Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi ủng hộ hơn 1 triệu máy tính cho học sinh nghèo
Thủ tướng kỳ vọng chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận giáo dục bình đẳng và tốt đẹp nhất.
Tại buổi phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tối 12/9, các ban, bộ ngành doanh nghiệp ủng hộ hơn 1 triệu máy tính (giá trị ước chừng khoảng hơn 2.350 tỷ đồng) cho học sinh, sinh viên cả nước đang thiếu phương tiện học tập trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay nhiều gia đình không có máy tính cho con học online, nhiều nơi không có sóng để học sinh học tập. Đảng, Nhà nước hiểu rõ và chia sẻ với các gia đình, học sinh trong giai đoạn khó khăn này.
Do đó, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng chống COVID-19 để có thể mở cửa trường học an toàn cho học sinh. Quan điểm là phải đủ an toàn mới mở cửa và học sinh đã đến trường là phải được an toàn. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra cho các địa phương lúc này.
Theo Thủ tướng, sóng và máy tính là phương thức học tập mới, phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong dạy trực tuyến, đòi hỏi các nhà giáo cần điều chỉnh phương pháp dạy học giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất, đặc biệt là với học sinh lớp 1.
Đồng thời, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần đưa ra các giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, làm ảnh hưởng đến học tập của học sinh.
Chương trình Sóng và máy tính cho em do Chính phủ phát động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ học sinh khó khăn về máy tính, chương trình còn tiến tới phủ sóng những nơi chưa có sóng, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy chuyển đổi số.
Thủ tướng mong muốn, chương trình Sóng và máy tính cho em sẽ lan toả tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực, góp phần xây dựng xã hội tốt hơn trong kỷ nguyên số. Để học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được tiếp cận giáo dục bình đẳng và những gì tốt đẹp nhất.
Là đơn vị được Thủ tướng trực tiếp giao nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngoài việc ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông cho các em học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn khi học trực tuyến, chương trình cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt ở vùng quê, các em sẽ hỗ trợ bố mẹ làm quen với chuyển đổi số, mua bán bằng điện tử.
Dự kiến trong tháng 9/2021 học sinh ở khu vực giãn cách xã hội sẽ có sóng để học online và lộ trình đến cuối năm nay, học sinh cả nước sẽ có sóng để học. Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn với học sinh, sinh viên ảnh hưởng đại dịch COVID-19, từ nay đến cuối năm, các nhà mạng sẽ miễn phí toàn bộ cước viễn thông.
Tại lễ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng 400 nghìn máy tính; Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng 200 nghìn máy tính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng 100 nghìn máy tính; Bộ Ngoại giao trao tặng 240 nghìn máy tính; Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước trao tặng 250 nghìn máy tính; 9 tập đoàn doanh nghiệp trao tặng hơn 10 nghìn máy tính; Uỷ ban Unicef tại Việt Nam ủng hộ 1.500 máy tính và nhiều UBND các tỉnh, thành phố ủng hộ máy tính. Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thay mặt học sinh, sinh viên cả nước nhận sự ủng hộ trên.
Hà Cường