+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: “PVN cần tái cấu trúc để tối đa giá trị”

11/01/2021 19:31

Chiều 11/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. 

Mặc dù năm 2020 là năm khó khăn nhất đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đặc biệt là giá dầu giảm sâu do đại dịch COVID-19, nhưng Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Song, trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng cho rằng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cần tái cấu trúc mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động, nhất là cần tối đa giá trị thay vì thỏa mãn với những kết quả đạt được trong năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo báo cáo của Tập đoàn, năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành dầu khí Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Giá dầu thô giảm sâu chưa từng có trong lịch sử, có thời điểm vào tháng 4/2020, giá dầu giảm xuống âm 37 USD/thùng.

Tuy nhiên, với nỗ lực của ngành, năm 2020, Tập đoàn hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, hoàn thành kế hoạch cả năm gia tăng trữ lượng dầu khí trước 6 tháng, năm 2020 đạt 15 triệu tấn quy dầu. Có hai phát hiện dầu khí lớn là Kè Bầu và Sói Vàng. Sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 26 ngày, đạt gần 11,5 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3. Với giá dầu thô năm 2020 đạt 43,8 USD/thùng, thì mức giá này chỉ bằng 73% so với kế hoạch năm ở mức 60 USD do Quốc hội thông qua.

Với nỗ lực vượt khó khăn, Tập đoàn vẫn đóng góp 83 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, đạt trên 100% kế hoạch giao. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, là tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực, cao Tập đoàn vượt qua nhiều thử thách của 2020, năm khó khăn nhất bằng bản lĩnh vững vàng. Trong những thành công quan trọng của đất nước 5 năm qua, nhất là năm 2020, có sự đóng góp quan trọng của ngành dầu khí và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Gần 60.000 cán bộ, công nhân viên, kỹ sư, cán bộ các cấp, ngày đêm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Thủ tướng đánh giá, công tác thăm dò đạt kết quả tốt, phát hiện một số mỏ mới, đảm bảo cung cấp khí đốt cho nhu cầu công nghiệp và dân dụng trong thời gian dài, đồng thời đang tìm kiếm thăm dò một số mỏ mới. Tháng 12 năm ngoái đã phát hiện thêm mỏ dầu mới.

Tập đoàn đã tháo gỡ khó khăn một bước cho các đơn vị thành viên, nên không chỉ nhiều đơn vị trong tập đoàn hoạt động rất hiệu quả, như PVGas, PV Power, các nhà máy đạm. Nhiều đơn vị từ chỗ gặp khó khăn, nay đã lấy lại được đà tăng trưởng mới trong bối cảnh trạng thái bình thường mới. Hoạt động kinh doanh gắn với bảo vệ an ninh biển đảo được thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn; nộp ngân sách nhà nước 83 nghìn tỷ đồng, luôn là đơn vị đứng thứ 2 trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Nêu một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Tập đoàn thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Tập đoàn cần tiếp tục xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn liền công tác chính trị tư tưởng với công tác cán bộ để toàn đảng bộ có sức sống mới, vượt qua khó khăn, theo hướng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ 5 năm tới.

“Về Kế hoạch 2021-2025, các đồng chí cần phát huy tối đa nguồn lực, kinh nghiệm và quan hệ của doanh nghiệp có vai trò đầu tàu của nền kinh tế, trở thành đơn vị kiểu mẫu trong việc hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Khẩu hiệu của Tập đoàn là: Quản trị biến động, tối đa giá trị, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội, liên kết đầu tư, phục hồi tăng trưởng. Khẩu hiệu này bao quát nhất. Tối đa giá trị chứ không thỏa mãn với giá trị đạt được. Tất cả giám đốc ngồi đây đều phải tối đa giá trị. Cho nên các đồng chí là doanh nghiệp sở hữu chuỗi giá trị và ảnh hưởng quyết định đến tổng thể nền kinh tế và an ninh năng lượng. Các đồng chí là tập đoàn nắm giữ từ khâu thăm dò khai thác, chế biến, phân phối và sản xuất sản phẩm cuối cùng là xăng dầu, hạt nhựa, đạm. Chính vì thế, các đồng chí cần khắc phục tồn tại, trước hết cần xử lý các dự án thuộc 5/12 dự án còn chậm chạp, chưa chuyển biến, chưa giải pháp đột phá”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn khắc phục trong chỉ đạo các dự án nhóm A triển khai chậm, giải ngân thấp. Cần tập trung giải quyết tình trạng còn nhiều đơn vị  hoạt động chưa thực sự hiệu quả, bộ máy còn cồng kềnh.

Theo đó, cần tái cấu trúc mạnh mô hình quản lý đảm bảo tinh gọn, hiệu quả hơn, tập trung nguồn lực hơn. Lãnh đạo hội đồng thành viên xem xét mô hình hoạt động của một số xí nghiệp thành viên, tránh trùng lặp, hiệu quả kém. Trong quá trình tái cấu trúc có vấn đề liên quan đến nhân sự, con người nên cần có phương án chặt chẽ thay vì chỉ “rung cây nhắc khỉ”.

Cùng với việc tái cấu trúc đó, Tập đoàn cần tạo sự ổn định để phát triển, phát huy sức mạnh và có khả năng cạnh tranh của một công ty đa quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Các đồng chí đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp với tinh thần tái cấu trúc mạnh mẽ để đạt quy mô và hiệu quả. Vì vấn đề quy mô mà chúng ta có Vinashin thất bại, vì quy mô mà chúng ta không quản lý nổi. Các bài học kinh nghiệm của thế giới và trong nước chúng ta cần lưu ý trong phát triển để có một sự phát triển bền vững, hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, nhân dân. Như vậy không chỉ sản xuất kinh doanh mà xây dựng Đảng càng phải được chú trọng, công tác chính trị tư tưởng càng phải được quan tâm. Đảm bảo an ninh an toàn trong mọi trường hợp, nhất là các doanh nghiệp tự động hóa cao như Nghi Sơn, Dung Quất và nhiều nhà máy khí, đạm, điện khác”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn tập trung cho nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ cho sản xuất kinh doanh, sản phẩm mới, chất lượng cao, nhất là tận dụng các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia để sản xuất “cái người ta cần”.

Vũ Dũng/VOV

Bài mới
Đọc nhiều