Thủ tướng: Tiếp tục nghiên cứu mô hình đặc khu kinh tế
“Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Thời thế mới thì các mô hình đặc khu sẽ thế nào?”, Thủ tướng nêu nhiều câu hỏi gợi mở và đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, xử lý.
Ngày 17/1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Hội nghị có sự tham dự của 5 ủy viên Bộ Chính trị, nhiều ủy viên Trung ương và bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các ban Đảng.
“Sự hiện diện của nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng và nhiều nguyên lãnh đạo hôm nay đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với mọi mặt hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị khi phát biểu chỉ đạo.
Nhiều thành quả nhờ đổi mới tư duy phát triển, quản lý Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh Đảng ta đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Với tư duy đó, Ban Kinh tế Trung ương đã đồng hành cùng Chính phủ trên mặt trận kinh tế, giúp chúng ta gặt hái nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng.
Ông đánh giá Ban Kinh tế Trung ương đã luôn bám sát thực tiễn, tư duy nhạy bén, sáng tạo để tham mưu, đề xuất với Trung ương đường lối đổi mới toàn diện, nhất là đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ đưa đất nước phát triển.
Nhắc đến nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội đạt được trong năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh có được kết quả này là nhờ có sự đổi mới tư duy phát triển, tư duy quản lý. Những Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
“Sự thành công của Việt Nam là sự năng động trong phát triển, những kết quả lĩnh vực kinh tế – xã hội có sự đóng góp quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đánh giá Ban Kinh tế Trung ương đã làm tốt vai trò của cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp chiến lược, đề xuất trình Bộ Chính trị ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về KTXH.
Trong khi đó, công tác phối hợp có sự thống nhất cao, không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “ông nói gà, bà nói vịt”.
Ban Kinh tế Trung ương cũng thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến với số lượng tới 117 ý kiến thẩm định, đóng góp ý kiến đối với nhiều đề án trình Bộ Chính trị.
Đánh giá cao Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trong việc phối hợp giữa các cơ quan, Thủ tướng nhấn mạnh việc thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin kịp thời giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng.
“Thậm chí điện thoại, vỗ vai nhau những vấn đề cần làm tới, những vấn đề cần xem xét, nghiên cứu thêm, chứ không phải nhất thiết mọi việc phải ra cuộc họp”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập như kết quả nghiên cứu chất lượng còn thấp, một số đề án chất lượng chưa cao, chưa kịp tiến độ; chưa có sự đột phá về tư duy phát triển, chưa tạo ra kênh dẫn đường, mở lối dẫn dắt thực tiễn phát triển, phù hợp với xu thế mới.
Việc kiểm tra giám sát thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập để đề xuất điều chỉnh…
Không chờ giao việc mới làm Nhắc đến nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất, tham mưu; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được người đứng đầu Chính phủ đưa ra cho Ban Kinh tế Trung ương. Trong đó, nghiên cứu đề xuất các vấn đề mang tầm chiến lược đất nước mà chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2020.
“Như biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, cuộc sống con người. Việt Nam ta cũng là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, vậy mô hình kinh tế nào có thể giúp chúng ta hạn chế các tiêu cực của biến đổi khí hậu”, Thủ tướng gợi mở.
Ông cũng lưu ý công nghiệp hóa là điều kiện căn bản để hiện đại hóa đất nước, tự cường về kinh tế và đem lại phúc lợi cho người dân. Giai đoạn tới cần chiều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa sao cho có hiệu quả.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề làm sao phát triển mạnh mẽ hơn nữa tầng lớn trung lưu và để tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước.
“Từ một đất nước tỷ lệ nghèo đói trên 60%, nay chúng ta còn tỷ lệ rất thấp, là một công cuộc vĩ đại mà Đảng ta đã lãnh đạo thành công. Bây giờ đã xuất hiện nhiều tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Đây là một lực lượng quan trọng, động lực phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vấn đề cơ chế đột phá để thúc đẩy kinh tế vùng làm cho các vùng kinh tế không bị cát cứ cũng được Thủ tướng đặt ra. Ông dẫn lời nhiều lãnh đạo địa phương cho biết làm kinh tế vùng rất quyết liệt, nhưng chưa thành công, thậm chí những vùng có đặc điểm tương đối giống nhau nhưng vẫn cát cứ, không có sự phối hợp.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến mô hình đặc khu kinh tế đã giúp nhiều quốc gia vươn lên, nhanh chóng tham gia vào nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển.
“Mô hình nào chúng ta có thể áp dụng để tìm ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của nước ta? Thời thế mới thì các mô hình đặc khu sẽ như thế nào? Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Hay những lần biểu tình, phản đối khi trình luật đặc khu ra là vì chưa làm tốt công tác truyền thông, chưa hướng dẫn tốt?, Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo ông, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu, xử lý vấn đề này.
Nhắc đến bất cập trong quản lý đất đai, Thủ tướng muốn Ban Kinh tế nghiên cứu sâu hơn vấn đề này bởi đây là việc tương đối nhạy cảm và cũng là vấn đề bức xúc trong điều hành.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng chúng ta hiện đã có một số trung tâm kinh tế quan trọng trên cả nước nhưng còn nhiều vấn đề về quy hoạch phát triển đô thị đang kìm hãm sự phát triển. Vì vậy cần có tầm nhìn và sự quản lý tốt hơn.
Kết lại bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm không có quốc gia yếu kém, chỉ có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, ý chí quyết liệt thì sẽ phát triển. Không có địa phương yếu kém, chỉ có địa phương không biết làm việc, không có tinh thần năng nổ quyết tâm thì khó phát triển.
Hoài Thu/ZN