Thủ tướng yêu cầu tránh ‘quyền anh quyền tôi’, đột phá xây dựng pháp luật
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đây là vấn đề còn tồn tại cần khắc phục, tránh tình trạng ‘quyền anh quyền tôi’ và chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Sáng 24-11, hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật được Chính phủ tổ chức với sự tham dự của các bộ ngành, địa phương và các cơ quan của Quốc hội.
Nhắc đến tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại?” với câu nói “thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với mỗi quốc gia, thành công hay không ở chỗ bước đột phá xây dựng pháp luật.
Do đó, hội nghị cần nâng cao nhận thức về xây dựng pháp luật để có hành động mạnh mẽ hơn khi đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội và Chính phủ coi xây dựng thể chế là nhiệm vụ bắt buộc, nhiệm vụ trung tâm.
Xây dựng pháp luật là “bệ đỡ” cho phát triển bền vững
“Xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững, như việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, chúng ta duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch COVID-19. Sự phối hợp tốt giữa Quốc hội, Chính phủ trong thực thi pháp luật giúp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu, đổi mới sáng tạo tăng nhiều bậc” – Thủ tướng đánh giá.
Tuy vậy Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra chất lượng một số dự án luật còn kém, vòng đời dự án luật ngắn, đặc biệt thể chế kinh tế còn nhiều vấn đề. Việc tổng kết đánh giá tác động luật còn hạn chế, làm chưa kỹ, luật mới ra đời đã phải sửa chữa. Tình trạng xin lùi, xin rút và văn bản ban hành trái pháp luật vẫn còn.
Ông yêu cầu Bộ Tư pháp phải công bố danh mục các bộ, ngành địa phương ban hành văn bản pháp luật sai quy định. Đồng thời chú trọng đến nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật khi hiện nay có thực tế “ít cán bộ nào ở vụ pháp chế mà lên được thứ trưởng, bộ trưởng”.
Trước đó, đánh giá về công tác xây dựng pháp luật tới doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI – nhấn mạnh 3 đợt sóng cải cách quan trọng trong thể chế là cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các quy định pháp luật khác, đã có hàng nghìn điều kiện kinh doan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành được gỡ bỏ, cắt giảm, giúp cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy vậy, những hạn chế như chất lượng dự án, luật trình ra Quốc hội trong thời gian qua đáng lo ngại, trong khi yêu cầu hội nhập, cải cách hệ thống luật pháp cần phải mạnh mẽ hơn. Vì thế ông đề nghị các bộ ngành coi xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần “thể chế, thể chế và thể chế”.
Khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, lợi ích nhóm
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng thẳng thắn chỉ ra công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành còn bất cập, với hạn chế, tính khả thi chưa cao do những khách quan trong phát triển, những vấn đề mới chưa lường hết.
Đặc biệt, một số quy định còn mâu thuẫn chồng chéo, đơn cử như 25 quy định đầu tư kinh doanh còn rào cản, nên cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và toàn diện.
“Tổ chức thi hành pháp luật là khâu yếu, nên có những việc vi phạm pháp luật hồn nhiên để thấy ý thức, tôn trọng pháp luật chưa nghiêm, nhất là Luật an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… cần phải nâng cao tư duy, nhận thức, chú trọng hơn công tác thực thi tổ chức pháp luật” – ông Lưu nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian tới cần chú trọng xây dựng hoàn thiện pháp luật, thể chế, thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện kỷ cương phép nước trong vấn đề này.
Việc làm luật không phải mang tính “hình thức”, khắc phục bất cập trong phối hợp và đề cao trách nhiệm các cơ quan trong việc lấy ý kiến, phù hợp luật pháp quốc tế.
“Cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Hiện nay 90% dự luật trình ra Quốc hội là do các bộ, còn quyền anh quyền tôi, đó là vấn đề cần khắc phục tồn tại” – Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang chống tham nhũng tiêu cực thì cần phải chống tham nhũng trong xây dựng chính sách, thi hành pháp luật, giữ được sự liêm chính.
“Các bộ ngành kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản. Tại cuộc họp này Thủ tướng nhắc nhở các bộ ngành và yêu cầu hằng tháng báo cáo công khai về việc nợ đọng văn bản. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xây dựng và thi hành pháp luật” – Thủ tướng yêu cầu.
NGỌC AN/TTO