Thủ tướng phê bình 8 địa phương vì chống dịch Covid-19 chưa nghiêm
Cùng với 5 địa phương khác, Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bị Thủ tướng phê bình, yêu cầu chấn chỉnh trong công tác chống dịch, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân làm lây lan dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện gửi các bộ ngành và chủ tịch UBND, chủ tịch MTTQ tỉnh, thành phố yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định đến nay, dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường. Thực tế, nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là giám sát thực hiện quy định 5K, đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người.
6 địa phương được biểu dương, 8 nơi bị phê bình Trong điều kiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu tập trung nhiều nhiệm vụ.
Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo, yêu cầu về phòng, chống dịch. “Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, công điện của Thủ tướng nêu rõ.
Các đơn vị cũng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm để chủ động, sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch sao cho hiệu quả nhất.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Song, người đứng đầu Chính phủ cũng phê bình, nhắc nhở, yêu cầu Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng.
Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang cần rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.
Công điện của Thủ tướng nêu rõ bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh.
Tổ công tác liên ngành gồm 5 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.
Xin ý kiến Chính phủ về tình huống có 30.000 ca mắc Covid-19 Quán triệt tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt, Thủ tướng cho rằng mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế – xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.
Với lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch, Thủ tướng lưu ý cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, xả thân, cống hiến. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp.
Về việc đảm bảo vaccine tiêm phòng dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vaccine còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vaccine này nhanh nhất, công bố trên thông tin đại chúng để nhân dân biết và giám sát.
Bên cạnh đó, rà soát, xem xét tiếp cận nhiều nguồn vaccine nhất có thể để chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính cạnh tranh và các sinh phẩm xét nghiệm mới, hiện đại; tập trung đàm phán với các đối tác, tận dụng mối quan hệ, tổ chức mua và kiểm soát được nguồn cung cấp, chất lượng, giá vaccine và các sinh phẩm xét nghiệm một cách công khai, minh bạch.
Thủ tướng lưu ý cần có cơ chế, chính sách và các giải pháp kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp và người dân tham gia xã hội hóa trên cơ sở đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. “Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua bán, sử dụng vaccine”, Thủ tướng quán triệt.
Đặc biệt, Bộ Y tế được giao xây dựng báo cáo và tờ trình xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 5 cho một số chủ trương lớn, trong đó chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca nhiễm Covid-19, để từ đó có cơ sở thực hiện mua trang thiết bị dự trữ; phương án thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vaccine.
Hoài Thu