Thủ tướng: Việt Nam luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng hùng cường
Theo Thủ tướng, Việt Nam không còn là tên gọi của chiến tranh mà thực sự đã trở thành biểu tượng tinh thần vì hòa bình, một hình mẫu đổi mới, luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng hùng cường.
Chiều nay (30/7), Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Đây là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo.
Tại cuộc gặp mặt, GS Nguyễn Trung Việt (trường ĐH Thủy lợi) đóng góp nhiều ý kiến với Thủ tướng về những khó khăn, thách thức về việc phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học công nghệ tại Việt Nam hiện nay.
Ông bày tỏ, thực tế, dù đã có chủ trương “khoán” nghiên cứu khoa học tới sản phẩm cuối cùng nhưng việc nghiên cứu các đề tài vẫn phải bám theo các định mức chi tiêu, tạo nên những gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cho các nhà khoa học.
Ông Việt đề xuất, cần xác định ngành khoa học mũi nhọn của Việt Nam trong vòng 20-30 năm. Việt Nam nên đi bằng cả 2 chân, một chân dựa trên những thế mạnh truyền thống như phát triển nông nghiệp cao; một chân đi trước, đón đầu các ngành công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI)…
Vị GS cũng mong nhà nước tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ dám dấn thân. Theo đó, các viện nghiên cứu, trường đại học phải thực sự là vườn ươm công nghệ cao, môi trường đổi mới sáng tạo.
GS Trần Đình Long Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nhận xét, vướng mắc nhất của công tác nghiên cứu khoa học hiện nay là ở cơ chế.
Ông dẫn chứng, Việt Nam đã tạo được loại gạo ngon nhất thế giới nhưng thực tế chỉ xuất được vài ba tấn trong khi để kết quả nghiên cứu đó tạo được thành giá trị thương mại phải xuất được hàng triệu tấn.
“Nền nông nghiệp vốn được xác định là thế mạnh, là trụ đỡ của nền kinh tế, như vậy, cần phải là nông nghiệp công nghệ cao, phải là chuỗi các giá trị. Nhưng thực tế, chúng ta nói nhiều đến liên kết 4 nhà mà mãi vẫn chưa phát huy được”, ông Long nói.
Theo ông Long, nếu áp dụng được khoa học công nghệ, có thể giúp đưa xuất khẩu nông sản Việt Nam không chỉ ở mức 40 42 tỷ USD mà phải là 400 tỷ USD, với yêu cầu không được để xuất thô các sản phẩm, từ lúa gạo tới cà phê.
Dân tộc mạnh là dân tộc quyết không để thế giới coi thường
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trong của công tác xây dựng Đảng. Ba trụ cột quan trọng đó là chính trị, tư tưởng và tổ chức đóng vai trò đi trước, mở đường, đảm bảo sự trường tồn và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Theo Thủ tướng, những thành tựu cách mạng vĩ đại của Đảng ta suốt 90 năm qua có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo, mà trực tiếp là những người làm công tác tuyên giáo. Đây là những chiến sĩ dũng cảm, kiên trung trên mặt trận tư tưởng văn hoá.
Dấu ấn 90 năm của ngành Tuyên giáo có vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Trong từng giai đoạn lịch sử, đội ngũ đã bám sát tình hình của đất nước, đóng góp trí tuệ, tài năng, đồng sức cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước.
“Bằng tài năng, công sức và tâm huyết, văn nghệ sĩ, trí thức và các nhà khoa học đã góp phần cho thế giới hiểu rằng, không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiền tài là nguyên khí quốc gia, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để trí thức, nhà hoa học và các văn nghệ sỹ phát triển cả về số lượng và chất lượng…
Thủ tướng lưu ý, trong xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 đã tạo ra những đột phá to lớn đối với mọi mặt đời sống xã hội. Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, nguồn lực đất đai… mà chính con người và tri thức mới là thứ tài nguyên quý giá nhất.
“Tri thức là thứ tài nguyên quan trọng nhất để tạo nên giá trị của một dân tộc. Sứ mệnh của những người làm tư tưởng là cởi bỏ sợi dây để khai phóng, bay lên”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, những kết quả mà đội ngũ trí thức, nhà hoa học và văn nghệ sỹ là rất quan trọng, song cũng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đất nước.
Đội ngũ trí thức tuy có gia tăng về số lượng, trình độ nhưng vẫn còn thiếu những trí thức đầu ngành, những người chủ trì các dự án nghiên cứu lớn của nhà nước.
Trong văn hóa, văn nghệ vẫn còn thiếu những tác phẩm có giá trị cao. Vẫn còn một bộ phận trí thức chưa ý thức rõ bổn phận của mình, chưa tâm huyết, chưa dành nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu.
Còn một số cá nhân chưa mạnh dạn, thẳng thắn, ngại hiến kế, thậm chí né tránh để đưa ra các quan điểm về những vấn đề sai trái. Một số còn háo danh, hám lợi, ảnh hưởng đến các trí thức, khoa học và văn nghệ sỹ chân chính.
Thủ tướng mong giới trí thức, nhà khoa học và các văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no.
Thủ tướng cho hay, trong một thế giới phẳng thách thức đặt ra cho các trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sỹ là giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, hòa nhập nhưng không hòa tan.
“Hàng nghìn năm nay, tổ tiên chúng ta luôn biết đẩy lùi mọi âm mưu đồng hóa của ngoại bang. Các trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sỹ ngày nay chính là những chiến sỹ luôn đề cao cảnh giác, tinh thần đấu tranh trên mặt trận này.
Các nghệ sĩ cần phải biết cách truyền cảm hứng, khơi gợi trong giới trẻ ý thức về cội nguồn, lý tưởng, phụng sự quốc gia, cũng như độc lập, thịnh vượng cho đất nước Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Một dân tộc giàu chưa hẳn là dân tộc mạnh, một dân tộc mạnh phải có khả năng trường tồn. Một dân tộc mạnh phải có quyết tâm để trở thành dân tộc giàu.
Dân tộc mạnh là dân tộc quyết không để thế giới coi thường, quyết không thể là một dân tộc nghèo”.
Thủ tướng mong giới trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ cùng chung tay xây dựng Việt Nam vì mục tiêu trên.
Hương Quỳnh/VNN