Thủ tướng: Sớm đưa người lao động trở lại DN sản xuất an toàn
Thủ tướng lưu ý việc cấp bách, trọng tâm trong giai đoạn này là sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống của người lao động, cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đây là những nhiệm vụ cấp bách được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận tại hội nghị về quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam diễn ra chiều 16/10.
Sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp
Người đứng đầu Chính phủ nhắc đến mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, tuy nhiên, dịch Covid-19 lây lan mạnh, nhất là đợt dịch thứ 4, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống xã hội.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhìn nhận sự phối hợp giữa Chính phủ và TLĐLĐ Việt Nam đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động; đặc biệt là góp phần vào thành quả chung của cả nước trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài ghi nhận sự phối hợp hiệu quả này, Thủ tướng cũng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với những khó khăn, mất mát mà người lao động đã và đang gánh chịu trong thời gian qua.
Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, chúng ta không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và cũng không nên hoảng sợ, mất bình tĩnh.
Để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng lưu ý việc cấp bách, trọng tâm trong giai đoạn này là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống của người lao động, cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tạo điều kiện thuận lợi trong di chuyển, lưu thông
Thủ tướng đề nghị các cấp công đoàn tiếp tục phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó, cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Dứt khoát không để lỡ nhịp, không để nước ta tụt hậu”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị mỗi đoàn viên, người lao động là một chiến sĩ trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với TLĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí…
Về đề nghị tăng cường tiêm vaccine cho người lao động, Thủ tướng khẳng định Nhà nước đã và đang nỗ lực hết mình để có nhiều nhất, sớm nhất vaccine để tiêm miễn phí cho người dân; phấn đấu để cuối năm phủ vaccine cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó có công nhân, người lao động.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu phát triển quỹ đất, quỹ nhà ở cho công nhân; thúc đẩy hợp tác công tư để thúc đẩy nhanh chủ trương này.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động được tiếp cận hỗ trợ để ổn định cuộc sống, sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi, an toàn trong di chuyển, lưu thông; từng bước mở cửa trường học tại những nơi đảm bảo an toàn, trong đó lưu ý việc học tập của con em công nhân, nhất là khi phải di chuyển nơi ở, làm việc…
Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn tập trung vào việc chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung quan trọng.
Điển hình như việc cùng đồng hành phòng chống dịch; chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh, an sinh xã hội; phối hợp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan công nhân, lao động và tổ chức công đoàn, điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 và việc tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ 1/7 hàng năm.
Theo ông Khang, đến nay, gần 380.000 đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lao động và các đối tượng khác nhận hỗ trợ trên 15.800 tỷ đồng; hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động với kinh phí gần 7.500 tỷ đồng.
Minh Ngọc