Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiểm soát tiền vào bất động sản để tránh đầu cơ
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “quản” dòng vốn vào bất động sản, đảm bảo phục vụ thực sự nhu cầu của người dân.
Đề nghị này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại buổi làm việc cuối tuần trước. Đây cũng là cơ quan quản lý ngành đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc trực tiếp từ khi nhậm chức.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến giữa tháng 3, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng tăng 2,13%, nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay, là 2,04%, so với năm ngoái là tích cực.
Tình trạng dòng tiền chảy nhanh vào các kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán) cũng được cảnh báo gần đây. Việc dòng tiền chỉ đợi chảy vào các kênh đầu cơ này, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính (Đại học Kinh tế TP HCM) cảnh báo, có thể khiến nền kinh tế có “nguy cơ bị ngập úng trong tiền nếu không điều hướng được dòng chảy”.
Trước lo ngại tiền đổ mạnh vào bất động sản, chứng khoán, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, một số công cụ kiểm soát rủi ro tín dụng vào bất động sản, chứng khoán đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng. Chẳng hạn, giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ…
Bà Hồng nói, tốc độ tăng tín dụng vào bất động sản đã chậm lại. Dư nợ tín dụng đầu tư chứng khoán hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng đầu tư của các ngân hàng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng nhỏ và thực tế được kiểm soát như với khoản cấp tín dụng.
Để phòng ngừa, các nhà băng được yêu cầu tập trung quản trị, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để “dòng vốn đúng mục đích, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất”. Để nắn dòng tiền chảy đúng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ngoài các biện pháp trước mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước về lâu dài cần có giải pháp căn cơ phát triển thị trường tài chính.
“Thị trường tài chính phải cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế”, ông nói thêm.
Cũng tại cuộc họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu loạt thách thức mới ngành ngân hàng đang đối diện. Bà cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đã trên 140%, thuộc nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. “Tỷ lệ này tiếp tục tăng cao, vốn vay trung dài hạn dựa nhiều vào ngân hàng, sẽ là áp lực lớn tới cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và vĩ mô”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Về nợ xấu, bà Hồng thông tin, sau thời gian xử lý hiệu quả theo Nghị quyết 42, hiện tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng do những tác động của Covid-19. Còn trong tái cơ cấu ngân hàng, việc xử lý các nhà băng được mua lại 0 đồng cũng đang gặp vướng, do “đây là việc khó, chưa có tiền lệ, đòi hỏi sự đồng thuận, thống nhất”.
Ngân hàng Nhà nước cũng gặp khó khăn trong phát triển dịch vụ ngân hàng số do thiếu hành lang pháp lý trong cho vay ngang hàng, quản lý tiền điện tử, tiền kỹ thuật số. Bà Hồng đề nghị Chính phủ có cơ chế “mở”, khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng xử rủi ro phù hợp để giảm áp lực cho cơ quan quản lý, nhân lực thực hiện. Quá trình triển khai các dịch vụ đổi mới, theo bà, “có thể phát sinh rủi ro mà hiện tại chưa nhận diện được”.
Trước những khó khăn mới phát sinh của ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước “chọn một số việc ưu tiên làm trước, việc khó, phức tạp cân nhắc kỹ tìm giải pháp xử lý”. Những việc chưa có quy định hoặc đã có nhưng vượt thẩm quyền thì đề xuất làm thí điểm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
“Không nóng vội, tinh thần có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể. Trong đó, rà soát lại hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế để đảm bảo hệ thống phát triển an toàn, lành mạnh, tăng cường phân cấp và sử dụng công cụ giám sát, kiểm tra, kiểm soát đo lường hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với việc Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ với Việt Nam, ông Chính đánh giá kết quả này có được nhờ nỗ lực lớn của các cơ quan trong tiếp tục ngoại giao, nhất là Ngân hàng Nhà nước để Mỹ đánh giá phù hợp. Tuy nhiên, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục làm việc với phía Mỹ trong tổng thể kế hoạch hành động hướng đến cán cân thương mại hài hoà, bền vững giữa hai nước.
Về tái cơ cấu ngân hàng, Thủ tướng Chính nhấn mạnh nguyên tắc quyết liệt nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn tiền gửi. Còn với nợ xấu, cơ quan quản lý cần đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài để giảm tỷ lệ và kiểm soát chặt chẽ nợ xấu.
Ông cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, tạo niềm tin cho người dân, nhà đầu tư. Ngành ngân hàng cũng cần cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhưng không được hạ chuẩn cho vay, tránh gây rủi ro với hệ thống.
Tùng Lâm