Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 yếu tố ASEAN cần đảm bảo để thành công trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 yếu tố ASEAN cần đảm bảo để thành công trong kỷ nguyên thông minh, tại phiên thảo luận trong khuôn khổ WEF ở Thụy Sĩ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 22/1 tham dự Phiên thảo luận “ASEAN: Gắn kết để vươn xa” do Chủ tịch WEF Borge Brende điều hành. Các diễn giả đánh giá ASEAN đang đứng trước cơ hội tiên phong chuyển mình vào “kỷ nguyên thông minh”. Ưu thế của ASEAN là tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp đến từ thế hệ trẻ.
Chia sẻ với tư cách được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định khối cần bước vào kỷ nguyên thông minh với tâm thế tham vọng, sẵn sàng “nghĩ sâu làm lớn”, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực mới để tạo đột phá cho tăng trưởng của khu vực.
Thủ tướng cho rằng trong kỷ nguyên thông minh, ASEAN cần đảm bảo 6 yếu tố để thành công: chính trị an ninh phải hòa bình, ổn định, không có chiến tranh; kinh tế phải phát triển nhanh và bền vững; văn hóa cần thúc đẩy sự thống nhất trong đa dạng, vừa phát triển bản sắc ASEAN, vừa giữ gìn bản sắc của từng thành viên; môi trường phải đảm bảo việc khai thác và sử dụng bền vững, bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau; xã hội cần đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển bao trùm và không bỏ ai lại phía sau.
Để vững bước trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam không thể phát triển ở tốc độ trung bình. Thủ tướng nêu quyết tâm của Việt Nam phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và số hóa thông qua ba ưu tiên chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.
Về thể chế, Việt Nam ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng một số luật, quy định để cung cấp khuôn khổ pháp lý và khuôn khổ thể chế thúc đẩy hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia.
Về hạ tầng, Việt Nam sẽ phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là cơ sở dữ liệu số như một cốt lõi của tăng trưởng.
Về nhân lực, Việt Nam sẽ chuẩn bị lực lượng lao động chất lượng, tập trung vào các ngành công nghiệp mới nổi như chuyển đổi xanh và số hóa, kinh tế tri thức, tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là về toán học và tư duy logic.
Thủ tướng kêu gọi hợp tác, kết nối giữa ASEAN và toàn cầu, giữa Việt Nam và các quốc gia trong ASEAN để cùng phát triển.
Về vấn đề Myanmar, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng ASEAN sẽ góp phần giúp hòa bình, ổn định và hạnh phúc sớm quay lại với người dân Myanmar.
Phiên thảo luận còn có sự tham gia của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus và Đặc phái viên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar Julie Bishop.
Thủ tướng Ibrahim đã chia sẻ 3 ưu tiên lớn trong năm Chủ tịch ASEAN 2025 là đảm bảo hạ tầng năng lượng cho khu vực, đặc biệt là năng lượng xanh và năng lượng thay thế; thúc đẩy kết nối trong ASEAN, đặc biệt ưu tiên khai thác thế mạnh của trí tuệ nhân tạo và ứng phó biến đổi khí hậu.
Phiên thảo luận là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 55. Tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân rời Thụy Sĩ về nước, kết thúc chuyến công du châu Âu.
Bích Ngân