Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với 15 kiến nghị của TP.HCM và bày tỏ tin tưởng thành phố sẽ tiếp tục phát huy các thành tựu, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.
Trưa 13.5, sau hơn 3 tiếng rưỡi nghe TP.HCM báo cáo và góp ý của các Phó thủ tướng và bộ ngành liên quan trong buổi làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa đánh giá cao vị trí, vai trò của TP.HCM trên các mặt kinh tế xã hội, an ninh chính trị không chỉ ở khu vực phía Nam mà còn đối với cả nước.
Thống nhất giữa lời nói và hành động
Những năm qua, TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, có tốc độ tăng trưởng cao, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực cũng như phong trào khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo. Trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư có nhiều điểm sáng, an sinh xã hội được đảm bảo, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi…
“Những thành tích và thành tựu của TP.HCM rất cơ bản và tích cực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định và thay mặt Chính phủ biểu dương TP.HCM.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của TP.HCM như chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và những cơ hội có được. Về nguyên nhân chủ quan, có cả sự quan tâm của Trung ương chưa đúng mức và TP.HCM chưa cố gắng hết mức. Nhìn lại giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM chưa đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế, 7 chương trình đột phá chưa đạt, giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, TP.HCM chưa trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến sự thống nhất, quyết tâm giữ lời nói và hành động. “Suy nghĩ phải kỹ càng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành đông quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng và hiệu quả, được đa số đồng tình thì mạnh dạn làm. Những cái nào chưa có luật, hoặc có luật mà chưa có quy định, hoặc có quy định rồi mà thực tiễn vượt qua thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.
“Nếu các đồng chí làm không có động cơ xấu, không tham nhũng, tiêu cực, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì Đảng, Chính phủ phải bảo vệ. Tinh thần chung là vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói”, Thủ tướng chia sẻ và đề nghị TP.HCM cần quán triệt sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra đầy đủ, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Chính phủ không giữ cơ chế chính sách
Liên quan đến các nhóm đề xuất của TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bên cạnh 15 đề xuất của TP.HCM với Chính phủ thì Chính phủ cũng có một đề nghị với TP.HCM đó là trở thành trung tâm tài chính quốc gia. Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất của TP.HCM và Văn phòng Chính phủ cùng TP.HCM cố gắng hoàn thiện thông báo kết luận trong 1 ngày để các đơn vị triển khai.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm chỉ đạo là cái gì vướng mắc của Quốc hội thì Chính phủ cùng TP.HCM tháo gỡ với tinh thần 3 không: “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Về phân cấp phân quyền, Thủ tướng nhấn mạnh cái gì mà TP.HCM làm tốt hơn Chính phủ, các bộ ngành thì sẵn sàng giao cho TP.HCM; cái gì người dân, xã hội làm tốt thì sẵn sàng giao cho xã hội làm. Chính phủ giữ vai trò thiết kế chiến lược, quy hoạch, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, công cụ giám sát kiểm tra, khen thưởng kỷ luật.
Về phát triển hạ tầng, Thủ tướng nhấn mạnh cần đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó khâu giải phóng mặt bằng thì do địa phương thực hiện, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhà nước, Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể sẽ hỗ trợ phần xây lắp như vốn mồi. “Như hôm qua tôi dự tổng kết ở Quảng Ninh, cái này đã làm rồi, mô hình có rồi mà ta đong được, đếm được thì mạnh dạn làm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng.
Liên quan đến Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, Thủ tướng đồng tình với việc cần đánh giá lại xem những gì còn thiếu để bổ sung, quan trọng nhất là Trung ương cho cơ chế chính sách để TP.HCM phát huy tối đa không gian sáng tạo, tinh thần chủ động.
Thủ tướng cũng bày tỏ ủng hộ tối đa đối với đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách mà TP.HCM đã xây dựng. Việc này vừa là khuyến khích vừa là trách nhiệm, nên TP.HCM cần tập trung cho 3 chương trình đột phá chiến lược, cân nhắc các dự án cụ thể đảm bảo hiệu quả khi hoàn thành.
Về đề xuất điều chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, Thủ tướng đồng tình vì 2 cái này giống nhau, còn chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại thì đấu giá để thu hồi ngân sách cho nhà nước. Về cải tạo chung cư cũ, người đứng đầu Chính phủ tán đồng với việc sửa nghị định liên quan để đẩy nhanh tiến độ, tổ chức tái định cư tại chỗ cho người dân.
“Chính phủ không giữ cơ chế chính sách, Chính phủ chỉ giữ kỷ cương, kỷ luật. Chính phủ chỉ thiết kế chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách, công cụ giám sát kiểm tra”, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh và đề nghị TP.HCM nói riêng và các địa phương nói riêng mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách từ thực tiễn địa phương.
Ở cuối bài phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nói: “Chúng tôi tin tưởng TP.HCM làm được, và rất tin”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ và đề nghị TP.HCM phát huy các thành tựu, thành tích từ các nhiệm kỳ vừa qua để tạo đột phá.
Tùng Lâm