Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta nỗ lực hành động hết sức mình để ngăn chặn chiến tranh, xung đột vũ trang, để các dân tộc trên thế giới không bao giờ còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề, đau thương do chiến tranh và xung đột vũ trang gây ra, như đã từng xảy ra tại Việt Nam trong thế kỷ XX.
Sáng ngày 17/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, đã dự, chỉ đạo Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025.
Cùng dự Hội nghị có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; các đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
Quan tâm, ưu tiên tốt nhất có thể cho nhiệm vụ nhân văn cao cả, sâu sắc này
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia, trước khi ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (năm 2010), mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước.
Các báo cáo và ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhận định, sau 10 năm thực hiện Chương trình, những kết quả tích cực đạt được đã mang lại cuộc sống an toàn hơn cho người dân, đồng thời góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Ngân sách nhà nước đã quan tâm, ưu tiên tốt nhất có thể, trong điều kiện còn khó khăn nhưng vẫn bố trí nguồn lực khá lớn cho nhiệm vụ nhân văn sâu sắc, cao cả này. Việt Nam cũng đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội và đặc biệt là huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Nhiều dự án về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Na Uy, Đức, Australia, Nga… và các tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc như UNDP, UNICEF… và nhiều tổ chức, nhà tài trợ quốc tế khác, các cá nhân đã thực hiện thành công ở Việt Nam. Giai đoạn 2010-2020, tổng kinh phí cho công tác này là hơn 12 nghìn tỷ đồng, gồm ngân sách trong nước hơn 10 nghìn tỷ đồng và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hơn 2 nghìn tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500.000 ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn, vật nổ. Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ.
Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người dân ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng được tiếp cận với các phương pháp phòng tránh tai nạn bom mìn. Số vụ tai nạn bom mìn giảm đáng kể, nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra tai nạn do bom mìn sau chiến tranh.
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Evans Knapper đánh giá cao những thành tựu khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam với nhiều bài học hay, kinh nghiệm tốt mà Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, đối tác quốc tế. Ông khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam phát triển vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, đánh giá việc phối hợp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong công tác này là “phi thường”. Ông cũng nhận định Việt Nam luôn tích cực tham gia, dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu để loại bỏ bom mìn sau chiến tranh, góp phần thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới, vì một tương lai mà “người nông dân có thể canh tác trên cánh đồng, các bậc cha mẹ có thể con chơi ngoài trời mà không phải lo lắng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, trên 82% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, cao nhất trong toàn quốc. Từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, Quảng Trị có trên 1,2% dân số là nạn nhân bom mìn, trong đó 31% nạn nhân là trẻ em. Tỉnh có trên 6% dân số là người khuyết tật, trong đó hơn 9.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Trong giai đoạn 1975-1995, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 100 người trở thành nạn nhân của bom mìn, nhưng đến giai đoạn 2005-2015 đã giảm xuống còn trung bình 10 nạn nhân mỗi năm và đặc biệt từ đầu năm 2018 đến nay, đã tròn 4 năm Quảng Trị không có tai nạn bom mìn xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, ông cho biết, ngay chiều qua, ngày 16/2, một người dân Quảng Trị đã thiệt mạng do bom mìn sót lại sau chiến tranh khi xây dựng nhà ở.
Nhiều vùng đất được mệnh danh là “đất chết” do ô nhiễm bom mìn nay đã hồi sinh. Các chương trình, dự án đã rà phá trên 25.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn nặng; hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân bom mìn…
Theo ông Hoàng Nam, Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu sau năm 2025 là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn và vật nổ sót lại sau chiến tranh. Với mục tiêu này, không có nghĩa là tất cả bom mìn được rà phá hết, mà hướng đến việc hoàn thành khảo sát, lập bản đồ các khu vực nghi bị ô nhiễm bom mìn, 100% người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các hỗ trợ để sống và làm việc an toàn, không xảy ra các tai nạn bom mìn. Các loại bom mìn nguy hiểm nhất đều được xử lý. Các khu vực ô nhiễm bom mìn cao có nhu cầu sử dụng đất được rà sạch. Các khu vực còn lại được kiểm soát và xử lý theo thứ tự ưu tiên…
Hiểm họa hằng ngày đối với người dân, vấn đề nhức nhối của đất nước
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc để có được hòa bình như ngày hôm nay.
Nhưng cho dù chiến tranh đã lùi xa, người Việt Nam được sống trong hòa bình thì hậu quả của những cuộc chiến ấy vẫn tồn tại. Không chỉ để lại hậu quả nặng nề về con người, chiến tranh còn có sức tàn phá ghê gớm đối với môi trường, với chất độc hóa học, bom mìn đã rải xuống tất cả các khu vực, các vùng miền của Việt Nam, hủy hoại môi trường sống của con người và thiên nhiên. Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn, chất độc hóa học vẫn còn sót lại và ở khắp mọi nơi, kể cả thành thị và nông thôn, biên giới, hải đảo, đồng ruộng và sông ngòi.
“Bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam là hiểm họa hàng ngày đối với người dân, là vấn đề nhức nhối của đất nước, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, cản trở sự phát triển bình thường của kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn. Ngay chiều qua thôi, tại Quảng Trị, vẫn có người thiệt mạng vì bom mìn sau chiến tranh. Đây là hậu quả rất nặng nề, bởi mất mát về con người là không thể bù đắp được”, Thủ tướng nói. Ông cũng nhắc tới những lần đi thăm, làm việc và tận mắt chứng kiến những hậu quả nặng nề của chiến tranh tại các trại trẻ mồ côi, tàn tật, các cơ sở chăm sóc thương binh, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai)…
Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1975 đến nay, đã có hơn 40.000 người bị chết và 60.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra, chưa kể hậu quả chất độc da cam. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tích, thương tật suốt đời.
Thủ tướng nêu rõ, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn, chất độc da cam nói riêng. Việc ban hành Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ổn định cuộc sống người dân, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam, hàn gắn vết thương chiến tranh để lại.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình 504, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai thực hiện hiệu quả và thu được một số kết quả quan trọng.
Báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về công tác khắc phục hậu quả bom mìn toàn cầu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 năm 2021 đã đánh giá cao kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam trong thời gian qua. Chương trình hành động bom mìn của Việt Nam đã thí điểm xây dựng dựa trên các tiêu chí về nhân đạo và phát triển phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật Nhân đạo quốc tế.
Việt Nam thực hiện đầy đủ các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, đồng thời tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khắc phục hậu quả bom mìn do Việt Nam khởi xướng và chủ trì đã được đánh giá rất cao.
Từ những kết quả đạt được nêu trên, Thủ tướng nêu rõ những kinh nghiệm quý. Theo đó, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội. Nhưng kết quả đạt được còn nhờ kịp thời xây dựng hành lang pháp lý và kế hoạch một cách đồng bộ nhằm tổ chức thực hiện thống nhất, đồng thời quản lý và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả và tiết kiệm.
Hệ thống tổ chức quản lý khắc phục hậu quả bom mìn từ Trung ương đến địa phương được hình thành, tạo sự gắn kết đồng bộ, tổng thể, liên thông đồng thời phối hợp chặt chẽ trong hành động. Cùng với đó, hoạt động hợp tác quốc tế và hoạt động vận động tài trợ khắc phục hậu quả bom mìn được triển khai hiệu quả, nhất là với những nước có quan hệ đối tác toàn diện, những nước có trách nhiệm với Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh.
Thay mặt Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, Thủ tướng biểu dương và chúc mừng những thành công trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh hơn 10 năm qua. Thủ tướng cũng bày tỏ lòng cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng. Thủ tướng gửi lời chia sẻ, thăm hỏi sâu sắc nhất tới các địa phương, gia đình phải chịu hậu quả do chiến tranh để lại và nhất là do bom mìn gây ra sau chiến tranh.
Đưa Việt Nam sớm không còn bom mìn sau chiến tranh
Bên cạnh kết quả quan trọng, công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn những khó khăn, hạn chế, kết quả còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Chưa đạt được chỉ tiêu diện tích rà phá bom mìn làm sạch đất đai (tỉ lệ hoàn thành mới đạt gần 70%). Việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước cho khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh chưa được tập trung. Hoạt động rà phá bom mìn chưa thực sự gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân: Diện tích đất đai ô nhiễm lớn, tính chất ô nhiễm phức tạp; công nghệ và trang bị rà phá hạn chế, do đó tiến độ rà phá làm sạch đất đai còn chậm; nguồn lực bố trí cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; chưa huy động và sử dụng được một cách tối đa nguồn lực quốc tế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành và chưa đồng bộ.
Theo Thủ tướng, hiện nay, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn rất lớn (khoảng 5 triệu ha, chiếm hơn 17% diện tích đất đai cả nước), công việc nhiều, phức tạp, yêu cầu cao nhưng thời gian có hạn, nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn còn hạn chế.
“Tôi đề nghị chúng ta với tinh thần nhân văn và trách nhiệm cao nhất, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại để công tác khắc phục hậu quả bom mìn đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Làm việc gì cũng cần nguồn lực, nhưng cùng với đó là sự an ủi, chia sẻ, đồng cảm, cộng đồng trách nhiệm của bạn bè, đối tác quốc tế, như phát biểu của Đại sứ Mỹ, của Giám đốc KOICA Hàn Quốc tại Hội nghị hôm nay, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để những tình cảm này mang lại kết quả, sản phẩm cụ thể nhiều hơn, thiết thực hơn”, Thủ tướng phát biểu.
Trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là rất nặng nề, phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là kế hoạch sử dụng đất đai tại các địa phương, nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom mìn làm sạch đất đai để tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, xây dựng chính sách hỗ trợ tối đa cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn.
Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn sau chiến tranh, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra, Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách thể hiện tính nhân văn sâu sắc, cao cả, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân là trên hết, trước hết, với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu chủ yếu. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm về lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn nhân lực, tài chính cho công tác này.
Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách, hành lang pháp lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện, trước hết là xây dựng pháp lệnh về vấn đề này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Nâng cao năng lực toàn diện cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và hệ thống cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn tại các địa phương. Tiếp tục phát huy được vai trò của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các công việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.
Bốn là, tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Phấn đấu đến 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.
Năm là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ trong rà phá bom mìn, nghiên cứu, vận dụng và thực hiện phương thức quản lý bom mìn một cách chủ động, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Cần khẩn trương điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan tới khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Sáu là, khẩn trương sơ kết, tổng kết từ thực tiễn Việt Nam và tham khảo, học tập quốc tế về các bài học hay, kinh nghiệm quý, mô hình tốt, cách làm hiệu quả để hoàn chỉnh cách làm và phổ biến, nhân rộng trong thời gian tới.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện Chương trình 504. Xây dựng dự thảo pháp lệnh về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh để trình cấp có thẩm quyền.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai vận động, tổ chức tiếp nhận các nguồn tài trợ, bảo đảm mục tiêu, tiến độ thực hiện kế hoạch tới năm 2025 một cách minh bạch, công khai, dân chủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án thuộc Chương trình 504 vào danh mục ưu tiên vận động tài trợ quốc tế; xây dựng chính sách thu hút ODA cho thực hiện Chương trình 504.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các hoạt động khắc phục hậu quả quả bom mìn sau chiến tranh vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; cân đối ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình 504 thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực, chủ động, đẩy mạnh hơn nữa công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng trân trọng đề nghị Chính phủ các nước, các ngài đại sứ, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành, đưa Việt Nam sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của bom mìn do chiến tranh để lại.
“Từ thực tế Việt Nam sau chiến tranh, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin, chung tay gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân trên Trái Đất, chung tay xây dựng, bảo vệ hòa bình, an ninh và hợp tác, phát triển, vì một thế giới xanh, sạch, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn hơn. Chúng ta nỗ lực hành động hết sức mình để ngăn chặn chiến tranh, xung đột vũ trang, để các dân tộc trên thế giới không bao giờ còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề, đau thương do chiến tranh và xung đột vũ trang gây ra, như đã từng xảy ra tại Việt Nam trong thế kỷ XX”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tùng Lâm