Thưa ông Nguyễn Đức Chung! Văn bản lộ giá nước sông Đuống “cõng” 4 nghìn tỷ lãi vay
Sau phát biểu của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tân Giám đốc Sở Tài chính “phát biểu rất sai lầm” về giá nước sạch sông Đuống khi cho rằng giá nước bán cho dân bao gồm cả lãi vay, tức là người dân phải gánh cả chi phí lãi vay khoảng 20% cho mỗi mét khối nước sạch sông Đuống, bởi công ty này đi vay tới 80% (gần 4000 tỷ).
PV đã tìm hiểu và thấy tại Phụ lục đính kèm tờ trình số 9068 ngày 27/12/2018 của liên ngành TP. Hà Nội (Tờ trình đề nghị phương án cấp bù tạm thời khi dự án Nhà máy nước sông Đuống đi vào hoạt động) đã giải trình rõ các khoản chi phí khi tính giá nước sông Đuống, trong đó có chi phí lãi vay đúng như tân Giám đốc Sở Tài chính. Vậy đâu mới là sự thật thưa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ?
Văn bản ghi rõ chi phí lãi vay tính vào giá nước
Chiều qua (5/12) tại phiên chất vấn của HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải trình 23 vấn đề được các đại biểu chất vấn, trong đó có vấn đề giá nước sạch sông Đuống.
Người đứng đầu UBND TP. Hà Nội đã đề nghị Giám đốc Sở Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm vì “phát biểu rất sai lầm” về giá nước sạch sông Đuống trong buổi giao ban Thành ủy tháng 11 vừa qua, đồng thời, cũng “mong mọi người thông cảm vì là tân Giám đốc Sở”.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, cơ cấu giá nước sạch trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ gồm 5 nội dung: Giá của một khối nước được sản xuất; giá liên quan đến vận chuyển; giá của quản trị, quản lý; lãi suất 5% và cuối cùng là liên quan đến thất thoát 25%. “Một phát biểu rất sai lầm, cuối cùng để cả dư luận hiểu lầm, đó là tiền (lãi vay) người dân phải chịu trong giá nước là 2.003 đồng/m3”, ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, giá nước bán cho người dân từ năm 2013 đến nay không thay đổi. Thành phố có thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Đuống mức giá nước 10.246 đồng “là để phục vụ cho họ lập dự án”. Tương tự, thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Hồng tại Đan Phượng là 10.365 đồng, “cũng để cho họ lập dự án”.
Trước đó, như báo chí đã đưa tin chiều 12/11, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, mức giá 10.246 đồng/mét khối là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư.
Tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỉ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. “Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước”, ông Hà nói.
Theo tìm hiểu của PV, tại Phụ lục đính kèm tờ trình số 9068 ngày 27/12/2018 của liên ngành TP. Hà Nội (Tờ trình đề nghị phương án cấp bù tạm thời khi dự án Nhà máy nước sông Đuống đi vào hoạt động) đã giải trình rõ các khoản chi phí khi tính giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Cụ thể, giá nước sạch sông Đuống bao gồm chi phí sản xuất (chi phí vật tư trực tiếp, chi phí công nhân trực tiếp, chi phí sản xuất chung); chi phí quản lý (quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay bình quân, thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp); chi phí bán hàng; tổng chi chí sản xuất kinh doanh nước sạch; lợi nhuận định mức. Trong đó ghi rõ, chi phí lãi vay bình quân được tính vào giá nước là 2.003 đồng/m3.
Tờ trình đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3. Theo đó, với mức giá bán cho hai đơn vị này liên ngành TP Hà Nội lên phương án đề xuất cấp bù lỗ và cũng bù lỗ cho Công ty Nước mặt sông Đuống.
Theo đó, liên ngành đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội hơn 118 tỷ đồng và bù cho Công ty Nước mặt sông Đuống khoảng 43 tỷ đồng. Tổng số tiền chi bù dự kiến lên tới gần 200 tỷ đồng.
Trước những kiến nghị của liên ngành, ngày 9/1/2019, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội: Chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành.
Như vậy, UBND.TP.Hà Nội đã chấp thuận với giá nước tạm tính cho Công ty CP nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng, trong đó phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước.
Phương án tăng giá nước
Cùng với việc đề xuất giá mua nước của Nhà máy nước sông Đuống cao hơn với giá nước bán lẻ bậc 1, Hà Nội cũng lên kế hoạch tăng giá nước bán lẻ. Về việc xem xét phương án tăng giá nước tại Hà Nội giai đoạn từ năm 2020, tại phiên họp bao gồm các cơ quan liên ngành ngày 11/10/2019, Sở Tài chính đã báo cáo các phương án tăng giá nước sạch lộ trình 2020 – 2022.
Căn cứ vào khung giá do Bộ Tài chính quy định và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Sở Tài chính TP.Hà Nội đã lên phương án giá nước dự kiến gồm 3 biểu giá:
Biểu giá 1: Giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các quận nội thành, thuộc nhóm tiêu thụ đặc biệt, có giá nước sinh hoạt tối đa là 18.000 đồng/m3 (giá trước thuế là 17.142 đồng/m3)
Biểu giá 2: Giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các thị trấn, trung tâm hành chính của huyện và các phường thuộc thị xã Sơn Tây các xã giáp ranh các quận nội thành có giá tối đa là 15.000 đồng/m3 (giá trước thuế là 14.285 đồng/m3)
Biểu giá 3: Giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các địa bàn các xã, khu vực dân cư nông thôn có giá tối đa là 11.000 đồng/m3 (giá trước thuế là 10.476 đồng/m3).
Theo đó, Sở Tài chính đã đề xuất hai phương án điều chỉnh tăng giá nước tiêu thụ. Phương án 1 là điều chỉnh theo các mục đích sử dụng bằng tỷ lệ tăng giá nước của các đơn vị theo kết quả rà soát. Phương án 2 là điều chỉnh theo lộ trình từ năm 2020 đến năm 2022.
Đánh giá hai phương án này, Sở Tài chính cho rằng, phương án số hai có nhiều ưu điểm và đã đề xuất lựa chọn phương án số 2.
Theo phương án số 2, giá nước sạch tại các quận nội thành bình quân dự kiến như sau: Năm 2020 giá điều chỉnh lên 10.966 đồng/m3. Năm 2021 có giá là 12.724 đồng/m3 và đến năm 2022 giá điều chỉnh sẽ là 14.095 đồng/m3.
Giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các thị trấn, trung tâm hành chính của huyện và các phường thuộc thị xã Sơn Tây các xã giáp ranh các quận nội thành sẽ được điều chỉnh: Năm 2020 giá sẽ là 9.568 đồng/m3, năm 2021 giá điều chỉnh là 11.210 đồng/m3 và đến năm 2020 giá dự kiến là 12.425 đồng/m3.
Với biểu giá 3 áp dụng cho các địa bàn các xã, khu vực dân cư nông thôn giá sẽ được điều chỉnh: Năm 2020 có giá bình quân là 8.854 đồng/m3, năm 2021 gia điều chỉnh là 10.431 đồng/m3 và năm 2022 giá có mức tối đa là 11.163 đồng/m3.
Nếu phương án giá nước này được thông qua, từ năm 2020 giá nước bán lẻ sẽ tăng sau thời điểm Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào khai thác từ quý 3/2019.
Ong Lý/Dân Việt