Thủ tướng: Thanh tra Chính phủ đã đột phá trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, đã thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Chiều 12/1, dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra 5 năm qua và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, đã thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nhắc đến những thành công quan trọng của đất nước 5 năm qua, nhất là năm 2020, giúp niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được nâng lên, Thủ tướng cho biết, trong khó khăn, đất nước vẫn đạt được mục tiêu kép. Song song với đó, công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng. Trong đó, Thủ tướng đánh giá, Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ quan đóng góp vào thành quả này.
“Thanh tra thuộc quản lý nhà nước là trên 40.000 người, trong đó, 27.000 người có sao, có vạch, thuộc công chức của ngành thanh tra. Số lượng rất lớn, và nếu làm tốt công tác này thì đóng góp cho kỷ cương phép nước, bảo vệ quyền lợi của công dân, để nhân dân bình yên, tin tưởng và đặc biệt là nguồn quan trọng để tiến hành công việc trong công tác phòng, chống tham nhũng, một kênh quan trọng để phát hiện và xử lý tham nhũng. Một tinh thần lớn là các đồng chí trong toàn hệ thống thanh tra đã có nhiều thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể, có những kết luận thiết thực, đóng góp cho việc lập lại kỷ cương phép nước, đặc biệt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, tạo được niềm tin cho nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao: quan tâm đến xây dựng thể chế pháp luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật; Trình Chính phủ ban hành Nghị định 130 kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, các đối tượng có liên quan để phòng chống tham nhũng; Tham gia sửa Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân. Thanh tra Chính phủ cũng trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 10 về phòng, chống tham nhũng vặt. Chỉ thị số 20 về tránh chồng chéo trong công tác thanh tra…
Đặc biệt, tinh thần, trách nhiệm, thái độ tích cực của Thanh tra Chính phủ trong triển khai giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội được thể hiện rõ. Nhiều cán bộ thanh tra xuất sắc, liêm chính, nêu gương. Uy tín của Thanh tra Chính phủ và hệ thống Thanh tra được nâng lên. Chính những nỗ lực của ngành thanh tra đã giúp công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả tích cực, cả 4 tiêu chí gồm số lượng công dân khiếu nại tố cáo; số vụ khiếu nại đông người, số đơn và số vụ đều giảm, có những tiêu chí giảm đến 18%.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế mà Thanh tra Chính phủ cần quan tâm hơn nữa, như tình trạng trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế và cần có cách làm, thanh tra đột xuất để giải quyết tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, tính kỷ luật, kỷ cương của cán bộ thanh tra cần gương mẫu cao hơn nữa. Thanh tra ngành, nhất là sở, ngành ở địa phương còn yếu.
Nêu bối cảnh năm 2021 vẫn còn tình trạng tham nhũng tiêu cực, nhũng nhiễu người dân; còn tình trạng thất thoát lãng phí; môi trường đầu tư còn cần cải thiện; còn tình trạng khiếu kiện đông người và một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành Thanh tra: “Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng kế hoạch thanh tra sát đúng để phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trong đó có việc triển khai Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và 5 năm. Trong đó các đồng chí trong toàn hệ thống phải tập trung nghiên cứu quán triệt đầy đủ nội dung hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng ngày 12/12/2020, đặc biệt là kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Thứ hai là tổ chức triển khai hiệu quả định hướng kế hoạch thanh tra năm 2021 theo hướng đảm bảo trọng tâm, hiệu quả, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu. Chú ý thanh tra đột xuất. Bây giờ của cải vật chất, tiền vốn, các dự án chương trình mục tiêu quốc gia đều nằm ở địa phương hết, quyền hạn của địa phương từ chủ tịch huyện đến chủ tỉnh tỉnh, thành phố rất lớn. Chúng ta phải xử lý sát hơn nữa để công việc tiến nhanh nhưng phòng, chống tiêu cực, lãng phí giảm xuống”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu thanh tra của các cơ quan chức năng cần phối hợp, không được thanh tra chồng chéo để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân. Thanh tra Chính phủ phải triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.
Cùng với đó là tiếp tục cụ thể hóa để triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, nhất là đặt vấn đề tích cực hơn nữa trong phòng ngừa với chủ động phát hiện xử lý đồng bộ, thay vì chỉ tập trung phát hiện hiện tượng để xử lý. Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung sửa đổi Luật Thanh tra 2010; xây dựng tổ chức, đơn vị thanh tra tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.