Thủ tướng thăm nơi sản xuất máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan xưởng lắp ráp máy bay chiến đấu, xem trình diễn bay và tham quan khu vực trưng bày một số loại máy bay tại Tập đoàn Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ.
Sáng 30/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) – một trong những tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tọa lạc tại Thủ đô Ankara, TAI có các xưởng sản xuất, nhà máy rộng 150.000m2. Công ty có một cơ sở máy bay hiện đại được trang bị máy móc và thiết bị công nghệ cao, mang lại khả năng sản xuất đa dạng, từ sản xuất các bộ phận đến lắp ráp máy bay, bay thử và giao hàng thành phẩm.
TAI là tập đoàn chuyên thiết kế, phát triển, sản xuất, tích hợp, hiện đại hóa hệ thống hàng không vũ trụ và các dịch vụ hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại diện Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam hơn nữa trên cơ sở một số dự án, hoạt động hợp tác cụ thể đã triển khai thời gian qua.
Các sản phẩm chính của TAI gồm: Mô hình vệ tinh trinh sát và quân sự Göktürk-2, được cấp phép sản xuất máy bay phản lực General Dynamics F-16 Fighting Falcon, máy bay vận tải hạng nhẹ/tuần tra/giám sát hàng hải CASA/IPTN CN-235, máy bay huấn luyện SIAI-Marchetti SF.260, máy bay tìm kiếm và cứu nạn Cougar AS-532 (SAR), tìm kiếm và cứu nạn chiến đấu (CSAR) và máy bay trực thăng tiện ích cũng như thiết kế và phát triển máy bay không người lái (UAV).
Với mức chi hơn 2% tổng GDP cho quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ ba ở Trung Đông, sau Saudi Arabia và Israel, với khoảng 15,5 tỷ USD vào năm 2021.
Ngành Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ ước tính đạt 15,10 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 15,99 tỷ USD vào năm 2028.
Làm việc với tập đoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trải qua những giai đoạn bị hạn chế trong việc hợp tác với bên ngoài, với tinh thần tự lực, tự cường, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển nền công nghiệp quốc phòng dựa trên các công nghệ hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó có lĩnh vực hàng không với nguồn lực đầu tư tài chính lớn, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) lớn thứ 4 trên thế giới. Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), là một trong hai “ông lớn” sản xuất máy bay không người lái ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Với các nội dung mà Tập đoàn đã giới thiệu và qua trao đổi với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng đề nghị hai bên xem xét khả năng, thúc đẩy hợp tác phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi nước, nhất là hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Đông Duy