Thủ tướng: Sau dịch Covid-19, cả thế giới biết đến Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, từ dân tộc không có tên trên bản đồ, tới nay cả thế giới ca ngợi Việt Nam trong phòng, chống Covid-19.
Chiều 8/6, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã họp tập trung và thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế – xã hội, ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Đặc biệt là nhìn nhận lại quá trình Việt Nam nỗ lực khống chế và dập dịch Covid-19.
“Tôi nảy ra ý quân đội vào cuộc phòng chống Covid-19”
Phát biểu về kết quả phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã có hàng vạn người từ nước ngoài đăng ký về Việt Nam để tránh dịch. Để có được kết quả tốt trong phòng chống dịch có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là có đối sách đúng, kịp thời, quyết liệt và hành động sớm.
“Ngày 29 Tết Nguyên đán khi tôi về Đà Nẵng vẫn liên tục nghe anh em báo cáo tình hình dịch tiếp tục phức tạp gia tăng. Trong khi cơ sở y tế có hạn vì còn chăm lo nhiều người bệnh khác, tôi đã nẩy ra ý chỉ có quân đội mới làm được việc này. Quân lệnh như sơn…”, Thủ tướng chia sẻ.
Sau khi ngăn chặn thành công dịch Covid-19, trong hơn 1 tháng qua, Thủ tướng đã trực tiếp xuống nhiều nhà máy, công trường để thấy những nơi này đã trở lại hoạt động bình thường, đây cũng là cố gắng rất lớn.
“Chính phủ chuẩn bị dự thảo Kết luận số 77 của Bộ Chính trị vừa ban hành cũng nêu ra mục tiêu kép là “vừa phòng chống dich và phát triển KT-XH. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng hợp sức, các cấp các ngành vào cuộc cùng tháo gỡ khó khăn sau đại dịch, cố gắng tăng trưởng GDP đạt 4-4,5% hoặc cao hơn”, Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá rất cao hàng loạt tỉnh thành như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai…tuyên bố không giảm chỉ tiêu tăng trưởng và sự quyết tâm này sẽ lan tỏa, thêm động lực phấn đấu cho các địa phương khác.
Đi vào giải pháp cụ thể, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, phải có những chủ trương, biện pháp tốt hơn nữa, sát hơn.
“Tháo gỡ khó khăn đầu tư, sản xuất kinh doanh, chống bệnh quan liêu xa dân, như anh Võ Trọng Việt nói là “rất tệ hại”. Phải làm mọi cách để mọi người dân, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhà đầu tư nước ngoài phát triển tốt hơn. Phải quyết tâm để đón nhận dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam, đây là yêu cầu rất lớn, trong bối cảnh nhiều nước đang khó khăn”, Thủ tướng nói.
Đón đầu xu thế dòng đầu tư mới vào Việt Nam
Cũng tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, đại biểu đoàn Hải Phòng nhìn nhận đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, đã có hiện tượng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, đây là giải pháp dài hạn chứ không thể trong ngắn hạn mà thu hút, đón đầu được ngay sự dịch chuyển đầu tư lớn từ Trung Quốc. Vì thực tế Trung Quốc có quá nhiều lợi thế như công nghệ phụ trợ, chất lượng lao động…
“Vì thế Việt Nam muốn đón nhận sự dịch chuyển phải có sự chuẩn bị tốt nhất và báo cáo Chính phủ cần nêu rõ các giải pháp nâng cao sức thu hút đầu tư của Việt Nam”, ông Thuận Hữu nói.
Ông Thuận Hữu cũng đặt ra tình trạng nhiều dự án đầu tư rất lớn nhưng do còn thiếu vốn, ách tắc trong đầu tư giai đoạn cuối nên dự án phải “đắp chiếu” như dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Nguyên nhân có nhiều nhưng trong đó có tình trạng “ngại” tháo gỡ. “Thủ tướng rất quyết liệt nhưng các ngành, địa phương vẫn chưa thực sự nhìn về một hướng.
Dự án “đắp chiếu” là mỗi ngày mất trắng một ôtô Toyota Camry”, ông Thuận Hưu lo ngại.
Cũng nói về dự án “đắp chiếu”, ông Thuận Hữu thẳng thắn nói: “Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông mà nói là “kỳ tích thế giới” thì thật không phải nhưng đúng là thực tế. Dự án được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ trước tuy nhiên đến nay cần có giải pháp, tập trung sức giải quyết dứt điểm”.
Nhìn nhận công tác phòng chống dịch Covid-19 thành công góp phần hạn chế thiệt hại về kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, có xu hướng hiện nay là “đúng vai, thuộc bài” ngày càng rõ nét. Do đó, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo trong giải quyết điểm nghẽn và ách tắc từ Trung ương đến Quốc hội, Chính phủ.
“Tôi mong Thủ tướng đi địa phương, Bộ ngành nhiều hơn nữa. Vì qua hoạt động của Thủ tướng giúp cho các địa phương có định hướng đi vào việc cụ thể, quan trọng là tháo gỡ những điểm nghẽn. Nếu không quyết liệt như vừa rồi thì bộ máy công quyền ách tắc, quan liêu, xa dân lắm”, ông Võ Trọng Việt khẳng định.
Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng cho rằng, 12 dự án “đắp chiếu” để khắc phục là rất khó khăn nhưng phải cương quyết giải quyết dứt điểm, dự án nào không được cũng phải cắt ngay.
Mặt khác, ông Võ Trọng Việt đánh giá tồn tại lớn hiện nay là “sức ì, tính dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong bộ máy các cấp là có vấn đề. Ông kiến nghị Bộ Chính trị cần nghiên cứu cơ chế chính sách, phân cấp, phân quyền để phát huy hiệu quả bộ máy. Vị chủ nhiệm dẫn ví dụ đường sắt cao tốc Bắc – Nam nếu quyết tâm làm thì đến nay có thể đường đi vào hoạt động. “Cái gì vì lợi ích quốc gia thì mình phải bảo vệ cương quyết và phải làm, nếu không sẽ mất cơ hội”, ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Xử lý dự án thua lỗ, chậm tiến độ cần cẩn trọng
Trước các ý kiến của đại biểu về ách tắc trong đầu tư công, Thủ tướng cho biết, vừa qua ông đã có thư gửi đến Bí thư, Chủ tịch các tỉnh thành và nhiều Bộ trưởng yêu cầu tập trung chỉ đạo xử lý vấn đề đầu tư công tại địa phương mình, ngành mình. Theo đó, tới đây sẽ trình ra Quốc hội cơ chế “năm nay bộ nào, địa phương nào không giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ điều chuyển vốn đi chỗ khác”; đồng thời xử lý nghiêm vi phạm.
Về 12 dự án thua lỗ, Thủ tướng cho biết, từ năm 2015, Báo Nhân dân đã có loạt bài cảnh báo về những khó khăn của các dự án này. Tuy nhiên, để giải quyết tồn tại của 12 dự án là không dễ dàng và những khuyết điểm trong dự án thua lỗ có phần do chưa có kinh nghiệm kinh tế thị trường.
“Chúng ta cùng phải chịu trách nhiệm. Kinh tế thị trường cái giá đó không phải bình thường. Mấy dự án Nhà máy Ethanol, dự án ngành dầu khí để lại không khắc phục nổi. Rồi dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, một đống sắt gỉ bây giờ thì làm sao có thể khắc phục được các đồng chí? Khó khắc phục, chậm khắc phục. Việc này cần có thời gian tiếp tục thúc đẩy giải quyết”, Thủ tướng bày tỏ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Đảng, nhà nước phải có chương trình để khắc phục các dự án thua lỗ nhưng phải chặt chẽ, đúng pháp luật. “Đừng để mất cán bộ rồi giờ tiếp tục mất cán bộ nữa do sơ suất khi vận dụng pháp luật”, Thủ tướng nói.
Đáng chú ý về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, người đứng đầu Chính phủ cho biết, tồn tại dự án là được chỉ định thầu từ trước khi khởi công, chưa nói đến mặt bằng, an toàn, giám sát, những vấn đề phức tạp khác.
“Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, các đồng chí biết an toàn quan trọng nhất thì họ chẳng bàn giao hồ sơ an toàn cho mình. Một số phái đoàn đã tới Bắc Kinh thảo luận. Sắp tới đây cũng có thể bàn dứt điểm được. Cố gắng trước đại hội có thể chạy được tuyến này thì may mắn. Khó khăn lắm, mất thời gian về chuyện này rất lớn”, Thủ tướng chia sẻ.
Phi Long/ VOV