+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng tiếp, tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản

01/07/2019 09:39

Tiếp tục chương trình chuyến thăm Nhật Bản, sáng 1/7, tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kanetsugu Mike, Chủ tịch Ngân hàng MUFG và dự Tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; kỷ niệm 25 năm đường bay Việt Nam – Nhật Bản; tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản,…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kanetsugu Mike, Chủ tịch Ngân hàng MUFG. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng dự Tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 25 năm đường bay Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 25 năm đường bay Việt Nam – Nhật Bản. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Nobuhiko Sasaki, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO). Ảnh VGP/Quang Hiếu

Như đã đưa, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản.

Trả lời báo chí Nhật Bản nhân chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện, đáp ứng nguyện vọng và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Về chính trị, hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, góp phần tăng cường, củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Về phía Nhật Bản, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã có chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Việt Nam năm 2017; Thủ tướng Abe Shinzo đã thăm Việt Nam 2 lần trong năm 2017. Về phía Việt Nam, hằng năm đều có chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Nhật Bản. Với cá nhân tôi, đây là chuyến thăm Nhật Bản lần thứ 4 trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.

Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh – quốc phòng giữa hai bên đạt được nhiều tiến triển thực chất. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua viện trợ cho công tác rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hợp tác đào tạo quốc phòng, hỗ trợ trong huấn luyện cứu hộ cứu nạn, tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Các tàu Hải quân Nhật Bản thường xuyên thăm giao lưu hữu nghị các cảng Việt Nam…

Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ

Về kinh tế, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, thương mại, du lịch, là nước cung cấp vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam. Các công trình thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản hiện diện trên hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng vào việc thực hiện 3 đột phá chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững. Nhật Bản là nhà đầu tư số một của Việt Nam trong 2 năm 2017 và 2018.

Hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động, giao lưu nhân dân không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa. Cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ  3 tại Nhật Bản với hơn 300.000 người, trong đó đa số là các bạn trẻ lưu học sinh, thực tập sinh. Các bạn trẻ đó là nguồn nhân lực quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai, đồng thời cũng đang đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản và là cầu nối hữu nghị, nền tảng quan trọng để phát triển mối quan hệ bền vững Việt Nam – Nhật Bản.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng tích cực hợp tác tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM…, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Hai bên đã cùng nhau phối hợp chặt chẽ thúc đẩy để ký kết, phê chuẩn và đang hợp tác triển khai hiệu quả  Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Là nước điều phối quan hệ ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018 – 2021, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và  Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang phát huy vai trò để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và khu vực sông Mê Kông với Nhật Bản, bao gồm cả khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), cũng như cùng Nhật Bản phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Chúng tôi mong muốn Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác ưu tiên của Chương trình “Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng” và “Sáng kiến kết nối Mê Công – Nhật Bản”.

Thời gian tới, với sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả hai bên, tôi tin tưởng quan hệ  “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam- Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới rất tốt đẹp. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt, mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, nông nghiệp hiện đại, tài chính, ngân hàng, tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… góp phần hiệu quả giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ, hệ thống giáo dục tiên tiến…, xây dựng đất nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Tôi tin tưởng rằng sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước sẽ ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

(Theo Cổng TTĐT Chính Phủ)

Bài mới
Đọc nhiều