+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng ‘thúc’ giải ngân đầu tư công, tiêu dùng nội địa, gỡ khó sản xuất kinh doanh

19/09/2020 07:56

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nội địa có thể giúp kinh tế sớm phục hồi.

Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu trong văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trước tác động của Covid-19 tới nền kinh tế.

Nhận định giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA sẽ là “chìa khoá” thúc đẩy tăng trưởng năm nay, Thủ tướng đề nghị từng bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ danh mục các dự án đầu tư công, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án. Để từ đó có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt hơn. Riêng với vốn ODA, các địa phương, bộ, ngành cần giải ngân tối đa số vốn được giao theo kế hoạch.

Trường hợp cán bộ công chức, cơ quan đơn vị cố tình làm chậm, nhũng nhiễu, vi phạm quy định gây lãng phí về đầu tư công sẽ bị xử lý nghiêm.

Trên cơ sở đó, các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính và Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng tình hình giải ngân vốn công tại hội nghị trực tuyến dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9.

Trước đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Tám tháng năm 2020 giải ngân vốn đạt 47% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019. Nhưng cơ quan ngành kế hoạch vẫn nhận xét “tiến độ giải ngân vốn công chưa như kỳ vọng”. Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù… là những nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, kích cầu thị trường nội địa 100 triệu dân lúc này cũng sẽ là bệ đỡ cho nền kinh tế trong nước phục hồi. Theo đó, ông đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước dưới hình thức khuyến mãi, giảm giá bán… hỗ trợ người tiêu dùng toàn quốc.

Về phía doanh nghiệp, tăng cường đưa hàng hoá, dịch vụ tới các địa bàn nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, dân cư… đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cùng với các biện pháp kích cầu truyền thống, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mô hình kinh doanh mới thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, kinh tế đêm… khuyến khích sức mua của người tiêu dùng.

Thủ tướng cũng lưu ý, các doanh nghiệp, đơn vị cần tận dụng hiệu quả cơ hội các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP…) để duy trì, tránh làm mất thị phần, nhất là với các mặt hàng chủ lực.

Anh Minh

Bài mới
Đọc nhiều