Thủ tướng trẻ nhất nước Anh và những câu hỏi chưa được hồi đáp
Đảng Bảo thủ Anh ngày 24/10 tuyên bố cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak chiến thắng, trở thành lãnh đạo đảng này. Ông sẽ kế nhiệm bà Liz Truss, trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng 7 tuần và là thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của đất nước sương mù.
Cha mẹ ông là người gốc Ấn Độ, nhập cư Anh từ Đông Phi vào những năm 1960. Ông cũng sẽ trở thành thủ tướng Anh trẻ tuổi nhất trong vòng hơn 200 năm.
Phần lớn nghị sĩ đảng Bảo thủ đang coi chính trị gia 42 tuổi này là vị cứu tinh của họ cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra tại Anh, sau nhiều tháng đất nước liên tục đối mặt với những hỗn loạn, ban đầu là từ hàng loạt bê bối của ông Boris Johnson, sau đó là chính sách kinh tế sai lầm của bà Liz Truss.
Tuy nhiên, các nhà quan sát đang đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh thủ tướng tương lai, về các vấn đề liên quan đến khối tài sản khổng lồ của gia đình ông, về mức độ nghiêm túc của ông đối với chức vụ, và cả những cam kết trong thời kỳ nước Anh đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, theo Guardian.
Giờ đây, ông được coi là người định hướng kinh tế, người đã thực hiện kế hoạch ổn định kinh tế cho nước Anh thời kỳ Covid-19 và dự đoán đúng xu hướng xấu của thị trường khi bà Truss công bố chính sách tài khóa mới của mình.
Ông được mong đợi có thể xoay chuyển kết quả tụt hạng nghiêm trọng của đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò gần đây, cứu đảng khỏi nguy cơ bị Công đảng vượt mặt trong cuộc tổng tuyển cử 2 năm tới.
Dẫu hiện được nhiều người ủng hộ và đánh giá cao, ông Sunak – cựu sinh viên Đại học Oxford và Stanford – chỉ mới trở thành nghị sĩ được 7 năm, và mới chỉ mới giữ một chức bộ trưởng duy nhất trong 2 năm.
Theo bà Mason, “ngay cả những đồng nghiệp ủng hộ ông Sunak làm thủ tướng cũng thừa nhận ông ấy không có bề dày kinh nghiệm để chuẩn bị cho nhiều cuộc khủng hoảng chồng chất trên mọi mặt trận”.
Từ các vấn đề tồn đọng của Covid-19, đến tình hình kinh tế hỗn loạn hiện tại, và cả viễn cảnh về một mùa đông thiếu năng lượng, Anh đang phải đối mặt với một hiện tượng khó khăn. Nhiều tình huống khó xử mà bà Truss phải đối mặt vẫn còn đó.
Liệu ông có thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nhập cư cao hơn, hay bám vào những lời hứa thời hậu Brexit về các biện pháp kiềm chế nhập cư khắc nghiệt hơn?
Liệu ông có thể giữ lời hứa năm 2019 của ông Johnson về việc không quay lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng không?
Liệu ông có yêu cầu công chúng cố gắng cắt giảm việc sử dụng năng lượng để tránh thiếu điện vào mùa đông không?
Ông sẽ đưa ra quan điểm hòa giải đối với các cuộc biểu tình của công nhân hay sẽ biến nó thành một vấn đề tranh luận với Công đảng?
Những câu hỏi đó đến nay vẫn bỏ ngỏ vì ông Rishi không trả lời bất cứ phỏng vấn nào của truyền thông nào kể từ khi Truss từ chức hôm 20/10.
Bảo Trâm