+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng yêu cầu rút ra bài học phòng, chống COVID-19 sau hơn 1 năm chống dịch

17/03/2021 10:01

Sáng nay, 17/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ đánh giá kết quả công tác phòng, chống COVID-19 trong hơn 1 năm qua. 

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ rút ra bài học và các giải pháp sắp tới để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngay khi xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên, mùng 3 Tết Nguyên Đán năm 2020, Thủ tướng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, tinh thần chống dịch “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, quyết liệt “chống dịch như chống giặc” đã được ngành y tế, các địa phương thực hiện tập trung. Người dân cũng đã tuân thủ tốt các hướng dẫn phòng, chống dịch. Chính những điều đó đã giúp nước ta ngăn chặn hiệu quả trong cả 3 đợt dịch trong 14 tháng qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)

Cùng với việc đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ nhiệm kỳ XIV trong 14 tháng qua, Thủ tướng đề nghị các thành viên dự họp cần rút ra bài học kinh nghiệm, những dự báo, giải pháp cần thực hiện sắp tới để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Nhìn lại quá trình chống dịch COVID-19 vừa qua, Thủ tướng cho rằng, bài toán khó đặt ra với Chính phủ là thực hiện mục tiêu kép, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe nhân dân rồi mới đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội. Nhưng nếu chỉ tập trung chống dịch mà không quan tâm phát triển kinh tế xã hội thì từ khủng hoảng dịch sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng xã hội. Do đó, cùng kết quả chống dịch hiệu quả hơn một năm qua và những kết quả tích cực về kinh tế xã hội đã cho thấy Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt “mục tiêu kép”, được nhân dân tin tưởng và quốc tế đánh giá cao.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, nước ta trải qua 3 giai đoạn của dịch. Giai đoạn đầu từ cuối tháng 1/2020 có người dân trở về nước từ Vũ Hán-Trung Quốc và các nước có dịch. Giai đoạn 2 vào tháng 7/2020 với các ca mắc tại Đà Nẵng và 14 tỉnh; giai đoạn 3 từ 25/1/2021 tại Hải Dương và 12 tỉnh khác. Tính đến nay, cả nước ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (chiếm 85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (chiếm hơn 13%) và 35 trường hợp tử vong (chiếm 1,4%).

Ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng đã quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ cũng đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và phù hợp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương đề cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trên tinh thần đó, chúng ta đã huy động sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu, tập trung thực hiện quyết liệt hệ thống các giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên yêu cầu họp Thường trực Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương, tổ chức, cá nhân về phòng, chống dịch, nhất là ở các giai đoạn cao điểm. Với quan điểm luôn đi trước một bước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn là “Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ một cách hiệu quả; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng.

Bộ Y tế cũng cho rằng, vai trò của các cơ quan truyền thông là hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Thông tin luôn được minh bạch, truyền thông sâu rộng, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân.

Từ kết quả phòng, chống dịch và sự minh bạch, chia sẻ thông tin, hợp tác, hỗ trợ quốc tế trong phòng, chống COVID-19 đã giúp nâng cao uy tín của nước ta với quốc tế. Trong bối cảnh khan hiếm hàng hóa y tế trên toàn cầu, các đối tác quốc tế đã tặng nước ta 290.300 trang bị bảo hộ cá nhân, gần 1.400.000 khẩu trang, 740 máy thở, đóng góp lớn vào nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam. Việt Nam cũng đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và Bộ Y tế đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia hơn 2 triệu khẩu trang, máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm COVID-19… Việc Việt Nam đề xuất thành lập Kho vật tư y tế ASEAN và tham gia tích cực vào quá trình thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó khẩn cấp với các vấn đề y tế công cộng và các bệnh mới nổi, cũng như Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam là nơi đặt trung tâm CDC khu vực và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý với đề nghị này.

Vũ Dũng/ VOV

Bài mới
Đọc nhiều