Thủ tướng trình cơ cấu Chính phủ khóa 2021 – 2026 có 4 Phó thủ tướng
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm 27 thành viên, gồm Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Chiều 26.7, Thủ tướng Chính phủ trình cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026).
Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ XIV cơ bản phù hợp
Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV gồm 27 thành viên, cụ thể: Thủ tướng Chính phủ, 5 Phó thủ tướng (trong đó có 1 Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và 21 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội miễn nhiệm, phê chuẩn thành viên Chính phủ theo yêu cầu của công tác cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII.
Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (tháng 4.2021), Quốc hội đã xem xét, quyết định về một số thành viên Chính phủ, trong đó không bố trí 1 Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao theo phương án nhân sự của Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng cho hay, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cơ bản phù hợp với giai đoạn phát triển 2016 – 2021, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng, bảo đảm khoa học, hợp lý; qua đó, hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, phù hợp, bao quát toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội; thực hiện đúng vị trí, vai trò là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp.
Thủ tướng cho biết, mặc dù trong nhiệm kỳ XIV có một số thay đổi về nhân sự thành viên Chính phủ nhưng Thủ tướng Chính phủ đã chủ động thực hiện quyền hạn theo quy định của pháp luật, theo đó, trong trường hợp khuyết nhân sự do chưa được cấp có thẩm quyền quyết định đã kịp thời phân công Phó thủ tướng phụ trách trực tiếp hoặc giao “quyền Bộ trưởng”.
“Việc phân công nhiệm vụ các Phó thủ tướng giúp việc cho Thủ tướng phụ trách một số ngành, lĩnh vực vừa bảo đảm yêu cầu ổn định, vừa bảo đảm bao quát các lĩnh vực quản lý, điều hành của Chính phủ một cách chủ động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời điểm”, ông Chính nêu.
Chính phủ khóa XV giảm 1 Phó thủ tướng
Về phương án cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Thủ tướng trình Quốc hội cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 27 thành viên.
Cụ thể, gồm: Thủ tướng; 4 Phó thủ tướng; 18 Bộ trưởng và 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Trong đó, 4 Phó thủ tướng dự kiến phân công chỉ đạo các lĩnh vực sau: ngoại giao và hội nhập quốc tế, xây dựng pháp luật, tổ chức bộ máy, tôn giáo, dân tộc; kinh tế tổng hợp và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kinh tế ngành; khoa giáo – văn xã.
18 Bộ trưởng các bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường, Thông tin – Truyền thông, Lao động – Thương binh – Xã hội, Văn hóa -Thể thao – Du lịch, Khoa học – Công nghệ, Giáo dục – Đào tạo và Y tế.
4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Như vậy, so với Chính phủ nhiệm kỳ trước, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giảm bớt 1 Phó thủ tướng nhưng tăng 1 nhân sự Bộ trưởng do không còn Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tổng số thành viên Chính phủ vẫn là 27 người.
Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với tờ trình của Chính phủ về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho biết, về việc giảm 1 Phó thủ tướng, “có ý kiến đề nghị vẫn nên bố trí cơ cấu số lượng 5 Phó thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính ổn định trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong bối cảnh thực hiện “mục tiêu kép” như hiện nay.
Minh Ngọc