+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phải ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’

06/05/2021 20:41

Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật - Ảnh 1.
Ngày 6-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành – Ảnh: VGP

Ngày 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là phòng chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, gắn các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện, kết quả thành tựu, mặt chưa được để rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp.

Nhiều khó khăn của ngành cần khắc phục

Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm, gồm rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; chuẩn hóa đội ngũ với chuyên gia đầu ngành, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, công tác khảo thí, đánh giá, đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp quản lý và tự đại học, đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Tuy vậy, khó khăn đặt ra với ngành là nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, không đồng đều giữa các vùng miền, hạ tầng xuống cấp, chủ trương xã hội hóa còn vướng mắc. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, phân cấp giáo viên còn bất cập…

Do đó, bộ trưởng kiến nghị cần hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đầu tư tài chính cho giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với ngành giáo dục, song vẫn còn một số bức xúc với ngành, như tình trạng thiếu trường lớp ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích trong giáo dục…

Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Kết quả mà ngành đạt đợc là rất lớn, đặc biệt khi thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới toàn diện, căn bản GD&ĐT, các quy định của của nhà nước, giúp nâng cao chất lượng.

Tuy vậy, các khó khăn đặt ra như cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chưa làm tốt công tác thông tin – truyền thông, dễ dẫn tới bức xúc trong xã hội. Việc xử lý các hiện tượng tiêu cực, tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, không thể vội vàng, nôn nóng, giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể trì trệ, cầu toàn. Bất cập trong phân cấp, phân quyền.

Theo thủ tướng, nguyên nhân vướng mắc trên có yếu tố khách quan, nhưng chủ quan là chủ yếu. Vì vậy lãnh đạo Bộ phải quyết liệt trong hành động, có phương pháp phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, làm việc phải đến nơi đến chốn, nói phải rõ để người dân, xã hội và dư luận biết, hiểu đúng, chủ động giải quyết công việc.

Về giải pháp, thủ tướng cho rằng cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề, đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo, bám sát các Nghị quyết, Luật Giáo dục. Tự lực, tự cường vươn lên từ nội lực, không trông chờ ai làm thay. Làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn.

Phát huy những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng, đi đôi với khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Lấy học sinh làm trung tâm, siết kỷ cương trong quản lý

Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, chính sách, đặc biệt liên quan tới trường lớp, giáo viên. Những vấn đề đã “chín”, thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, được đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước là xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, định mức…; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật.

Thường xuyên rà soát, nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện, phân cấp phân quyền rõ trách nhiệm. Nghiên cứu đổi mới hoàn thiện công cụ quản lý hệ thống, tập trung cải cách hành chính, số hoá, quản lý trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ.

Phát triển các cơ sở giáo dục theo định hướng lấy học sinh là trung tâm, nhà trường (cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án) là nền tảng, giáo viên phải là động lực, người truyền cảm hứng. Xây dựng, phát triển quan hệ hữu cơ giữa học sinh – nhà trường – giáo viên. Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải coi trọng công tác xây dựng đảng, tổ chức bộ máy, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý học tập, giảng dạy, đồng thời tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Gắn với đó là tăng cường truyền thông, công khai, minh bạch.

N.AN

Bài mới
Đọc nhiều