Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu loạt đề xuất để châu Á phát thải ròng bằng 0
Sáng 18-12 giờ Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị “Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC)” tại Nhật Bản. Đây là sự kiện cấp cao đầu tiên của AZEC kể từ khi ra đời.
Theo Hãng thông tấn Kyodo News, tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý theo đuổi quá trình khử carbon thông qua các lộ trình “đa dạng” và “thực tế”, tùy thuộc vào “hoàn cảnh và xuất phát điểm khác nhau của mỗi quốc gia”.
28.000 tỉ USD cho mục tiêu khử carbon ở châu Á
Ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội nghị sáng 18-12 còn có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, Nhật Bản và Úc.
Các bên đều đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản và việc lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao, cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được cả ba mục tiêu là giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại châu Á.
Theo truyền thông Nhật Bản, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Kishida Fumio ước tính cần 28.000 tỉ USD để khử carbon ở châu Á, đồng thời hứa sẽ thành lập một tổ chức mới để hỗ trợ các thành viên AZEC thực hiện các chính sách cần thiết cho mục tiêu trung hòa carbon.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định AZEC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ triển khai, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, linh hoạt, mạnh mẽ và đáng tin cậy.
AZEC cũng đồng thời sẽ giúp mở rộng thị trường năng lượng sạch và công nghệ tiên tiến, thúc đẩy phát triển và phối hợp chính sách về chuyển đổi năng lượng, phù hợp với tình hình và điều kiện mỗi quốc gia.
Cộng đồng được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và hợp tác trong tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở khu vực.
Loạt đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Tham gia hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần có sự chung ý chí, quyết tâm mạnh mẽ và hành động quyết liệt cho mục tiêu châu Á phát thải ròng bằng 0.
Thủ tướng khẳng định với trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt thông qua nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới để thực hiện các cam kết tại COP26.
Nổi bật trong đó là việc xây dựng các chiến lược và quy hoạch quốc gia như Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Việt Nam cũng đã xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ban hành Kế hoạch thực hiện JETP và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP.
Việc xây dựng thể chế và tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các Luật Dầu khí, Luật Đất đai, Luật Điện lực được tiếp tục theo hướng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường, phát triển điện sinh khối và bán tín chỉ carbon.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu của AZEC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác thời gian tới cần tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới.
Ông đề nghị đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo nguồn năng lượng sạch được tiếp cận rộng rãi, đáp ứng được khả năng chi trả tại khu vực châu Á, bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện của mỗi nước.
Đồng thời, Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế tài chính khí hậu mới, hợp tác công – tư và hợp tác trong khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Các bên cũng cần tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia.
Thủ tướng khẳng định với quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ, sự giúp đỡ tích cực hiệu quả của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển, một châu Á phát thải ròng bằng 0 sẽ trở thành hiện thực, mang lại sự phồn vinh cho cộng đồng các quốc gia châu Á và một tương lai bền vững trên toàn cầu.
Đông Duy