+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: xử vi phạm môi trường phải nghiêm như xử lái xe uống rượu bia

11/06/2020 12:30

Góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải có chế tài mạnh với các vi phạm để thay đổi nhận thức, hình thành thói quen mới.

Cuối giờ sáng nay (11-6), đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Không thể cứ tự do vứt rác xuống sông, biển

“Môi trường là vấn đề lớn, mang tầm quốc tế, các nước cũng tranh luận rất nhiều. Hiện nay chúng ta đặt ra vấn đề sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về môi trường là đúng đắn, cần thiết” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng: xử vi phạm môi trường phải nghiêm như xử lái xe uống rượu bia - Ảnh 1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại thảo luận tổ – Ảnh: LÊ KIÊN

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh hơn lúc nào hết chúng ta phải bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Người dân không chỉ cần vật chất, mà cần được sống trong môi trường trong sạch, trong lành.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo Thủ tướng, phải bắt đầu tư việc hình thành thói quen tốt của người dân, của cộng đồng dân cư.

“Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Nên từng chi bộ, cộng đồng dân cư, từng gia đình phải làm việc này. Do chúng ta chưa cương quyết, chưa quyết liệt để thay đổi nhận thức nên mới xảy ra nhiều vấn đề ở nhiều nơi. Sông Đáy, sông Nhuệ…, nhiều nơi ô nhiễm nặng. Dọc các bờ sông, các bãi biển còn bẩn lắm, nhiều người có thói quen cứ có rác là xả, ném thẳng xuống sông, xuống biển” – Thủ tướng nêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn thừa nhận rằng tình trạng ô nhiễm môi trường vừa qua có khuyết điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành chưa làm quyết liệt.

“Nghị quyết các chi bộ có nội dung về bảo vệ môi trường ở thôn, xóm, ở khu dân cư của mình không, hay chỉ nói những chuyện cao xa? – Thủ tướng đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh: Trong mỗi gia đình thôi, phân loại rác thải mà chưa làm được thì rất khó xây dựng nhà máy rác thải tốt được. Sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận dân cư cần phải được khắc phục”.

Ông nêu quan điểm: “Chính phủ cần có nghị định để thực hiện luật này một cách nghiêm khắc”.

Dẫn chứng lại việc xây dựng Nghị định 100 để triển khai Luật phòng chống tác hại rượu bia là một bài học. Bên cạnh tuyên truyền, thuyết phục thì phải có xử lý, xử phạt nghiêm để răn đe, giáo dục, làm gương.

“Thời gian qua tình trạng tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia rượu giảm hẳn. Các bà, các chị phấn khởi lắm. Bây giờ đổ rác thải không đúng quy định cũng phạt nặng thì sẽ có hiệu quả” – Thủ tướng nói.

Đồng thời ông cũng nhấn mạnh là chế tài mạnh phải có bộ máy mạnh, có công cụ, phương tiện để quản lý. Ví dụ nói về phương tiện giao thông cũ nát, xả thải gây tác hại cho môi trường thì cơ quan quản lý phải mạnh tay, có công cụ, phương tiện để xử lý kịp thời.

Thủ tướng: xử vi phạm môi trường phải nghiêm như xử lái xe uống rượu bia - Ảnh 2.
Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Trần Sỹ Thanh cho rằng bảo vệ môi trường cũng cần tính đến sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân – Ảnh: LÊ KIÊN

Luật phải tính đến “sức chịu đựng” và khả thi

Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Trần Sỹ Thanh (đại biểu Lạng Sơn) cho rằng Luật bảo vệ môi trường cần phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, trình độ công nghệ của VN.

“Khi mới có thu nhập bình quân 2.000 USD thì khác, còn quốc gia có thu nhập 10.000 USD phải khác. Nếu áp mức tiêu chuẩn cao quá sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, của xã hội” – ông Thanh phân tích. Ông nhấn mạnh rằng luật quan trọng là tính khả thi, nếu chỉ đưa ra các quy định nặng cảm tính thì không có nhiều ý nghĩa.

“Ví dụ như phân loại rác, bây giờ nói nông thôn cũng phải phân 3, 4 loại rác như đô thị thì có khả thi không? Cần phải tính toán cụ thể, thực hiện luật này thì chi phí của doanh nghiệp, của người dân phải tăng lên bao nhiêu, trong công nghiệp, nông nghiệp tăng lên chi phí như thế nào, có đảm bảo tính cạnh tranh không?” – đại biểu Sỹ Thanh bày tỏ.

Từ đó, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị có danh mục khi ban hành luật này, ví dụ chỉ số bụi mịn hiện tại là như vậy, chỉ số ô nhiễm đất hiện tại là chừng này, thì thi hành luật 5 năm sau đó các chỉ số được cải thiện như thế nào.

Vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương, theo ông Thanh, cũng cần quy định rõ. Đặc biệt vấn đề môi trường giáp gianh, cùng con sông đấy nhưng đầu nguồn – cuối nguồn, bên này – bên kia, mạnh ai người ấy xả là không được.

Đồng thời phải có chính sách tốt khuyến khích đầu tư xử lý chất thải. “Hiện nay chính sách của chúng ta chưa thể khuyến khích được nhà đầu tư xây dựng nhà máy nước cho “tử tế”. Nhiều nhà máy rác được đầu tư thời gian ngắn đã phá sản, ngừng hoạt động. Hiện nay xử lý rác vẫn ở quy mô nhỏ cấp xã, cấp huyện” – đại biểu Thanh phân tích.

Cùng sự quan tâm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) dẫn quy định là người dân không phân loại rác đúng thì từ chối thu gom và đặt vấn đề là tính khả thi của điều luật này như thế nào? Nếu người dân không thực hiện thì sao? Nếu không thu gom thì các gia đình họ sẽ vứt rác ra chỗ khác hoặc đem chôn lấp có bị xử phạt không?

“Theo tôi, bước đầu phải có vận động, các đoàn thể phải tham gia vận động, sau một thời gian thì cần có biện pháp, chế tài. Cần ứng dụng công nghệ để giám sát, tổ chức các đội phản ứng nhanh để theo dõi, xử lý” – bà Hạnh kiến nghị.

LÊ KIÊN/TT

Bài mới
Đọc nhiều