Thủ tướng: Sản xuất vắc-xin trong nước có tính chiến lược, phải thực hiện bằng được
Thủ tướng cho rằng, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin ở trong nước có tính chất chiến lược, phải thực hiện bằng được để chủ động nguồn vắc-xin phòng COVID-19 tiêm phòng cho nhân dân và tiết kiệm kinh phí.
Chủ động nguồn vaccine và tiết kiệm kinh phí
Sáng 7/6, làm việc với các nhà khoa học, đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin về công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, “chiến lược vắc-xin” là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định để thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Trong năm nay Việt Nam phải có đủ vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm cho 75 triệu người dân; những năm tiếp theo vẫn cần lượng lớn vắc-xin để tiếp tục tiêm phòng cho nhân dân.
Tuy nhiên, việc tiếp cận vắc-xin phòng COVID-19 trên thế giới không phải là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhiều trên thế giới, năng lực sản xuất vắc-xin có hạn. Do đó, Thủ tướng cho rằng, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin ở trong nước có tính chất chiến lược, phải thực hiện bằng được để chủ động nguồn vắc-xin phòng COVID-19 tiêm phòng cho nhân dân và tiết kiệm kinh phí.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế pháp lý để việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin không bị chậm trễ; huy động tối đa các nguồn lực tài chính vào nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin, trong đó cơ chế công-tư là chủ đạo, trên nguyên tắc hài hòa, hợp lý, hiệu quả lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Hai doanh nghiệp đang đàm phán để chuyển giao công nghệ
Thủ tướng giao Bộ Y tế thực hiện quản lý Nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin, dự báo tình hình cung cầu để điều tiết về mặt vĩ mô trong công tác sản xuất, cung ứng, tiêm vắc-xin theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo báo cáo, đề xuất của Chính phủ với Bộ Chính trị, Quốc hội về cơ chế tài chính, nguồn lực con người, quy trình chuyển giao, sản xuất vắc-xin.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu, soạn thảo đề xuất chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học, chuyên gia, lập trung tâm nghiên cứu vắc-xin, đảm bảo bản quyền vắc-xin; giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, xây dựng cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, điều kiện chi tiêu và giá cả vắc-xin phòng COVID-19…
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19, trong đó, 1 ứng viên vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 2, đang chuẩn bị triển khai TNLS giai đoạn 3 (vắc-xin Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen); 1 ứng viên vaccine đang TNLS giai đoạn 1 (vắc-xin COVIVAC của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang).
Về quy mô sản xuất của 2 cơ sở trên đạt từ 30-40 triệu liều/năm, có thể nâng công suất khi được đầu tư. Hiện, cũng có 2 doanh nghiệp khác ở trong nước đã tiếp cận, đang đàm phán với đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin COVID-19, với quy mô sản xuất từ 200 đến 300 triệu liều/năm.
Văn Kiên