+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Tập trung lực lượng đi từng ngõ, gõ từng nhà để tiêm vaccine

11/12/2021 06:58

Nhiệm vụ thần tốc trong tháng 12 này mà Thủ tướng nhấn mạnh đó là hoàn thành tiêm mũi 2 cho người dân. Phải đi từng ngõ, gõ từng nhà người dân, không để tình trạng thiếu vaccine.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu chỉ đạo trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 10/12. Ông nhấn mạnh cần thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vaccine và thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn, giám sát việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vaccine, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vaccine, ai chưa tiêm buộc phải tiêm, ai cương quyết không tiêm thì phải xử lý bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật, ví dụ nếu không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, các địa phương đều khẳng định được phân bổ đủ vaccine và có đủ lực lượng để tiêm cho người dân. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nói tỉnh thực hiện nghiêm các quy định, vì vậy trong số hơn 7.000 ca mắc thời gian qua, hơn 92% không có triệu chứng hoặc thể nhẹ (điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động); chỉ 5% điều trị tại tầng 2 và 2,7% điều trị tầng 3; tỉ lệ tử vong là 0,6% – giảm mạnh so với trước đây.

Với tinh thần “tiêm vaccine nhanh một giờ là giảm nguy cơ một giờ”, hiện nay tại Sóc Trăng, tỉ lệ tiêm vaccine mũi một với người từ 18 tuổi là 97%, mũi hai là 88%; với người từ 12 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi một cũng đạt 97% và tới 15/12, sẽ cơ bản bao phủ cho nhóm này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thị Minh đề nghị các địa phương nghiên cứu, đẩy mạnh việc mở cửa trường học cho các em học sinh. Vừa qua, nhiều địa phương đã làm rất tốt việc đưa học sinh đi học trở lại.

Theo Thứ trưởng Minh, hiện ngành giáo dục có thể cập nhật từng trường hợp F0 trong trường, từng học sinh đã tiêm chủng theo giờ. Một số ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này để phụ huynh yên tâm đưa con em đi học; ngoài ra, việc kéo dài học trực tuyến có thể gây ra một số hệ quả không mong muốn như các bệnh lý không lây nhiễm, ảnh hưởng tới việc làm của phụ huynh, việc phát triển kinh tế-xã hội…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 10/12. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 10/12. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý những ngày gần đây dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc mới hằng ngày có xu hướng gia tăng, số ca tử vong tăng tại một số địa phương.

Ông chỉ ra một trong những nguyên nhân là một bộ phận người dân chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được và hiểu chưa đúng về hiệu quả của vaccine (sau khi tiêm vẫn có thể bị nhiễm nhưng giảm lây nhiễm, giảm tăng nặng và tử vong). Đa số các ca chuyển nặng và tử vong đều chưa được tiêm vaccine hoặc có bệnh nền. Năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được nâng cao nên người bệnh tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở còn hạn chế. “Tiến độ tiêm vaccine vẫn chưa đạt như mong muốn dù đã có bước nhảy vọt”, Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, còn nhiều dự báo, nhận định khác nhau về độ lây lan, động lực, tính chất kháng vaccine của chủng mới Omicron và không loại trừ việc tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới. Ông nhấn mạnh khi thích ứng an toàn, phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong.

Mục tiêu quan trọng khác là phấn đấu tới 15/12 hoặc chậm nhất tới 31/12 “phải hoàn thành bằng được việc tiêm mũi hai cho người từ 18 tuổi”. Cùng với đó, các đơn vị phấn đấu hết quý I/2022 hoàn thành tiêm mũi thứ ba, ưu tiên lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi, có bệnh nền. Việc tiêm mũi hai cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi phấn đấu hoàn thành trong tháng 1/2022.

Người dân Hà Nội tiêm vaccine Covid-19, tháng 9/2021. Ảnh: Giang Huy

Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.

Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết về “thích ứng an toàn” phù hợp với diễn biến từng thời kỳ và từng biến chủng. Các địa phương kiên trì thực hiện nhất quán trên toàn quốc các quy định về thích ứng an toàn, kiên trì thực hiện ba trụ cột trong chống dịch là cách ly, xét nghiệm, điều trị. Công thức chống dịch là “5K + vaccine + thuốc + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn về việc tự xét nghiệm.

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ tỉnh, thành không được ban hành các biện pháp trái quy định của Trung ương; trường hợp triển khai các quy định khác với nguyên lý chung hoặc nếu thấy các biện pháp của Trung ương không phù hợp thực tiễn thì báo cáo Ban chỉ đạo để điều chỉnh. “Chính phủ, Ban chỉ đạo luôn luôn mở về điều này”, Thủ tướng nói.

Các cơ quan tham mưu, triển khai việc khôi phục các đường bay quốc tế bảo đảm an toàn, theo kết luận của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 9/12.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 211 triệu liều vaccine phòng Covid-19; đã tiếp nhận 156,4 triệu liều; phân bổ 143,4 triệu liều; còn 13 triệu liều đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng.

Cả nước đã tiêm được 131 triệu liều; tỷ lệ bao phủ mũi một đạt 96% dân số trưởng thành; mũi hai đạt 77% dân số. 57 tỉnh, thành đang tiêm vaccine cho trẻ, đạt 6,4 triệu liều. 57% dân số từ 12 – 17 tuổi được tiêm mũi một; 13% được tiêm đủ liều.

Đình Tuấn

Bài mới
Đọc nhiều