Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của ngành ngoại giao, hiện đất nước đã làm chủ được vắc xin và tự tin thay đổi trạng thái từ Zero-COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả để tiếp tục khôi phục kinh tế – xã hội.
Hội nghị Ngoại giao lần 31 có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, lãnh đạo các bộ ngành, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các thế hệ lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng thông báo chúng ta đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 gần 97%, mũi 2 gần 80%, tiêm cho học sinh 12-17 tuổi được tương đối.
“Chúng ta đang chuẩn bị tiêm mũi thứ 2 cho các cháu và đã báo cáo các cấp có thẩm quyền để chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên” – Thủ tướng nêu và cho biết ngành ngoại giao đã đóng góp rất lớn khi vận động nhiều nguồn vắc xin từ nước ngoài.
“Hiện nay vắc xin vẫn đang về. Có những nước sẵn sàng viện trợ cho ta gần chục triệu liều vắc xin trong tháng 12-2021 và tháng 1-2022. Với tinh thần nhượng vắc xin, viện trợ vắc xin và vay vắc xin, hay nói tóm lại là tất cả những gì làm được về mặt ngoại giao thì các đồng chí đều làm. Chúng tôi đánh giá rất cao về ngoại giao vắc xin và trang thiết bị y tế của ta” – ông nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết nhờ đóng góp của ngành ngoại giao, hiện đất nước đã làm chủ được vắc xin và tự tin thay đổi trạng thái từ Zero-COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả để tiếp tục khôi phục kinh tế – xã hội.
Theo ông, đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua chúng ta không có vắc xin, không có thuốc, chưa hiểu về chủng Delta và kinh nghiệm có hạn nên chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để ngăn chặn lây lan trong quý 3-2021. Điều này tác động ngay đến kinh tế: kinh tế âm, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đứt gãy thị trường lao động.
“Khi chúng ta có được vắc xin, hiểu được biến thể Delta, có thêm kinh nghiệm và xây dựng được lý luận về chống dịch thì ngành ngoại giao của các đồng chí đóng góp rất nhiều” – ông nhận xét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã hình thành triết lý chống dịch dựa trên 3 trụ cột chính là: cách ly, xét nghiệm và điều trị. Và từ 3 trụ cột này, Việt Nam đã xây dựng công thức chống dịch mà bây giờ tất cả các bộ, ngành và địa phương đang làm có hiệu quả, giúp kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Đó là công thức 5K + vắc xin, thuốc điều trị, các biện pháp điều trị, công nghệ…
“Từ khi kiểm soát dịch bệnh và từ ngày 11-11-2021 ban hành nghị quyết 128 tới giờ, tình hình kinh tế đã có rất nhiều điểm tích cực” – Thủ tướng nói.
Ông hào hứng kể khi tham dự Hội nghị COP26 ở Anh vừa qua, nhiều tập đoàn sử dụng lao động lớn đều đến gặp đoàn Việt Nam để cảm ơn, dù trong quý 3 đất nước bị đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường lao động.
“Nhưng chúng ta hồi phục rất nhanh và có cách tiếp cận bám sát tình hình thực tế, đặc biệt hoạt động ngoại giao của các đồng chí giúp Chính phủ điều hành tốt hơn” – ông nhấn mạnh.
Phương châm 14 chữ cho ngành ngoại giao
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ngành ngoại giao phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng nhưng cũng phải nhân ái và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
“Có những cái cốt lõi như lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền lợi chính đáng của chúng ta thì chúng ta bảo vệ. Nhưng chúng ta cũng phải góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người khác. Chúng ta bảo vệ họ thì đến lúc cần họ sẽ bảo vệ lại ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ nêu phương châm 14 chữ cho các nhà ngoại giao Việt Nam. Đó là: “Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, hiệu quả và cùng phát triển”.
Về “tình cảm”, ông giải thích con người ai cũng có tình cảm nên các nhà ngoại giao phải “đánh sâu” cái này.
“Chân thành”, theo Thủ tướng, mọi thứ phải xuất phát từ tấm lòng, để người ta chia sẻ, cảm thông với mình. “Tốt thì nói tốt, không tốt thì nói không tốt” – ông nêu.
Kế đến ông mong các nhà ngoại giao Việt Nam phải thể hiện sự “tin cậy” để đối tác, các nước tin tưởng Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngoại giao phải “không khúm núm trước nước lớn hay trịch thượng với các nước bé. Bình đẳng và tôn trọng để cùng phát triển”.
Cuối cùng là “hiệu quả và cùng phát triển”, tức là mọi thứ phải hướng đến hiệu quả và lợi ích chung.
“Đổi mới tư duy, bảo đảm lợi ích quốc gia tối thượng như độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp là “dĩ bất biến” nhưng những cái gì “ứng vạn biến” thì phải linh hoạt, mềm mại, thích ứng, nhưng cũng phải đề cao tính hiệu quả, khoa học” – ông nêu.
Thủ tướng cũng mong các thế hệ nhà ngoại giao thúc đẩy hơn nữa ba trụ cột của ngoại giao, đó là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.
Về ngoại giao chính trị, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược đang diễn ra gay gắt, Thủ tướng yêu cầu các nhà ngoại giao Việt Nam phải kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tích cực chủ động hội nhập quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.
Liên quan ngoại giao kinh tế, Thủ tướng mong muốn các nhà ngoại giao thúc đẩy khoa học, đổi mới sáng tạo, thu hút công nghệ xanh, công nghệ sạch, tài chính xanh, kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) một cách hiệu quả…
Đề cập ngoại giao văn hóa, ông cũng kêu gọi các nhà ngoại giao khẳng định với bạn bè quốc tế rằng Việt Nam xem văn hóa ngang tầm với các lĩnh vực quan trọng khác như kinh tế – xã hội.
Cuối cùng, về xây dựng lực lượng ngoại giao, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng các cán bộ ngoại giao đáp ứng các tiêu chí: “Nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ”.
“Tất nhiên để hội tụ đầy đủ ba yếu tố này là rất khó nhưng về nền tảng, tư duy phương pháp luận thì phải có. Còn cụ thể, anh nào đi vào lĩnh vực nào thì chuyên sâu lĩnh vực đó” – Thủ tướng nêu.
Tùng Lâm