Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quảng Nam phát huy tinh thần tự lực, tự cường để phát triển KTXH
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Quảng Nam phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh…
Nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến ngành GTVT
Chiều 27/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng đi và làm việc với đoàn công tác.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Sau 25 xây dựng và phát triển, Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực và đóng góp 14% vào ngân sách Trung ương từ năm 2022.
Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.773 tỷ đồng, gấp hơn 102 lần so với năm 1997. Kinh tế phát triển toàn diện, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt 9,2%/năm.
Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư và từng bước đồng bộ, nhất là hệ thống đường ven biển gắn với sân bay và hệ thống cảng biển Chu Lai được hình thành.
Các chương trình, dự án đầu tư có trọng điểm, đạt nhiều kết quả trên tất cả các ngành, lĩnh vực, rõ nét nhất là hạ tầng giao thông, với nhiều công trình quan trọng, có tính chất liên vùng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thúc đẩy lan toả phát triển từ đô thị đến nông thôn, kết nối giữa đồng bằng ven biển và miền núi, cũng như giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung.
Để tháo gỡ những điểm “nghẽn, trở ngại” trong phát triển, ông Thanh đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án đặc thù riêng cho bảo tồn và phát huy đô thị cổ Hội An, Đề án xã hội hoá quản lý khai thác, phát huy di tích Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hoá, mua lại các ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân là các di tích có giá trị đặc biệt, loại 1, loại 2 trong khu phố cổ, các di vật có liên quan đến khu phố cổ Hội An, trưng mua lại các vật chứng xây dựng bảo tàng văn hóa Chăm – Mỹ Sơn.
Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Nam được sử dụng toàn bộ nguồn thu phí tham quan của 2 di sản được để lại để chi đầu tư (bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, bảo vệ môi trường, hạ tầng) và chi hoạt động (văn hóa nghệ thuật, quảng bá, phát triển du lịch, chi cho bộ máy các đơn vị sự nghiệp xúc tiến du lịch của thành phố Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn).
Về dự án nạo vét sông Trường Giang (60km dọc theo bờ biển, xây 6 cầu qua sông), Quảng Nam mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư để kịp thực hiện các bước tiếp theo theo đúng tiến độ đã cam kết với Ngân hàng Thế giới, nhằm tạo động lực phát triển đô thị, du lịch, vận tải thuỷ kết hợp thoát lũ thành phố Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, huyện Thăng Bình.
Đối với sân bay Chu Lai, ông Thanh đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng Đề án xã hội hoá đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không Chu Lai với các chức năng theo quy hoạch được duyệt. Cho phép xây dựng cơ chế hoạt động của Khu phi thuế quan Tam Quang gắn với Cảng hàng không Chu Lai.
Ông Thanh cho hay: Về hệ thống Cảng biển Quảng Nam – Cảng Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cảng loại 1 và đã thống nhất cho phép đầu tư xây dựng luồng mới Cửa Lở cho tàu 5 vạn DWT.
Vì vậy, Quảng Nam đề nghị Chính phủ cho phép lập báo cáo đề xuất Dự án xã hội hoá đầu tư, quản lý vận hành luồng cảng Chu Lai mới (luồng Cửa Lở) cho tàu 5 vạn tấn đủ tải vận hành; gắn với hệ thống bến Tam Hòa – Tam Hiệp, Khu phi thuế quan Tam Hoà và khu logistics phục vụ hoạt động cảng container theo hướng nhà đầu tư thực hiện đầu tư 100% và quản lý vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT phê duyệt trước Quy hoạch chi tiết mặt đất, mặt nước hệ thống cảng biển Quảng Nam để có cơ sở sớm triển khai các thủ tục đầu tư nêu trên.
Trong trường hợp không phê duyệt riêng được, Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện các thủ tục song song. Cùng với đó, thống nhất bổ sung quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai.
Quảng Nam tiếp tục phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận những đề xuất, kiến nghị của Quảng Nam đều xuất phát từ thực tiễn.
Những điểm nghẽn, trở ngại của tỉnh Quảng Nam đều vướng vào cơ chế, thể chế, chính sách cũng như các tỉnh/thành khác trong cả nước.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ, giải quyết những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền, không để những “điểm nghẽn, trở ngại, vướng mắc” kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng khắc phục cho bằng được, giải quyết dứt điểm những bất cấp, hạn chế theo từng vấn đề cụ thể.
Đối với Cảng hàng không Chu Lai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phân công một Thứ trưởng làm tổ trưởng cùng phối hợp với địa phương, Bộ quốc phòng và các bộ, ngành liên quan để xử lý theo tinh thần, nội dung đề xuất của tỉnh Quảng Nam. Về đề xuất dự án nạo vét sông Trường Giang, Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam phải xây dựng đề án một cách cụ thể.
Gợi mở những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ cho rằng với tinh thần tự lực tự cường, Quảng Nam tập trung sự chỉ đạo, lãnh đạo, nguồn lực để giải quyết từng nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm.
“Tiềm năng phát triển chúng ta có và đang phát huy, nên tư tưởng chỉ đạo phải phát huy tiềm năng, cơ hội để nâng cao hiệu quả và tạo ra những cơ hội, thuận lợi, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, nhằm phát triển nhanh, bền vững.
Giai đoạn tới, Quảng Nam phải tự lực, tự cường hơn nữa, phát huy nội lực để phát triển Quảng Nam trên tất cả các lĩnh vực. Trong quá trình phát triển phải đặt trong sự vận động.
Quá trình phát triển bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, để điều chỉnh sự phát triển, mục tiêu, chính sách, giải pháp một cách linh hoạt”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tùng Lâm