“Để không ai bị bỏ lại phía sau, tất yếu phải đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước ta về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, dứt khoát không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự lễ khánh thành và động thổ dự án nhà ở xã hội, hướng tới mục tiêu cung cấp nhà ở cho hàng trăm nghìn người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo đó, ngày sau khi dự lễ động thổ khu công nghiệp Vsip 3 Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đến dự lễ động thổ dự án nhà ở xã hội do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Tổng công ty Becamex IDC chính thức khánh thành khu 2 nhà ở xã hội và tiếp tục động thổ xây dựng 20.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thành phố mới Bình Dương, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng.
Đề án nhà ở xã hội Becamex IDC với quy mô ban đầu 120.000 căn, phục vụ nhu cầu an cư của hơn 300.000 người với giá ưu đãi từ 100 – 200 triệu đồng/căn hộ (30 m2 sàn) kết hợp cho vay mua nhà đã thu hút hàng chục nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước ta về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, dứt khoát không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2023, trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Chính phủ cũng vừa ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở quốc giai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đáp ứng nhu cầu với giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
“Thời gian qua, tỉnh Bình Dương có bước phát triển rất nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từ một tỉnh có tỉ trọng nông nghiệp trên 90% sang tỉnh công nghiệp có cơ cấu sản phẩm công nghiệp lên đến trên 60%, dịch vụ trên 35%. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đến nay, Bình Dương có hơn 1,6 triệu lao động. Lực lượng lao động này có nhu cầu rất lớn về nhà ở, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 vừa qua càng cho thấy điều này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Để không ai bị bỏ lại phía sau, tất yếu phải đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Nhà ở xã hội nên chia phân khúc theo trình tự thời gian, diện tích ít hơn dành cho người lao động chưa ổn định, diện tích lớn hơn dành cho người đời sống đã cải thiện để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, phải làm sao xây nhà phải đẹp, thoáng mát nhưng giá phải rẻ. Đặc biệt, quy hoạch nhà ở xã hội cần phải đảm bảo đủ các yếu tố giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí”.
Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, giải pháp và kết quả của Bình Dương trong phát triển nhà ở xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ để tạo đột phá về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân, người lao động. Muốn vậy, phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và điều kiện.
Thủ tướng đã trực tiếp đi khảo sát khu nhà ở xã hội Becamex IDC Định Hòa tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, thăm hỏi đời sống của người dân đang sinh sống tại đây.
Thủ tướng cho rằng các căn hộ hiện tại về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của các gia đình nhỏ, nhưng trong tương lai, cần quan tâm mở rộng diện tích các căn hộ với điều kiện sống tốt hơn nữa, đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa- xã hội… đồng bộ, hoàn chỉnh hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển và mong muốn, nhu cầu của người lao động.
Thủ tướng cũng mong muốn các kinh nghiệm tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển nhà ở xã hội sẽ được phát huy và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Trong số khoảng 1 triệu lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương, có khoảng 480.000 người đã có nhà ở ổn định (mua nhà riêng, mua nhà ở xã hội, ở cùng gia đình hoặc người thân di cư).
Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, đáp ứng khoảng gần 50.000 người. Số còn lại khoảng 470.000 người lao động đang phải thuê nhà để ở. Thực tế, khả năng mua được nhà đối với nhiều người lao động rất khó khăn tiền lương phải chi trả nhiều thứ, tiền tích lũy ít.
Tùng Lâm