+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Viễn thông có 5G, chiến lược phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long có 8G

13/03/2021 23:34

Nói về chiến lược phát triển ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ ví von: Viễn thông có mạng 5G nhưng quan điểm chiến lược về phát triển ĐBSCL là 8G. Vậy 8G ở đây là gì?

Ngày 13/3 tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị lần thứ 3 về phát biển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau khi lắng nghe 13 ý kiến của các đại biểu phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao nhiều ý kiến, báo cáo, tham luận hết sức sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, đầy trăn trở của các bộ, ngành và nhà khoa học.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn đến người dân miền Tây đã cần cù chịu thương, chịu khó làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng cho biết, trong một thập niên qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, huy động nhiều nguồn lực để phát triển ĐBSCL trong bối cảnh vùng được dự báo chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu so với nhiều nơi khác trên thế giới. Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng trên tinh thần ấy.

“Không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, những giải pháp trong những năm qua còn thể hiện tinh thần, tình cảm, trách nhiệm của đồng bào cả nước với người dân miền Tây. Bởi những hạt gạo, trái cây, con cá mà hàng ngày chúng ta ăn phần nhiều trong số đó được lắng đọng từ những giọt phù sa con nước, bàn tay sự lao động cần mẫn của người dân ĐBSCL”, người đứng đầu Chính phủ cho biết.

Nhắc lại câu ca dao: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, dần, sàng”, Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến người dân miền Tây đã cần cù chịu thương, chịu khó làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng cũng cho biết, viễn thông có mạng 5G nhưng quan điểm chiến lược về phát triển ĐBSCL là 8G:

Chữ G đầu tiên là chữ Giao: Có nghĩa tập trung phát triển giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống đường cao tốc tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân.

“Nghị quyết 120 của Chính phủ là thuận thiên nhưng không phải chúng ta giao cho trời đất tác động thế nào cũng được mà cái chính là những công trình giao thông, thủy lợi cần được quan tâm xây dựng để hỗ trợ cho thuận thiên ở đồng bằng này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng dự và phát biểu tổng kết hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL.
Thủ tướng dự và phát biểu tổng kết hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL.

Chữ G thứ hai là Giáo: Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa vàng của phát triển bền vững đối với ĐBSCL, giáo dục là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của ĐBSCL cần chú trọng nội hàm của mô túyp giáo dục, giáo dục và giáo dục. Cụ thể là giáo dục cơ bản, giáo dục nghề và giáo dục trình độ cao.

Chữ G thứ ba là Giang: Giang nghĩa là sông bởi ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn với liền với sông nước. Chiến lược phát triển cần gắn liền với các con sông để phát triển nông nghiệp như lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công.

“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ. Tôi đề nghị nghiên cứu khái niệm kinh tế sông”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chữ G thứ tư mà Thủ tướng Chính phủ nhắc đến đó là Gắn: Tức là gắn kết giữa trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy cùng đi. Chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu là chiến lược dài hạn và nhiều thách thức chúng ta cần phải gắn kết.

Chữ G thứ năm mà Thủ tướng nhắc đến là Giàu: Thu hút được người giàu, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển ở địa phương. Muốn có nguồn lực phát triển cần “xây tổ đón đại bàng”, muốn vậy thì phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.

G thứ sáu là Giỏi: Nghĩa là thu hút tài năng, chất xám đến đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của ĐBSCL. Nên có diễn đàn trí thức Đồng bằng sông Cửu Long để quy tụ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học hàng đầu, có tấm lòng, góp sáng kiến về sự phát triển này.

G thứ bảy là Già: Già hóa dân số và chính sách an sinh xã hội. Đồng bằng sông Cửu Long có mức độ già hóa cao hơn so với bình quân cả nước. Do đó, cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để phục vụ người già và người yếu thế.

G thứ tám là Giới: Thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm, phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Cần có chiến lược đảm bảo cơ hội cho lao động nữ được giáo dục, tiếp cận việc làm theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết 120.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều