thu hồi bất kỳ lúc nào mà không đền bù”, như vậy không ai dám đầu tư. Nhiều đất quân đội chưa bàn giao cho dân sự được nên chúng tôi không làm được, nhiều lúc 3 năm, 5 năm chưa xong.
Tư nhân hoá sân bay đã nêu 5, 7 năm. Nhưng cơ chế cho việc này còn nửa vời. Cơ chế tư nhân hoá sân bay, xã hội hoá cần dứt điểm. Doanh nghiệp hàng không đang phát triển mạnh và nhu cầu rất lớn. Ví dụ chỉ riêng sân đỗ sân bay cũng chưa đủ, chưa tương xứng với sự phát triển của hàng không. Sự tắc nghẽn mặt đất và trên không gây hệ luỹ lớn cho nền kinh tế.
Về vị trí, Việt Nam có 2 sân bay tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là trung tâm chuyển tải của Đông Nam Á. Tôi cứ băn khoăn mãi tại sao Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn chưa thực sự khẳng định vai trò trung tâm chuyển tải của khu vực. Chúng ta lấy ví dụ Singapore, hiện người ta có đường bay từ số 1-6, phi trường cũng tốt nhất hiện nay. Còn chúng ta có sân bay Tân Sơn Nhất mãi chưa hoàn thiện.
Xin nhắc lại là khônng thiếu tiền, không thiếu đất mà là thiếu cơ chế.
Điều phối chương trình: Theo tôi, không có hạn chế hay sự kìm hãm nào, Nhà nước luôn khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng các sân bay. Chúng ta đã có nhiều sân bay rất đẹp được đầu tư bởi tư nhân. Nhà nước luôn khuyến khích các nguồn lực, và khi nhà đầu tư tham gia đầu tư thì phải tính đến việc thu hổi vốn.
Liên quan đến câu chuyện về đất, chúng ta không thể “nhòm” vào đất quốc phòng vì phát triển kinh tế vẫn phải bảo đảm mục tiêu về an ninh quốc phòng. Quốc phòng có những quy định cụ thể và đôi khi tư nhân chúng ta không biết được bố trí quốc phòng như thế nào, những khu vực phòng thủ ra sao. Không phải cứ có đất là có thể “nhảy” vào được. Chính phủ đã có quy hoạch. Và đây cũng là lý do tại sao phải khẩn trương, gấp rút xây dựng sân bay Long Thành, để giải quyết điểm tắc nghẽn trọng điểm trong giao thông của vùng.
Điều phối chương trình: Có rất nhiều ý kiến cho rằng việc phân bổ nguồn lực đầu tư chưa tính toán kỹ đến việc đặt trọng tâm ở những vùng trọng điểm. Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ đóng góp tới 40% GDP cả nước nhưng nguồn lực vốn đầu tư cho vùng lại chưa tương xứng.
Tại Hội thảo này có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Võ Thành Thống. Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về quan điểm trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư đối với khu vực này?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống: Đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư công cho vùng Đông Nam Bộ, thực tiễn, chúng ta đã có câu trả lời cho câu trả lời này rồi. Vùng Đông Nam Bộ có vai trò hết sức quan trọng với cả nước và với khu vực. Trong đó, chúng ta cũng thừa nhận, vùng Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế phát triển lớn nhất cả nước. Trong những năm qua, Đông Nam Bộ như thỏi nam châm, thu hút đầu tư, đây là vùng thu hút và phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, cũng như có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
Vùng Đông Nam Bộ cũng có cả tiềm năng về phát triển kinh tế biên mậu và có tiềm năng rất lớn về nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.
Thời gian qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm, xác định vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nhiều năm qua, nhờ có sự đầu tư của Chính phủ, địa phương nên đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, sự tiến bộ giao thông không đi liền với phát triển vùng; điểm nghẽn giao thông là nhận thức mà hội thảo đưa ra để tìm giải pháp tham mưu cho Trung ương cũng như lãnh đạo các chính quyền địa phương.
Bộ KH&ĐT nhận thấy trách nhiệm nhằm hỗ trợ vùng Đông Nam Bộ tháo gỡ điểm nghẽn này để tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn. Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý nhiều vấn đề nguồn lực để phát triển giao thông vùng này, trong đó cả phát triển đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Và trong tương lai quy hoạch cũng đặt vấn đề đường sắt, tính đến kết nối Đông Nam Bộ với ngoại vùng cũng như quốc tế.
Sắp tới, Bộ KH&ĐT tiếp tục làm tốt hơn công việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để giai đoạn 2021-2025, cố gắng phấn đấu đưa những công trình giao thông trọng điểm, dự án mang tính tháo gỡ nút thắt cho khu vực Đông Nam Bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 973 trong đó quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ đầu tư công. Trên tinh thần đó, Bộ KH&ĐT phân bổ kế hoạch đầu tư để trình Quốc hội, để thông qua các dự án giao thông cho khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, thời điểm này, chưa có Quốc hội khóa mới, nên Bộ KH&ĐT chưa công bố phân bổ cụ thể cho từng địa phương. Nhưng tinh thần là sẽ bố trí nhiều nguồn vốn, nguồn lực cho hạ tầng khu vực Đông Nam Bộ.
Điều phối chương trình: Vừa rồi đại diện phía Ngân hàng Nhà nước có nói về việc 80% vốn cho các dự án giao thông đến từ các tổ chức tín dụng. Xin hỏi ông Nguyễn Danh Huy, việc đưa ra Luật Đối tác công-tư (PPP) có giải quyết được những khó khăn về tín dụng hiện nay không?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT): Chúng ta đã có nhiều bài học về PPP từ thành công đến thất bại, nhưng tôi cho rằng việc Quốc hội ban hành Luật PPP vừa qua làm cơ sở pháp lý là một thành công. Nhưng với Luật PPP này đã giải quyết được toàn bộ vấn đề hiện nay chưa, thì tôi cho rằng còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Ví dụ như việc chúng ta đang nói về vấn đề các nhà đầu tư phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng, nhưng hiện nay thị trường tín dụng dài hạn tại Việt Nam chưa phát triển.
Thêm nữa, việc nhà đầu tư đi vay đến 80% vốn không sai, bởi theo tôi nhà đầu tư là những người nghiên cứu và tìm ra lợi thế dự án để thực hiện, họ không phải người có lợi thế đi huy động vốn, việc này phải do các tổ chức tín dụng, hoặc các quỹ đầu tư thực hiện.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ chế chia sẻ rủi ro. Nhưng về cá nhân tôi cho rằng, cơ chế này vẫn chưa đủ, vẫn còn nhiều thách thức. Chúng ta mới có cơ chế chia sẻ rủi ro duy nhất về mặt doanh thu. Còn nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải đổi ra tiền Việt Nam, thu phí bằng tiền Việt Nam rồi lại đổi về tiền của nước họ. Vậy tỉ giá hối đoái như thế nào? Chúng ta có đảm bảo cho họ về chuyển đổi ngoại tệ không?
Tôi đã làm việc với nhiều nhà đầu tư và họ có rất nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề đặt ra. Nhưng đến nay tôi cho rằng Luật PPP được ban hành đã là thành công rồi, và chúng ta vẫn phải tiếp tục.
Điều phối chương trình: “Tiền ở đâu? Vốn ở đâu?” là vấn đề rất quan trọng. Hội thảo có sự hiện diện của lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước. Bà có thể cho biết về tình hình tín dụng cho các dự án phát triển kết nối hạ tầng của khu vực Đông Nam Bộ hiện nay?
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước: Vốn đầu tư thúc đẩy kết cấu hạ tầng xuất phát từ các nguồn như ngân sách Trung ương, vốn của địa phương và nguồn tư nhân.
Các chuyên gia, nhà khoa học hôm nay cũng đã đưa ra giải pháp để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư và nguồn vốn của ngành ngân hàng chưa lĩnh vực nào có phán ánh tiêu cực từ các chuyên gia, nhà khoa học.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đầu tư vốn cho các dự án hạ tầng giao thông cũng được chú trọng. Các tổ chức tín dụng cam kết đầu tư cho 120 dự án giao thông. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 20 dự án đang được đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông. Ngành ngân hàng đã quan tâm và đầu tư vốn thì đầu tư cho kết cấu hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm, sôi động của phía nam như vùng Đông Nam Bộ là điều tất yếu.
Tuy nhiên vấn đề xuất phát từ hai khía cạnh. Thứ nhất là đòi hòi nhu cầu vốn rất lớn. Thứ hai là thời gian đầu rất tư dài nên các tổ chức tín dụng cũng khó trong cân đối nguồn. Thời gian qua, do chính sách thu phí của Nhà nước thay đổi dẫn đến doanh thu của một số dự án không đủ, ảnh hướng đến nguồn vốn để trả nợ và ngân hàng cũng gặp khó khăn. Khoảng gần 50% dự thu không đạt như dự kiến, ảnh hưởng đến việc trả nợ. Khi cơ chế thúc đẩy cho hệ thống giao thông thì trước hết cần tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng cho vay, tức là Nhà nước phải đảm bảo cơ chế thì phí mới ổn định để bảo đảm doanh thu cho dự án như ban đầu. Như vậy, các tổ chức tín dụng mới đủ cơ sở để cho vay.
Thời gian qua, khoảng 80% vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BT, BOT là do ngành ngân hàng tài trợ, đặt áp lực quá lớn cho ngành ngân hàng vì đầu tư rất dài hạn. Giải pháp là cần đa đạng hoá các nguồn lực đầu tư, Nhà nước phải tăng tỉ lệ đầu tư và các chủ đầu tư phải tăng nguồn vốn tự có. Ngoài ra, cần tăng cường nguồn huy động từ trong và ngoài nước như FDI, ODA. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công tư PPP và cho phép cơ chế chia sẻ rủi ro, phương án tài chính của dự án và cho phép doanh nghiệp dự án có thể phát hành trái phiếu để đầu tư cho công trình kết nối giao thông. Tôi cho rằng, cơ chế huy động vốn phù hợp cũng giúp cho các tổ chức tín dụng giảm áp lực cho vay và chia sẻ được rủi ro đối với các dự án giao thông. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng cũng tham gia được nhiều hơn vào nhiều dự án. Các tổ chức luôn xem xét đầu tư bảo đảm trên nguyên tắc cân đối nguồn lực của ngành ngân hàng, Không có hạn chế nào đối với dự án giao thông, quan trọng là tính khả thi của các dự án đó.
Câu hỏi này Ban tổ chức xin dành cho ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Thưa ông, cũng như nhiều diễn giả vừa đề cập một trong những vướng mắc lớn nhất khi triển khai các dự án hạ tầng là huy động nguồn vốn đầu tư và để giải quyết vấn đề này có ý kiến đề xuất hình thành Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng. Theo ông nếu việc này thực hiện thì cơ chế triển khai như thế nào? Ngoài cơ chế đầu tư công như hiện nay, các mô hình đầu tư PPP, BOT,BT… đâu là lựa chọn tối ưu cho các dự án ở khu vực này?
Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Huy động vốn theo hình thức theo quỹ đầu tư có 3 yếu tố: Tiền, đất, ý chí. Quốc sách của chúng ta có hạn nên cần tính toán phân bổ cho ba miền bao nhiêu để không phải phàn nàn, bình luận mãi.
Cơ chế quỹ đầu tư khá hiệu quả: Nhà nước là 1 nhà đầu tư trong quũ đầu tư đó, tư nhân, các nhà đầu tư trong nước, Nhà nước cùng tham gia đầu tư vào quỹ đó. Việc quỹ vận hành như thế nào, công nghệ ra sao, cần có ban điều hành đầu tư chuyên nghiệp, chuyên gia tài chính quyết định.
Cần có hội đồng quản trị là lãnh đạo các địa phương trong vùng, lựa chọn quy hoạch mà Bộ GTVT đưa ra cho Chính phủ phê duyệt, Quốc hội thông qua, lựa chọn đầu tư con đường nào. Hội đồng đầu tư, ban lãnh đạo trong vùng quyết định, điều hành thật chuyên nghiệp.
Ý kiến của cá nhân tôi là cơ chế hình thành 1 quỹ đầu tư liên vùng để phát triển hạ tầng giao thông là cách tiếp cận khả thị và có hiệu quả. Quỹ đầu tư này thực hiện theo đúng đặc trưng và tính chất của nó. Có thêm 1 ban quản trị là lãnh đạo của các địa phương.
Điều phối chương trình: Hầu như dự án ở phía bắc cơ chế phối hợp nhà nước và tư nhân tương đối tốt, triển khai nhanh. Vậy xin hỏi PGS. TS. Trần Đình Thiên, việc phân bổ nguồn lực đầu tư cũng như thế chế phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân ở Đông Nam Bộ vướng ở đâu?
PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp (DN), đặc biệt đối với các công trình giao thông lớn, chưa đúng nguyên tắc thị trường cho lắm. Dường như chi phối vẫn là nguyên tắc chọn thầu. Chúng tôi nhiều lần đề nghị Thủ tướng, người nào, tập đoàn, DN nào làm tốt phải được thưởng, căn cứ trên lợi ích mang lại cho đất nước. DN người ta cần được thưởng bằng tiền.
Ở Bắc Bộ đầu tư dựa cơ bản trên tiền ngân sách, trong khi đó, ở Đông Nam Bộ dường như triển vọng nguồn lợi thu được quá lớn, do đó cần cơ chế khuyến khích DN. Chúng ta làm PPP lợi ích chưa rõ, chưa khuyến khích DN, dẫn đến cơ hội bị bỏ lỡ. Do đó, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc biệt cho vùng Đông Nam Bộ về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng giao thông nhằm khuyến khích DN.
Điều phối chương trình: Bộ Chính trị, BCH Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển hạ tầng giao thông cho vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng cũng đã quyết liệt chỉ đạo và nhiều lần trực tiếp thị sát, đôn đốc việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông ở khu vực này. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, về cơ chế chính sách như vậy đã đủ chưa để thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực này phát triển?
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Về cơ chế chính sách, có thể thấy tốc độ triển khai các dự án hạ tầng của khu vực phía bắc triển khai tốt hơn phía nam, như số liệu anh Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KHĐT Bộ GTVT vừa đưa ra thì hiện nay khu vực Đông Nam Bộ mới đạt khoảng 25% so với quy hoạch cao tốc. Là người làm công tác nghiên cứu, tôi cho rằng, với cơ chế như hiện nay, khu vực miền Bắc làm nhanh hơn miền Nam thì cơ chế có thể gọi là tạm ổn.
Nhưng tại sao khu vực miền Nam lại chậm? Thực chất Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần chia sẻ với ý kiến của chúng tôi về nguyên nhân này:
Thứ nhất, phía nam thiếu sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Thứ hai, cơ chế chỉ huy hiện nay rõ ràng, các chương trình hành động của các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ không kết nối được với nhau, tính kết nối tương đối yếu.
Một ví dụ ở phía bắc là cao tốc từ Hạ Long về Hải Phòng qua cầu Bạch Đằng nối vào Quốc lộ 5 thì chúng ta không cần nâng cấp Quốc lộ 18, hiện nay thời gian vận tải đã giảm xuống còn 1 tiếng 45 phút so với 4 tiếng 30 phút trước đây mà chúng ta chỉ cần đầu tư 30 km cao tốc.
Thủ tướng Chính phủ đã phát hiện ra tính kết nối vùng tương đối lỏng lẻo vì thế trong vòng 1 năm trở lại đây, Thủ tướng đã 3 lần đi vào Đông Nam Bộ. Vấn đề ở đây theo tôi là việc tổ chức thực hiện trên quy hoạch đã có. Từ đầu đến giờ có thể thấy chưa diễn giả nào nói về Quy hoạch lập từ năm 1993 đã điều chỉnh.
Điều phối chương trình: Thưa ông, mạng lưới hạ tầng giao thông trong vùng Đông Nam Bộ bao gồm đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt, đường hàng không đã được phê duyệt quy hoạch từ nhiều năm trước, thế nhưng ách tắc lớn nhất vẫn nằm ở giao thông đường bộ. Cho đến nay (năm 2020), toàn vùng mới chỉ có 122 km đường cao tốc, một con số quá khiêm tốn so với quy hoạch. Theo ông, đâu nguyên nhân chính dẫn đến giữa quy hoạch và hiện trạng có khoảng cách khá xa như vậy? Ông đánh giá như thế nào về sự chênh lệch này? Vướng mắc lớn nhất nằm ở khâu nào?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT: Về hệ thống quy hoạch, từ đầu chương trình, các chuyên gia không phê phán gì. Quy hoạch ở vùng Đông Nam Bộ đủ 5 phương thức vận tải, tư vấn trong và ngoài nước đều đã đánh giá là quy hoạch khá hợp lý, nhưng thực hiện thì quá chậm. Chúng ta có 11 tuyến cao tốc trong khu vực, với tổng chiều dài 970 km, Theo quy hoạch đến năm 2020 đưa vào khai thác 497 km nhưng hiện tại mới đưa vào khai thác 122 km, đang đầu tư khoảng 278 km.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ngay từ đầu đã có lời chúc mà nhiều địa phương cảm thấy khá thú vị và cũng thức tỉnh chúng ta phải làm rất gấp và quyết liệt hơn nữa vì tình hình này quả thực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Các diễn giả đã trả lời rất rõ. Tôi xin tổng hợp lại. Thứ nhất là quyết tâm chính trị từ Trung ương đến địa phương, các tỉnh trong vùng về việc liên kết vùng. Vấn đề thứ hai là nguồn lực bao gồm nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động từ tư nhân. Chúng ta chưa khơi thông được, chưa phân bổ thích đáng. Thứ ba là khó khăn về khung pháp lý, cơ chế phân bổ ngân sách chẳng hạn. Cơ chế này phụ thuộc vào Luật Ngân sách, huy động nguồn lực cho các nhà đầu tư tư nhân cũng phụ thuộc vào vấn đề pháp lý.
Sau những tham luận chuyên sâu của các đại biểu, câu chuyện kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ tiếp tục đặt ra nhiều nội dung cần thảo luận, làm rõ. Hội thảo đã dành thời gian để các chuyên gia thảo luận về những nội dung cần tháo gỡ như công tác giải phóng mặt bằng, cơ chế vốn, chính sách… nhằm thúc đẩy nhanh các dự án kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Các địa phương vẫn chưa nhận thức rõ về lợi ích kết nối
Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, các địa phương trong Vùng đã chủ động tìm nguồn đầu tư hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng để phát triển khi ngân sách trung ương còn khó khăn cho đầu tư phát triển hệ thống đường bộ phía Nam.
Bình Dương đã kêu gọi nhiều nguồn vốn trong và ngoài tỉnh vào đầu tư, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) trong giao thông và đạt được thành công ngoài mong đợi. Tại Đồng Nai, chính quyền đã chủ động khắc phục khó khăn về nguồn vốn, tích cực tìm nguồn đầu tư nên những năm gần đây, bức tranh giao thông đường bộ của Đồng Nai có nhiều khởi sắc ấn tượng.
Đã có những công công trình tạo sự liên kết phát triển, phát huy hiệu quả tiềm năng trong vùng. Các trục giao thông dọc theo hướng Bắc – Nam và Đông –Tây, bên cạnh các tuyến đường huyết mạch quốc gia đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như các quốc lộ 1, 51, 20… (Bình Dương). Các công trình trọng điểm, biểu tượng như cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Vũng Tàu… (Đồng Nai).
Tại TP.HCM, công trình giao thông trọng điểm được đầu tư từ ngân sách trung ương như cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên… Cầu Phú Mỹ dài hơn 2.000m nối các địa phương phía Bắc và phía Đông TP Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18km, rộng 120m, có tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Đại lộ Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông – Tây) dài 22km, rộng 70m, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng từ vốn ODA Nhật Bản… Xây dựng Thành phố phía Đông là thành phố trong lòng thành phố với mô hình là đô thị sáng tạo, công nghệ cao, hạ tầng hiện đại và đồng bộ, tạo cực tăng trưởng cho TP.HCM.
Tuy nhiên, đánh giá lại sau rà soát tiến độ triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông, có thể thấy tiến độ còn khá chậm, chưa đạt mong đợi, gồm những nguyên nhân chủ quan và khách quan, quan trọng nhất là nguồn lực đầu tư. Làm sao đầu tư hiệu quả để các khu vực phát triển, nhưng khi nguồn lực có hạn, phải lựa chọn khu vực có tiềm năng sinh lời cao. Do đó, cần sự nỗ lực, tâm huyết của từng địa phương trong thời gian tới. Cần sự hỗ trợ từ các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Về hạn chế, ông Trần Hoàng Ngân chỉ ra, nhận thức về lợi ích nối kết hạ tầng giao thông chưa rõ, vẫn còn xoay quanh trong ranh giới địa phương. Chưa hình thành, cập nhật và chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng. Chưa thành lập được Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, do chưa có cơ chế phù hợp và sự đồng thuận. Chưa giải quyết bài toán lợi ích giữa các địa phương trong toàn vùng, lợi ích của từng tỉnh thành khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, đứng trên góc độ liên vùng
Ông Ngân đề xuất, thời gian tới, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lợi ích mang lại của việc nối kết hạ tầng trong vùng. Xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng. Nghiên cứu và nhanh chóng thành lập Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông nối kết. Ban hành quy chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng, khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch và nâng cao trách nhiệm của bộ ngành trung ương.
Ông Trần Hoàng Ngân đưa ra các kiến nghị về ngân sách để đảm bảo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, tạo ra cực phát triển trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế của cả nước. Góp phần nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy chính quyền Thành phố. Tạo nền tảng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Bộ nội vụ hỗ trợ TPHCM hoàn thiện để kịp thời triển khai chính quyền đô thị từ tháng 7/.2021 . Góp phần định hướng và tạo lan tỏa đến các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ triển khai trong thời gian tới
Đối với các dự án trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020, đề nghị lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ trong khi chờ sửa đổi luật. Đối với các dự án thuộc kế hoạch vốn 2021-2025, cho phép triển khai để xử lý tồn đọng vốn đầu tư công tại kho bạc.
Bộ tài chính xem xét kế nghị sửa đổi phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; cho thuê quyền khai thác tài sản, chuển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; phí sử dụng kết cấu hạ tầng, giá phí sau đầu tư…”
Đề xuất phân cấp thí điểm cho chính quyền địa phương quyết định tất cả các dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm, ưu tiên cho 4 địa phương : TP Hồ Chí Minh; Bình Dương; Đồng Nai và Bà rịa- Vũng tàu.
Thực hiện cơ chế đặc thù để xây dựng nhà ga T.3 sân bay Tân Sơn Nhất TSN trong 2 năm 2020-2021, cần xem đây là dự án đầu tư công trọng điểm của năm 2020-2021.
Đề nghị Bộ giao thông chủ trì cùng với 2 địa phương Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh triển khai khởi công ngay trong năm 2020 dự án Cầu Cát lái qua sông Đồng Nai. Đây là dự án mang tính đột phá để phát triển đô thị Vùng.
Đẩy mạnh truyền thông hơn nữa
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, đây là dịp rất tốt để chia sẻ một vấn đề đã được bàn thảo nhiều, song cần một cách tiếp cận khác, nếu không, sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của khu vực và đất nước. Ông Thiên cho rằng, nên tránh tư duy xin-cho, thay đổi tư duy chiến lược và phương thức hành động.
“Phía trước là bầu trời, làm sao để Đông Nam Bộ bay lên?”, ông Trần Đình Thiên đặt vấn đề.
Trong thời gian qua, Trung ương, Bộ Chính trị đã đặc biệt quan tâm phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó đặc biệt quan tâm tới TPHCM với các nghị quyết về định hướng phát triển. Nhờ đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn tiếp tục là Vùng có đóng góp lớn nhất về GDP, NSNN, việc làm và vẫn chứng tỏ tiềm năng – nội lực phát triển vượt trội. Mức đóng góp GDP (50,8%), Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lớn hơn cả 3 vùng KTTĐ còn lại cộng lại.
Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP 2016-2018 đạt 6,72% (trong khi vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 9,08%). Vị thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nền kinh tế tuy vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm, vai trò động lực và dẫn dắt suy yếu.
Lý do là thiếu kết nối vùng, các tuyến đường vành đai và tuyến cao tốc còn ít, triển khai chậm; ách tắc lưu thông tại các trung tâm tăng trưởng quốc gia và kết nối quốc tế, cac nút giao thông TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các công trình như Long Thành, Cái Mép – Thị Vải mà triển khai, giải quyết chậm thì sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ tới vùng mà còn tới cả nước. Đông Nam Bộ mà không phát triển đúng tầm sẽ ảnh hưởng lớn tới cả nước.
Giao thông là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng ĐNB, nghẽn trên cả 3 tuyến: đường bộ, hàng không và đường biển. Vùng kinh tế trong điểm phía Nam mới có 91 km (11%) đường cao tốc cả nước. Một thực trạng khác là ách tắc “trung chuyển quốc tế nhưng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải; cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải thiếu đồng bộ, thiếu kết nối đường bộ, đường sắt…
TS Trần Đình Thiên đề xuất, phát triển của TP.HCM, Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là lợi ích chiến lược quốc gia. Tập trung ưu tiên nguồn lực quốc gia và có cơ chế phát triển vượt trước cho Vùng Đông Nam Bộ để đầu tàu này trở thành đầu tàu hiện đại, vùng dẫn dắt mới phát huy đúng lợi thế và tiềm năng.
Thay đổi cách tiếp cận thể chế phát triển Vùng, theo đó, thực thể Vùng có lợi ích tổng thể, có thực lực ngân sách… Thay đổi cách tiếp cận lợi ích – lợi ích quốc gia và lợi ích DN – khi chung sức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, không phải là “tranh chấp lợi ích” mà là phối hợp các tuyến lợi ích. Tầm nhìn không mới nhưng phải triệt để thực hiện trong phát triển đồng bộ hệ thống GTVT – không gian và thời gian, cả đường sắt, đường thủy… Thay đổi, cải thiện quan hệ chức năng và cơ chế phối hợp Trung ương – địa phương trong phát triển hệ thống giao thông Vùng.
Ông Thiên đề xuất với vai trò của mình, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ truyền thông mạnh mẽ hơn nữa và bày tỏ kỳ vọng Hội thảo sẽ thành công, tạo thêm, góp phần tạo ra động lực phát triển đột phá mới cho Vùng.
Phát biểu về mục đích, ý nghĩa của Hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ cho biết: Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, là “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra khu vực và thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ hàng năm có tỉ trọng đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ kim ngạch xuất nhập khẩu và ngân sách của cả nước.
Mặc dầu vậy, theo nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế, thời gian qua sự phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế sẵn có. Trong đó, một trong những nguyên nhân được xác định là do điểm nghẽn hạ tầng giao thông. Nhiều dự án hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy,… kết nối liên vùng dù đã được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương đưa vào quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư từ nhiều năm nhưng việc triển khai nhiều dự án vẫn gặp vướng mắc, chậm tiến độ do vướng về cơ chế phối hợp, thu hút nguồn vốn đầu tư, về giải phóng mặt bằng,…
Báo Tuổi Trẻ với định hướng là báo chí giải pháp nhận thấy đây là vấn đề không mới nhưng lại gắn liền với sự phát triển chung của cả khu vực, của nền kinh tế cả nước, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Chính vì vậy, từ tháng 7-2020, báo Tuổi Trẻ quyết định mở Diễn đàn trên Tuổi Trẻ nhật báo và Tuổi Trẻ online với chủ đề “Kết nối hạ tầng Đông Nam Bộ”, mong muốn thu hút các ý kiến, hiến kế, góp ý từ người dân, các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cùng đóng góp cho chủ đề này.
“Chúng tôi thực sự ấn tượng khi lượng ý kiến, hiến kế gửi về Diễn đàn rất phong phú, chất lượng chuyên môn cao với những phân tích từ các chuyên gia. Đặc biệt, những bài viết của chính những người dân mong mỏi hằng ngày những cây cầu, tuyến đường được thi công và hoàn thành đúng tiến độ nhằm giải quyết sự nhọc nhằn và an toàn khi di chuyển của những người dân…”, ông Lê Viết Chữ nói.
Đó là những bài viết của các lãnh đạo doanh nghiệp với trăn trở: Vì sao một container từ TP.HCM xuống Vũng Tàu đắt hơn đi Singapore, từ Nhơn Trạch về Cái Mép chỉ 40km nhưng phí vận chuyển một container đến 4,3 triệu đồng?
Câu chuyện chi phí logistic bị đẩy lên do kẹt xe khiến chi phí sản xuất, giá thành hàng hóa tăng theo khiến việc cạnh tranh trong việc hội nhập kinh tế của chúng ta rơi vào thế yếu. Nghiên cứu chỉ ra rằng ở Việt Nam, chi phí cho logistics gần 21% GDP, cao hơn nhiều so với EU là 10%, Nhật Bản 11%, hay Thái Lan 18%.
Những mong mỏi liên tục được bạn đọc nêu lên trong các bài viết như: Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ; Bao giờ những câu cầu ngàn tỉ nối nhịp, cao tốc thông xe giữa TP.HCM – Đồng Nai; giữa Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu? Đến bao giờ khép kín tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu;
Hay những đề xuất xây dựng một tuyến đường sắt để giải cứu cảng Cái Mép – Thị Vải? Một cảng nước sâu được đầu tư hiện đại với quy mô hàng tỷ USD, nhưng do thiếu đường kết nối, chi phí vận chuyển quá cao nên vẫn chưa phát huy tiềm năng, lợi thế,…
Bên cạnh những băn khoăn, nhiều giải pháp cũng được chính những bạn đọc, chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chủ động đưa ra, góp ý thảo luận trong diễn đàn do Tuổi Trẻ phát động.
“Trong vai trò cơ quan truyền thông, chúng tôi rất cảm kích khi đề xuất mở rộng diễn đàn cùng với việc tổ chức sự kiện Hội thảo ngày hôm nay đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Văn phòng Chính phủ), lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo 07 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và các bộ, ngành liên quan. Sự đồng hành, ủng hộ này một lần nữa đã thể hiện sự đoàn kết, chung tay của chúng ta trong việc hướng đến một mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển, thịnh vượng của cả khu vực”, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ chia sẻ.
Sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để Đông Nam Bộ tăng tốc
Chia sẻ về việc tổ chức chương trình Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sâm, Quyền Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ cho biết: Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh năm 2020 hết sức đặc biệt đang đi dần về những ngày cuối cùng và chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức, những cơ hội đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới, trong đó có vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế sôi động nhất cả nước đang có trong tay những cơ hội mới. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, có nhiều quyết sách, nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông vùng đất này, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng trọng yếu của quốc gia. Xin đơn cử một số ví dụ. Cách đây vài ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với vai trò là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Từ nay đến cuối năm, giai đoạn I nâng cấp đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ hoàn thành.
Quyền Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ cho biết: Cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tham dự lễ khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông, trong đó, có hai dự án thuộc địa phận Đông Nam Bộ với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 22.000 tỷ đồng, được tổ chức đồng loạt trong một ngày, đánh dấu một bước tiến mới quan trọng trong việc thúc đẩy dự án trọng điểm quốc gia này.
Cũng trong tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp Đại sứ Bỉ, Đại sứ Hà Lan cùng các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu đang có ý định đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với trị giá gần 1 tỷ USD. Thủ tướng lưu ý các bên trong thực hiện công việc, rằng ai làm chậm, Thủ tướng sẽ phê bình.
Về đường sắt, cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó coi nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là xương sống của chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam thời gian tới.
Có thể nói, Người đứng đầu Chính phủ đã chắt chiu từng cơ hội để thúc đẩy phát triển đất nước, trong đó có những cơ hội thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ. Suốt 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng nhiều lần họp trực tuyến, làm việc, đưa ra nhiều quyết sách, dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển hạ tầng giao thông các địa phương Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo Chính phủ trực tiếp thị sát thực tế, lắng nghe kiến nghị, giải quyết vướng mắc, đôn đốc chuyện kết nối hạ tầng giao thông ở dự án sân bay Long Thành, ở đường vành đai 3, vành đai 4 cho đến chuyện Cảng Cái Mép – Thị Vải, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu…, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất… Riêng sân bay Long Thành, Thủ tướng “nóng ruột” đến mức phải nhắc đi, nhắc lại: “Tháng 10, tỉnh Đồng Nai phải có 1.800 ha đất sạch để khởi động một số hạng mục dự án sân bay”, các bộ ngành tính toán kết nối hạ tầng đồng bộ với sân bay với tinh thần tích cực tháo gỡ vướng mắc, không chờ đợi, bị động… Thủ tướng đã thẳng thắn, “ai không làm thì đứng sang một bên”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất to lớn trong xây dựng, kết nối hạ tầng giao thông, làm thay đổi bộ mặt cả vùng, kết cấu hạ tầng của Đông Nam Bộ nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, nhiều nơi vẫn tắc đường, kẹt xe, nhiều dự án, nhiều địa phương còn vướng cơ chế, thủ tục, vướng về vốn, giải phóng mặt bằng… Tất nhiên, nhu cầu đầu tư của các vùng, các địa phương trên cả nước đều cần, nhưng cần ưu tiên hơn các vùng động lực phát triển, các đầu tàu.
Kết luận Hội nghị làm việc với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng đã giao các Bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất các đề án, cơ chế đặc thù, các chính sách đủ mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng tốc, phát triển bứt phá và bền vững, tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa với vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển của cả nước, trở thành vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần. Chủ động, sáng tạo và quyết tâm, hành động cao nhất để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sớm hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút các tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới, trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước. Trong số các nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Kết luận này, nội dung rất nổi bật là các công trình hạ tầng giao thông trọng yếu, cấp bách cho vùng và kết nối kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, lan tỏa, tạo liên kết vùng.
“Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo hôm nay. Hội thảo nhằm khẳng định sự quan tâm đặc biệt, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển, kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, các kết quả đạt được trong việc đưa các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ tới việc thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực phát triển mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội tại các địa phương, phát triển kinh tế – xã hội trên cả nước, giải quyết công ăn việc làm… Đặc biệt, Hội thảo nhằm chỉ ra các vướng mắc, khó khăn, hạn chế, các vấn đề mà nhiều dự án đang gặp phải: Nghẽn vốn, thiếu mặt bằng, thủ tục chậm, trách nhiệm chưa cao… và đề xuất, hiến kế hướng xử lý, giải quyết”, ông Nguyễn Hồng Sâm nói.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: Đông Nam Bộ đã và đang khẳng định vai trò là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giữ vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, với mức đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 40% ngân sách cả nước. Đây là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm, là vùng hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển kinh tế, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đặc biệt là phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, du lịch….
Hơn nữa, Đông Nam Bộ có lợi thế tự nhiên là một trong 20 địa điểm phát triển cảng nước sâu tốt nhất trên thế giới, và đến năm 2025, khi sân bay Quốc tế Long Thành được đưa vào hoạt động không chỉ sẽ tạo ra sự kết nối trong vùng và lien vùng mà còn tạo ra sự kết nối đa phương thức giữa đường biển, đường thủy, đường bộ, đường hang không và đường sắt trong tương lai. Chúng ta có niềm tin chắc chắn sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới và động lực mới cho tang trưởng.
“Nhưng vùng Đông Nam Bộ đang đối mặt với thực trạng về một hạ tầng giao thong đang quá tải, tắc nghẽn, thiếu đầu tư đúng mức, thiếu sự kết nối mang tính đồng bộ và bền vững. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm lại tốc độ tang trưởng kinh tế trong vùng. Đồng thời, đây cũng là thách thức cho sự duy trì tăng trưởng trong nhiều năm tới đối với từng địa phương và của cả vùng Đông Nam Bộ và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước”, ông Phạm Viết Thanh nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: Hội thảo lần này là bước kết nối quan trọng đầu tiên cho 7 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận về các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng, đồng thời nhận diện cụ thể những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, hiến kế cho Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện. 7 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục có những chương trình, kế hoạch thường niên để giao lưu, trao đổi, học hỏi, gắn kết tình đoàn kết của các địa phương và rà soát lại kết quả thực hiện những vấn đề chia sẻ hôm nay, hoạch định phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới để phát huy thế mạnh của vùng, lợi thế của từng địa phương trên tổng thể phát triển chung của vùng và của cả nước, giúp giải quyết các lực cản về hạ tầng giao thông, xã hội, dân số và những thách thức phi truyền thống, tạo động lực cho quá trình phát triển của vùng Nam Bộ và góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của cả nước.
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, “cửa ngõ” kinh tế và cầu nối của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đã và đang được triển khai, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng giao thông cho khu vực này. Thời gian qua, không ít công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả như cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đường vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 51…
Gần đây, nhiều dự án trọng điểm mới được đầu tư và có kế hoạch thực hiện thời gian sắp tới cũng mở ra cơ hội cho kết nối vùng, như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, TPHCM – Mộc Bài, đường vành đai 3, các cây cầu lớn, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành…
Song theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn, nhưng trong thời gian qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ, đã bộc lộ nhiều hạn chế như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; thiếu sự liên kết vùng…
Được sự đồng ý của Văn phòng Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Báo Tuổi Trẻ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo với chủ đề: Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ.
Sự kiện nhằm thảo luận, hiến kế các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy nhanh các kết nối hạ tầng, giúp phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ.
Dự hội thảo có lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, các địa phương vùng Đông Nam Bộ; các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; lãnh đạo các vụ, cục của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, VPCP, NHNN; lãnh đạo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp Hội Logistics Việt Nam; các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu… và 40 cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương.
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức gửi đến cấp có thẩm quyền nhằm thúc đẩy các dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Hà Chính/VGP