Thủ tướng: Sau chiến tranh, nếu Việt Nam không có nhiệt điện than làm sao phát triển?
Chiều 31/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Tại đây, Thủ tướng nêu rõ những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt và cam kết ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông nêu rõ ứng phó với biến đổi khí hậu là xu thế, và với vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam phải có cam kết mạnh mẽ với chủ đề của Hội nghị COP26, ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, cho dù đất nước còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng kể từng có dịp tranh luận với Chủ tịch COP xung quanh chủ đề giảm phát thải, với quan điểm việc chuyển đổi các nguồn năng lượng ở Việt Nam phải có bước đi phù hợp điều kiện, tình hình đất nước, giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người lao động.
“Vì sao tôi phải tranh luận?”, Thủ tướng nói và giải thích Việt Nam từng trải qua chiến tranh, quá trình phát triển đất nước thiếu công nghệ năng lượng, thiếu điện, “nếu không xây dựng điện than thì làm sao phát triển, thủy điện cũng chỉ khai thác có hạn”.
Ông đơn cử vòng đời của một nhà máy từ 10-20 năm, khi chuyển đổi sang nguồn năng lượng mới sẽ phải có lộ trình giải quyết hợp đồng với nhà đầu tư và với người lao động tham gia khai thác than. Số lao động ngành than lên tới hơn 100.000 người. “Nhưng không vì khó khăn mà Việt Nam không đưa ra cam kết với quốc tế, không đưa ra lộ trình hướng tới năm 2050 đưa lượng phát thải về 0. Nếu nói rằng khó lắm, chúng tôi không làm được thì làm sao giành được sự tôn trọng của các nước”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ cam kết của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu. Video: Võ Thành
Cũng trong cuộc gặp kiều bào tại Anh, Thủ tướng cho biết ông vừa tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị liên quan, trong đó lần đầu tiên đại diện Vương quốc Anh tham dự.
Tại Hội nghị có ba vấn đề được quan tâm là phòng chống Covid-19, khôi phục kinh tế và tình hình Biển Đông. Trước đây không nhiều ý kiến tại các hội nghị tương tự nêu vấn đề Biển Đông, song lần này ý kiến các bên, bao gồm các nước lớn đều đề cập.
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ quan điểm của Việt Nam là mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đường ngoại giao, trên cơ sở luật pháp quốc tế; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. “Chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh và được các nước ủng hộ”, ông nhấn mạnh.
Đề cập đến việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng nói “tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về vấn đề nhân quyền”. Theo ông, “nhân quyền lớn nhất của chúng ta là có cơm ăn, áo mặc cho 100 triệu người dân, là ổn định chính trị, là trong quá trình phát triển không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Về phòng chống dịch, Thủ tướng nói trong năm 2021 đất nước đối mặt với mặt đợt bùng phát dịch thứ 4, song đến nay đã vượt qua được giai đoạn cam go nhất và qua đó thêm trưởng thành, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đúc kết được các phương châm, công thức phòng chống dịch. Đó là các trụ cột cách ly hẹp, xét nghiệm thần tốc, điều trị từ sớm, từ xa, và 5K + vaccine.
Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tại Vương quốc Anh, lãnh đạo Chính phủ lưu ý các cơ quan đại diện ngoại giao phải luôn lắng nghe, chia sẻ, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh và kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi đồng bào gặp khó khăn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số để thuận tiện nhất trong việc thực hiện các thủ tục cho bà con.
Ông mong muốn cộng đồng người Việt tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.
“Người Việt Nam, dù ai ở đâu trên trái đất này cũng là con Lạc cháu Hồng, phải có trách nhiệm bảo vệ họ khi cần. Chúng ta xác định con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, là động lực và là mục tiêu cho sự phát triển, mọi người Việt Nam dù trong hay ngoài nước đều được đối xử như vậy”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo dự kiến, lúc 12h ngày 1/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao COP26, và có bài phát biểu tại Hội nghị lúc 15h15 cùng ngày.
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) thu hút khoảng 30.000 đại biểu từ các nước thành viên, trong đó hơn 100 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế, thể chế tài chính lớn, các tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ.
Trên cương vị Chủ tịch COP26, Anh kỳ vọng hội nghị huy động đủ 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển; khuyến khích các nước đưa ra chiến lược dài hạn hướng tới phát thải ròng bằng “0”…
Kim Oanh